Các nhà lãnh đạo thuộc nhóm Đối thoại An ninh Tứ giác (gọi tắt là Quad) gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc đã cam kết cung cấp lên đến 1 tỉ liều vắc xin COVID-19 cho Đông Nam Á vào cuối năm 2022.
Theo sáng kiến này, Ấn Độ, một trung tâm dược phẩm của thế giới sẽ sản xuất vắc-xin loại một liều của tập đoàn Johnson & Johnson nguồn tài chính đến từ Tổ chức Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ và Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản. Trong khi đó, Australia sẽ tài trợ cho việc đào tạo và cung cấp hỗ trợ hậu cần cho nhiệm vụ phân phối vắc xin, chủ yếu sẽ đến các đảo Thái Bình Dương, Đông Nam Á và các nước ở Ấn Độ Dương.
Theo Reuter trích dẫn lời một quan chức từ cuộc họp này cho biết, những gì các nước thành viên Bộ Tứ đang theo đuổi là nỗ lực thúc đẩy một cách tiếp cận trên diện rộng, nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt vắc xin trầm trọng ở các nước đang phát triển trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Kế hoạch hợp tác cũng được tin sẽ giúp củng cố vị thế của Ấn Độ như một nhà sản xuất và cung cấp vắc-xin đáng tin cậy cho cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu. Đồng thời nhắm đến mục tiêu chống lại các nỗ lực "ngoại giao vắc xin" diện rộng của Trung Quốc.
Có thể thấy, kể từ khi cuộc “Đối thoại Tứ giác An ninh” lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2007, Bộ tứ đã không hoạt động, đặc biệt là do những lo ngại ở Ấn Độ và Úc về việc chống lại Trung Quốc, cũng như chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Donald Trump đã hạn chế mối liên kết giữa bốn quốc gia.
Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Biden chính thức lên nắm quyền, ông và Nội các mới đã nhanh chóng thúc đẩy việc kết nối lại với các đồng minh thân cận. Và sau khi truyền thông Mỹ Kurt Campbell, quan chức cấp cao của Nhà Trắng về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đã có nhiều cuộc trao đổi với các đại sứ của các nước thuộc Bộ Tứ tại Washington, đã xuất hiện nhiều nhận định dự đoán rằng bốn quốc gia này đang thực hiện sáng kiến ngoại giao vắc xin để đối phó với Bắc Kinh.
Mặc dù không nhắc trực tiếp tới Trung Quốc, nhưng giới quan sát nhận định, đồng minh của Mỹ ở cả châu Âu và Ấn Độ - Thái Bình Dương đã bắt đầu xem xét nghiêm túc hơn đến những thách thức mà Bắc Kinh đặt ra trong những năm qua.
Cả bốn quốc gia đều nhận thức được Trung Quốc đã gây dựng tầm ảnh hưởng trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương một cách mạnh mẽ hơn thông qua vai trò người hỗ trợ vắc xin toàn cầu.
Hugh White, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học Quốc gia Úc ở Canberra, cho biết hiện nay, việc đẩy lùi đại dịch là ưu tiên hàng đầu của các quốc gia, và vắc xin là con đường hiệu quả nhất để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.
“Bằng việc cung cấp vắc xin nhanh chóng với giá thành rẻ, Trung Quốc đã thành công trong việc xây dựng lại hình ảnh với nhiều nước trong khu vực. Điều này đe dọa trực tiếp đến lợi ích của các nước thuộc Bộ Tứ”, giáo sư White nhận định.
Mặt khác, quyết định của Tổng thống Biden khi nâng cấp cuộc đối thoại giữa người đứng đầu chính phủ trong Bộ tứ là một dấu hiệu quan trọng cho thấy mức độ ưu tiên mà ông dành cho việc đối phó với Trung Quốc.
Đồng thời, với việc Bộ tứ đưa ra các thông điệp về những lĩnh vực quan trọng khác như đất hiếm và biển Đông đã chứng minh, Tổng thống Biden sẽ tiếp tục có các chính sách củng cố sức mạnh của Bộ Tứ trong khu vực
Mặc dù vậy, Michael Green, cựu cố vấn phụ trách khu vực châu Á của Cựu Tổng thống George W Bush, để thực hiện tham vọng của mình, Tổng thống Biden phải nhanh chóng thiết lập lại các chính sách thương mại và đạt được sự thống nhất với các đồng minh về mức chi tiêu quân sự.
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, trong thời gian tới, Mỹ sẽ nhanh chóng tái lập lại quan hệ với các đồng minh để củng cố sức mạnh trong khu vực. Và cuộc đối đầu Mỹ-Trung sẽ dần trở nên nóng hơn trong năm 2021.
Có thể bạn quan tâm