Năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6 - 6,5%. Với đặc tính của mình, ngành xây dựng dự kiến sẽ có mức tăng trưởng vượt trội, với mức tăng trưởng dự báo khoảng 8 - 10%.
>>>Doanh nghiệp ngành xây dựng sẽ được hưởng lợi trong quý IV/2023 và năm 2024
Trong báo cáo cập nhập ngành xây dựng mới đây, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho biết, trong 10 năm qua, ngành Xây dựng đã phát triển song hành với nền kinh tế, theo cả xu hướng tăng và giảm, thể hiện mối tương quan chặt chẽ với nền kinh tế.
Sau khi sụt giảm mạnh từ quý III/2022 đến quý I/2023, ngành nhanh chóng phục hồi khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi từ quý II/2023, đạt mức tăng trưởng 8% so với cùng kỳ năm trước trong quý III/2023.
Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế là 6 - 6,5% cho năm 2024. Với đặc tính của mình, ngành Xây dựng dự kiến sẽ có mức tăng trưởng vượt trội so với mức tăng của nền kinh tế. Do đó, Công ty Chứng khoán này kỳ vọng ngành Xây dựng sẽ tăng trưởng 8 - 10% vào năm 2024.
Đánh giá về ngành Bất động sản (BĐS), Mirae Asset Việt Nam cho rằng, ngành BĐS tiếp tục suy giảm trong năm 2023. Tính đến 9 tháng 2023 có 42 dự án nhà ở hoàn thành, tương đương 15%, 25% và 46% số dự án vào các năm 2020, 2021 và 2022. 150 dự án nhà ở hình thành trong tương lai được phê duyệt, tương ứng với 47%, 43% và 60% số dự án vào các năm 2020, 2021 và 2022. 47 dự án mới được cấp, tương ứng với 6%, 20% và 37% số dự án vào các năm 2020, 2021 và 2022.
Tuy nhiên, kể từ quý III/2023, thị trường đã cho thấy những tín hiệu tích cực hơn. Theo đó, trong quý vừa qua, ngành đã đạt được 21 dự án nhà ở hoàn thành với 7.633 căn, tăng 300% so với quý II/2023; 47 dự án nhà ở hình thành trong tương lai được phê duyệt, với 8.208 căn, tăng 132% so với quý II/2023; 15 dự án mới được cấp, với 3.028 căn, tương đương quý II/2023.
Về đầu tư công, Mirae Asset Việt Nam đánh giá, tiến độ vẫn chưa đạt kế hoạch, nhưng con số giải ngân tăng. Theo đó, đến cuối tháng 10/2023, ước tính giải ngân của Chính phủ Việt Nam là 401.863 tỷ đồng, đạt 52% mục tiêu năm tài chính 2023 (10 tháng đầu năm 2022: 46,4%).
So với mục tiêu Thủ tướng đề ra, giải ngân đạt 56,74% (10 tháng năm 2022: 51,3%); trong đó, giải ngân trong nước đạt 391.580 tỷ đồng và giải ngân nước ngoài đạt 10.283 tỷ đồng, lần lượt đạt 52,7% và 35,4% mục tiêu năm 2023. Dù kế hoạch chậm tiến độ nhưng con số tuyệt đối vẫn lớn hơn đáng kể so với năm 2022, tăng từ 317.714 tỷ đồng lên 430.662 tỷ đồng (35,6% so với cùng kỳ).
Đối với tiến độ giải ngân 7 dự án trọng điểm quốc gia, Công ty Chứng khoán này cho biết, tính đến cuối tháng 9/2023, ước giải ngân lũy kế đạt 52.014 tỷ đồng, đạt 57,9% kế hoạch năm 2023.
“Do Chính phủ đẩy mạnh tốc độ giải ngân kể từ đầu năm, Việt Nam lần đầu tiên đạt 50% kế hoạch giải ngân trong vòng 9 tháng đầu năm. Chúng tôi lưu ý rằng việc giải ngân có xu hướng tăng lên trong thời gian cuối năm, trùng với thời điểm doanh thu của các công ty xây dựng tăng tốc”, Mirae Asset Việt Nam đánh giá.
Đơn vị này cũng cho biết, Việt Nam kỳ vọng Đường cao tốc Bắc-Nam với tổng vốn đầu tư gần 200.000 tỷ đồng (gần 8,5 tỷ USD) sẽ được tích hợp hoàn chỉnh vào cuối năm 2025, vận chuyển hàng hóa, dịch vụ và hành khách không bị gián đoạn xuyên suốt trục Bắc-Nam.
Ngoài ra, giai đoạn 2025 – 2030, Việt Nam sẽ ưu tiên đầu tư đường cao tốc theo trục Đông – Tây. Tháng 6 vừa qua, Chính phủ đã bắt đầu xây dựng 3 đường cao tốc trên trục này, với tổng vốn đầu tư ước tính gần 85.000 tỷ đồng (3,6 tỷ USD). Đến cuối năm 2023, cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ sẽ hoàn thành, nâng số dự án hoàn thành lên 8 dự án, trong đó, có 7 đường cao tốc và 1 cầu trong năm 2023.
“Với tất cả các công việc đang được thực hiện, chúng tôi nhắc lại kỳ vọng trước đây của mình rằng chi tiêu của Chính phủ cho cơ sở hạ tầng sẽ tạo ra tác động lớn và thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế trong 3–5 năm tới” Mirae Asset Việt Nam cho biết.
Do ngành đã phục hồi kể từ quý III/2023, một số công ty đang đi đúng hướng để đạt được kế hoạch cho năm tài chính 2023, trong khi, những công ty khác khó có thể đạt được mục tiêu đề ra. Trong đó, HHV, CTD và DPG có nhiều khả năng hoàn thành kế hoạch năm 2023 nhất, về doanh thu và lợi nhuận ròng.
Như mọi khi, quý IV là quý có doanh thu được báo cáo cao nhất do ảnh hưởng của yếu tố mùa vụ và các công ty tìm cách tăng khối lượng công việc nhiều nhất có thể để đạt được mục tiêu năm tài chính.
“Đáng chú ý, các dấu hiệu phục hồi đã dần xuất hiện, với 5 công ty có doanh thu tăng trưởng và 4 công ty có lợi nhuận ròng tăng trưởng theo quý. Các dấu hiệu tăng trưởng dần xuất hiện, nhà đầu tư nên tìm kiếm những công ty có thể duy trì tốc độ tăng trưởng này ở mức hợp lý”, Mirae Asset Việt Nam nhận định.
Có thể bạn quan tâm
Nghệ An hoạch định phát triển “vật liệu xanh” trong ngành xây dựng
09:47, 21/10/2023
Dự thảo Thông tư về thi đua, khen thưởng ngành Xây dựng: Cần làm rõ đối tượng áp dụng
03:00, 20/10/2023
Cân nhắc lại tiêu chí về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành xây dựng
03:00, 18/10/2023
Doanh nghiệp ngành xây dựng sẽ được hưởng lợi trong quý IV/2023 và năm 2024
04:53, 14/09/2023
Động lực và thách thức của nhóm ngành xây dựng, đầu tư công
12:00, 10/09/2023