Theo Vụ trưởng Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước, thanh toán không dùng tiền mặt đang có những bước tiến cả về pháp lý, cơ sở hạ tầng và hành vi lựa chọn phương thức thanh toán của người dùng...
>>NHNN: Đã có 1,1 triệu khách hàng dùng Mobile Money, thanh toán không tiền mặt tăng 69,7%
Tuy nhiên, bên cạnh sự đột phá, vẫn còn những khó khăn, thách thức trong lan tỏa thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đến toàn xã hội, đặc biệt là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước, bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu trình Quốc hội, Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực thanh toán. Thời gian tới sẽ có thêm nhiều bước đột phá khi khung pháp lý tiếp tục hoàn thiện. Tới đây mạng lưới đại lý chấp nhận thanh toán không tiền mặt sẽ vươn tới vùng sâu, vùng xa, hải đảo.
Sau hơn một năm triển khai dịch vụ Mobile Money, đến nay đã có đến 3,71 triệu tài khoản mobile money được mở, trong đó 30% tài khoản được mở ở vùng xa, hải đảo. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là thanh toán điện tử trong năm qua tiếp tục được chú trọng đầu tư, mở rộng, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của toàn xã hội.
Trong 3 tháng đầu năm 2023, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 8,55% về giá trị. Số lượng giao dịch qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 70,77% về số lượng và tăng 18,55% về giá trị.
Đáng chú ý, đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ rút tiền mặt sang thanh toán không tiền mặt. Số lượng giao dịch qua POS tăng 37,57% về số lượng và tăng 32,09% về giá trị, giao dịch qua ATM tiếp tục giảm 2,37% về số lượng và giảm 4,02% về giá trị. Đến cuối tháng 3, toàn thị trường có 21.347 máy ATM và có 430.625 máy POS; tăng tương ứng 3,88% và 26,34% so với cùng kỳ năm 2022.
>>Thanh toán không tiền mặt: Cần bao trùm, đồng bộ
Một điểm đáng chú ý khác là những giải pháp thanh toán mới, hiện đại, tiết kiệm chi phí như thanh toán qua mã phản hồi nhanh (QR code), thanh toán phi tiếp xúc (contactless)… đã được các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán áp dụng, tích hợp vào trong sản phẩm, dịch vụ để nâng cao tiện ích, an toàn bảo mật. Qua đó góp phần phổ biến thanh toán không tiền mặt đến với người dân và doanh nghiệp.
"Tính đến cuối năm 2022, có 40 ngân hàng đã triển khai chính thức quy trình mở tài khoản thanh toán eKYC với hơn 11,9 triệu tài khoản thanh toán mở bằng eKYC đang hoạt động; có 22 ngân hàng triển khai chính thức mở thẻ eKYC với gần 10,8 triệu thẻ mở bằng eKYC đang hoạt động.
Ngoài ra, đến tháng 4/2023, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Công an (C06) hoàn thành xác thực hơn 25 triệu thông tin tín dụng khách hàng vay với CSDLQGvDC. Có thể nói, NHNN đang hết sức khuyến khích để phát triển hệ sinh thái số và đây cũng là một trong những trọng tâm của các tổ chức tín dụng, với lợi thế của mình kết hợp cùng Fintech, mang đến những trải nghiệm thanh toán liền mạch cho người dùng", Vụ trưởng Vụ Thanh toán phát biểu tại họp báo Ngày không tiền mặt 2022 do Vụ Thanh toán -NHNN và báo Tuổi trẻ tổ chức.
Trong bối cảnh hiện nay, việc thúc đẩy TTKDTM theo Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Thanh toán, vẫn còn những thách thức nhất định. Chẳng hạn như mặc dù đã có những bước đột phá trong TTKDTM như nêu trên, song việc lan tỏa kết quả cao theo đánh giá của NHNN, đặc biệt đến khu vực vùng sâu vùng xa, vẫn còn hạn chế. Như đến nay, NHNN đã triển khai đề án thí điểm hình thức đại lý thanh toán ở khu vực nông thôn với thí điểm Viettel và MB; hay Momo phối hợp Vietcombank và triển khai mở rộng ở 63 tỉnh thành...; Số lượng giao dịch và giá trị giao dịch thanh toán KDTM qua các mô hình thí điểm cho thấy người dân bước đầu tiếp cận được, nhưng vẫn còn khiêm tốn.
Do đó, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục áp dụng một số giải pháp nhằm thúc đẩy TTKDTM.
Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách, thúc đẩy TTKDTM đáp ứng yêu cầu thực tiễn, trước mắt tập trung vào việc hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định về TTKDTM và các văn bản hướng dẫn Nghị định 101, Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng; đồng thời, chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của NHNN về ứng dụng/ chia sẻ dữ liệu trong hoạt động ngân hàng, thúc đẩy triển khai Đề án 06.
"NHNN đang xin ý kiến về cơ chế kiểm soát các hoạt động Fintech với 3 nội dung: Chấm điểm tín dụng, Chia sẻ thông tin (cung cấp thông tin đúng luật) đặc biệt là dữ liệu cá nhân; B2B Learning giúp hỗ trợ các tổ chức khởi nghiệp sáng tạo", ông Tuấn chia sẻ.
Thứ hai, tiếp tục triển khai hiệu quả các Đề án của Chính phủ, của ngành Ngân hàng về TTKDTM và chuyển đổi số. Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương để nghiên cứu, thiết lập hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, thống nhất nhằm tạo thuận lợi và thúc đẩy kết nối liên thông mang lợi ích tổng thể cho người dân, doanh nghiệp.
Thứ ba, tiếp tục ứng dụng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên thiết bị di động; triển khai hiệu quả việc thí điểm dịch vụ Mobile-Money nhằm thúc đẩy TTKDTM ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công.
Thứ tư, tăng cường phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan trong quá trình nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách và thực hiện công tác bảo đảm an toàn, an ninh; thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, khai thác hiệu quả dữ liệu trong thiết kế, phát triển và cung ứng sản phẩm, dịch vụ tiện ích phù hợp với nhu cầu, hành vi của từng nhóm đối tượng khách hàng đi cùng với công tác đảm bảo an ninh an toàn và bảo mật thông tin khách hàng; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng; Tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin trong ngành Ngân hàng…
Thứ năm, tiếp tục chú trọng triển khai thực hiện các hoạt động thông tin tuyên truyền và giáo dục tài chính đến người dân, doanh nghiệp có đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết và yên tâm trải nghiệm sử dụng dịch vụ TTKDTM một cách an toàn như các Chương trình, chuỗi sự kiện Ngày không tiền mặt do Báo Tuổi trẻ đầu mối tổ chức.
Bà Kim Lan Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - NHNN, nhấn mạnh, việc giúp người dân có được kiến thức, thông tin, hiểu biết, kỹ năng tài chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng.
NHNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông giáo dục tài chính cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, nông thôn, giới trẻ, các đối tượng yếu thế trong xã hội về các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trong thời gian tới.
"Hoạt động truyền thông sẽ hướng tới đa dạng các phương tiện và hình thức thể hiện đảm bảo dễ nhớ, dễ hiểu, dễ vận dụng, dễ lan tỏa; đồng thời nắm bắt các xu hướng truyền thông hiện đại, công chúng quan tâm, sử dụng nhiều như truyền thông trên mạng xã hội; không chỉ thông qua các chương trình truyền hình mà còn lan toả rộng rãi trên mạng xã hội, tương tác với công chúng để gia tăng hiệu quả chương trình; tiếp tục đẩy mạnh truyền thông giáo dục tài chính trong hệ thống giáo dục phổ thông, Đại học trên toàn quốc… Qua đó nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng và khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng đối với công chúng, góp phần thúc đẩy TTKDTM và hiện thực hóa các mục tiêu của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, cũng như góp phần thúc đẩy chuyển đổi số ngành Ngân hàng, vì mục tiêu Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số...", bà Kim Lan Anh cho biết.
Ngày không tiền mặt 2023 có các hoạt động chính trong chuỗi sự kiện gồm: Hội thảo quốc gia "Ngày không tiền mặt" (tổ chức vào ngày 1606, tại khách sạn Rex, TP.HCM); Cuộc thi Chiến thần không tiền mặt (Bắt đầu vào ngày 16/6 và kết thúc ngày 15/7/2023, công bố giải thưởng trong ngày 21/7/2023; Chương trình Big Boom khuyến mãi tập trung...
Đáng chú ý tại chương trình năm nay, sẽ có Lễ hội "Cashless Town", được xem là điểm nhấn kéo dài ba ngày 16, 17, 18-6-2023 tại trung tâm TP.HCM. Đây là hoạt động do chương trình Ngày không tiền mặt phối hợp Sở Công Thương TP.HCM tổ chức với sự đồng hành của các nhà cung ứng, các ngân hàng, tổ chức tín dụng.
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Thành ủy viên, Giám đốc Sở Công thương, TP HCM triển khai lễ hội theo mô hình xã hội không tiền mặt thu nhỏ, trong đó người tham dự tham quan mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí mà không dùng tiền mặt. Đồng thời, người tham quan còn được nhận các ưu đãi từ các nhà đồng hành, trải nghiệm tiện ích từ các dịch vụ công trực tuyến và tham quan triển lãm Lịch sử tiền tệ. Bên cạnh đó còn có các hoạt động biểu diễn nghệ thuật ở sân khấu chính... Qua đó, với vai trò là một trung tâm kinh tế quan trọng của cả nước, TP HCM cam kết tích cực đổi mới để mang đến những thay đổi, đóng góp vào thành công trong thúc đẩy TTKDTM, tiến đến xã hội không tiền mặt.
Có thể bạn quan tâm
VNSIF gọi vốn cho giải pháp thanh toán không tiền mặt Truepayment
01:13, 09/04/2023
Thanh toán không tiền mặt trong du lịch
17:12, 03/03/2023
Người tiêu dùng Việt tích cực ứng dụng thanh toán không tiền mặt
17:30, 20/12/2022
Mua sắm trực tuyến và thanh toán không tiền mặt tăng mạnh
07:00, 08/12/2022