Lãnh đạo tỉnh Nghệ An vừa “lệnh” cho các cơ quan, đơn vị địa phương khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, áp dụng các biện pháp cần thiết để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công…
Do chưa thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, hơn 400 dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn đã bị “điểm tên, chỉ mặt” theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Tài chính về việc công khai các dự án giải ngân 0% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 nguồn ngân sách Trung ương (vốn trong nước) do địa phương quản lý.
Loạt dự án chưa giải ngân vốn
Mới đây, ông Bùi Thanh An – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã ký, ban hành Công văn số 4190/UBND-KT về việc công khai các dự án giải ngân 0% kế hoạch đầu tư công năm 2024. Theo đó, kế hoạch đầu tư công tập trung của tỉnh trong năm 2024 hơn 4.628 tỷ đồng. Tính đến ngày 10/5/2024, địa phương đã thực hiện giải ngân trên 1.147 tỷ đồng, đạt 24,79%.
Tuy nhiên, tính đến ngày 10/5/2024, Nghệ An vẫn còn 411/1.030 dự án chưa thực hiện giải ngân. Trong đó, nguồn đầu tư công tập trung (chưa bao gồm chương trình mục tiêu quốc gia) còn 62/160 dự án, nguồn chương trình mục tiêu quốc gia còn 349/870 dự án.
>>Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công: Cần giải pháp căn cơ
Đáng chú ý, nhiều dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công không nhỏ nhưng tiến độ giải ngân vẫn bằng 0%, điển hình như: Dự án xây dựng trụ sở làm việc HĐND – UBND huyện Anh Sơn, với tổng vốn đầu tư 12,5 tỷ đồng; Dự án xây dựng hồ chứa nước Khe Rắt, xã Hùng Sơn, huyện Anh Sơn 6,9 tỷ đồng; Dự án cải tạo, nâng cấp đường giao thông nối từ Quốc lộ 1A đến Quốc lộ 7A, đoạn đi qua các xã: Diễn An, Diễn Lộc, Diễn Phú, Diễn Lợi và Minh Châu, huyện Diễn Châu), với tổng vốn đầu tư 36,665 tỷ đồng;
Hay như dự án nâng cấp, mở rộng đường giao thông Tràng – Minh, huyện Đô Lương 10 tỷ đồng; Dự án đường vào Khu công nghiệp Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên 20 tỷ đồng; Dự án cầu Mô Vĩnh bắc qua sông Rộ, huyện Thanh Chương có tổng mức đầu tư 10 tỷ đồng;…
Bên cạnh đó, một số dự án khác có vốn đầu tư công nhỏ nhưng lại gặp vướng mắc trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, chính sách đền bù và giải phóng mặt bằng nên chưa thể thực hiện công tác giải ngân vốn đầu tư công. Đơn cử như dự án xây dựng nhà học bộ môn và cải tạo, nâng cấp nhà học Trường THPT Mường Quạ, huyện Con Cuông có . Hiện, dự án này đang được Ban giám hiệu nhà trường triển khai thực hiện các thủ tục hành chính để giải ngân gói đầu tư công khoảng 1,5 tỷ đồng.
>>Nghệ An “kê đơn, bắt bệnh” chậm giải ngân vốn đầu tư công
Theo lãnh đạo nhà trường, nguyên nhân của sự chậm trễ nêu trên do dự án đang tiến hành dở dang thì gặp vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng. Cụ thể, có một số giáo viên trước đây được nhà trường cho mượn đất để xây dựng nhà ở tạm thời, tuy nhiên, nay lại không chịu hoàn trả lại mặt bằng, đồng thời đưa ra những yêu cầu vượt quá khả năng xử lý của nhà trường…
Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ
Cũng lên quan đến các dự án chưa thực hiện giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn, mới đây, Lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã “lệnh” cho các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thủ tục, áp dụng các biện pháp cần thiết như: Huy động nguồn nhân lực, tăng ca, tập trung nhiều mũi thi công... nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch được giao, phấn đấu đến ngày 30/6/2024 không còn dự án chưa thực hiện giải ngân.
Cụ thể, yêu cầu các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thành, thị, các Ban quản lý dự án và các chủ đầu tư triển khai nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đối tất cả các nguồn vốn theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, của Bộ, ngành Trung ương và của tỉnh về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.
>>Giải ngân vốn đầu tư công - thấp thỏm mừng, lo
Trong đó, đề nghị các chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công và thực hiện thủ tục giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án chưa giải ngân và dự án có tỷ lệ giải ngân thấp hơn tỷ lệ giải ngân bình quân của tỉnh Nghệ An. Các chủ đầu thực hiện nghiệm thu, thanh toán vốn đầu tư theo đúng quy định và ngay khi có khối lượng. Trường hợp tạm ứng phải bảo đảm việc tạm ứng, mức vốn tạm ứng và thu hồi vốn tạm ứng theo đúng quy định, bảo đảm sử dụng hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí nguồn vốn ngân sách Nhà nước được giao.
Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu các Sở xây dựng, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an tỉnh ưu tiên tối đa việc giải quyết hồ sơ thủ tục cho các dự án được bố trí kế hoạch vốn năm 2024, bảo đảm kịp thời và đúng quy định. Kho bạc Nhà nước tỉnh và các huyện, thành phố, thị xã hỗ trợ, hướng dẫn các chủ đầu tư trong việc hoàn thiện hồ sơ thanh toán, thực hiện thủ tục kiểm soát chi theo đúng quy định để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Mặc khác, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền điều chuyển vốn giữa các dự án không có khả năng giải ngân hoặc chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, có nhu cầu bổ sung vốn. UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung giải quyết công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư kịp thời, đúng quy định cho người dân, bảo đảm đúng pháp luật và hài hoà lợi ích của Nhà nước và người dân.
Có thể bạn quan tâm
Nghệ An - Sẵn sàng cất cánh
09:40, 05/06/2024
Thấy gì khi IIP Nghệ An tăng trưởng mức 2 con số?
12:27, 02/06/2024
Có cơ chế đặc thù, Nghệ An cần tăng thêm một Phó Chủ tịch UBND tỉnh
00:06, 31/05/2024
Nhiều dự án giao thông ở Nghệ An “ì ạch”, vì sao?
20:19, 29/05/2024
Những “điểm nghẽn” cản bước du lịch biển Nghệ An
02:00, 29/05/2024