Ninh Thuận: Tập trung tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp

LINH CHÂU 08/07/2024 17:56

Chủ tịch tỉnh Ninh Thuận yêu cầu trong thời gian tới, các sở, ngành, địa phương vào cuộc nhanh hơn, hiệu quả hơn trong tháo gỡ những vướng mắc của doanh nghiệp.

Ngày 8/7/2024, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cùng 2 Phó chủ tịch tỉnh đã chủ trì Hội nghị Gặp mặt doanh nghiệp quý II/2024. Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp, Hiệp hội Du lịch, Hiệp hội Giống thủy sản, Hiệp hội Yến sào, Hội Doanh nhân trẻ và gần 100 doanh nghiệp.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Ninh Thuận, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của tỉnh vẫn duy trì ổn định, một số lĩnh vực chuyển biến khá; GRDP đạt 8,07% (đứng 14/63 tỉnh, thành và 03/14 tỉnh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung), chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2023 cải thiện tích cực, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố, xếp thứ 02/14 tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung. 

>>Ninh Thuận đẩy mạnh liên kết vùng

Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Long Biên, Lê Huyền cùng chủ trì Hội nghị Gặp mặt doanh nghiệp quý II năm 2024.

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Huyền (ngoài cùng bên trái), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Long Biên (ngoài cùng bên phải), cùng chủ trì Hội nghị Gặp mặt doanh nghiệp quý II năm 2024.

Trong 6 tháng qua, tỉnh đã quyết định cấp chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 29 dự án/32.345 tỷ đồng. Công tác thu hút đầu tư các thành phần kinh tế được đẩy mạnh; chủ động thu hút, mời gọi các nhà đầu tư chiến lược vào các dự án trọng điểm, động lực, dự án thứ cấp trong Khu, Cụm Công nghiệp; lợi thế có trọng điểm, đột phá của Tỉnh. Tăng cường rà soát, tháo gỡ khó khăn và đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai trên địa bàn tỉnh.

Về tình hình doanh nghiệp, trong 6 tháng đầu năm 2024, có 204 doanh nghiệp thành lập mới/1.877,6 tỷ đồng, giảm 6% số doanh nghiệp (204/217 DN); số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 10,1% (174/158 DN); số doanh nghiệp quay lại thị trường giảm 22,2% (70/90 DN) so cùng kỳ. Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đến ngày 30/6/2024, có 4.492 doanh nghiệp/93.813 tỷ đồng. Tình hình doanh nghiệp có tín hiệu phục hồi trong tháng 5, tháng 6, nhưng hoạt động doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, số doanh nghiệp quay trở lại thị trường giảm 22,2%; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 10,1%; số doanh nghiệp thành lập mới giảm 6%.

Cùng với đó, nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh xác định là một trong những khâu đột phát cho phát triển năm 2024. Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch tổ chức gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp hàng tháng, quý và theo chuyên đề, tập trung chỉ đạo triển khai các giải pháp hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các sở ngành, địa phương, cán bộ, công chức. Theo đó, đã tổ chức 06 Hội nghị và cuộc họp chuyên đề để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng, giao đất, giá đất, thủ tục đầu tư, khoáng sản, môi trường, lao động,…để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

>>Ninh Thuận tăng 19 bậc trên Bảng xếp hạng PCI 2023

Hội nghị có sự tham gia của các hiệp hội doanh nghiệp và gần 100 doanh nhân trên địa bàn tỉnh.

Hội nghị có sự tham gia của các hiệp hội doanh nghiệp và gần 100 doanh nhân trên địa bàn tỉnh.

>>Ninh Thuận - miền đất hội tụ những giá trị khác biệt

Tại hội nghị, các doanh nghiệp đã trao đổi thông tin về tình hình hoạt động, những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị tỉnh quan tâm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn một số vấn đề như: thủ tục đầu tư các dự án khu đô thị, mở rộng vùng nuôi chim yến, cấp phép xây dựng công trình, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng phục vụ phát triển du lịch.

Các ý kiến mong muốn trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước tiếp tục có những giải pháp hiệu quả trong cải thiện thủ tục, quy trình đầu tư, kinh doanh, kịp thời hỗ trợ, đồng hành tháo gỡ các vướng mắc của doanh nghiệp để doanh nghiệp duy trì phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh.

Một số vấn đề doanh nghiệp nêu tại hội nghị đã được lãnh đạo UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương thông tin, trả lời ngay trong hội nghị như ý kiến của Hiệp hội Du lịch, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Chí Khoa, Công ty cổ phần Kinh doanh tổng hợp Ninh Thuận, Công ty cổ phần Top Solutions.

Theo đó, về việc cấp phép xây dựng công trình cây xăng dầu tại phường Phước Mỹ của Công ty cổ phần Kinh doanh tổng hợp Ninh Thuận, UBND TP. Phan Rang – Tháp Chàm được giao khẩn trương giải quyết theo thẩm quyền và báo cáo kết quả giải quyết về UBND tỉnh trước ngày 13/7/2024.

Liên quan đến kiến nghị hạ tầng điện, nước tại Khu công nghiệp Thành Hải (mở rộng), Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận giao Ban quản lý các Khu công nghiệp chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Công ty điện lực Ninh Thuận, Công ty cổ phần cấp nước Ninh Thuận, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp và các nhà đầu tư thứ cấp tổ chức họp để giải quyết vấn đề cung cấp điện, nước cho nhà đầu tư thứ cấp.

Tương tự kiến nghị về hạ tầng tại Cụm công nghiệp Quảng Sơn, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch  được giao khẩn trương kiểm tra, rà soát; chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp, UBND huyện Ninh Sơn và đơn vị liên quan để giải quyết.

Hai vấn đề này, người đứng đầu chính quyền tỉnh Ninh Thuận yêu cầu các đơn vị được giao báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 15/7/2024.

Ông Trần Quốc Nam, chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận quyết liệt chỉ đạo các cơ quan ban ngành cùng chung tay giúp đỡ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn.

Ông Trần Quốc Nam, chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận quyết liệt chỉ đạo các cơ quan ban ngành cùng chung tay giúp đỡ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Trần Quốc Nam - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Thủ trưởng các Sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố phải quyết tâm cao hơn, nỗ lực phải lớn hơn, hành động quyết liệt, tận dụng được các cơ hộiđể đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất - kinh doanh và đầu tư, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm theo các Nghị quyết của Chính phủ, của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nhất là các chính sách hỗ trợ DNNVV, hợp tác xã chuyển đổi số trên địa bản tỉnh giai đoạn 2024 – 2028 theo Nghị quyết số 39 của HĐND tỉnh.

Hai là, tập trung thực hiện có hiệu quả 3 khâu đột phá theo tinh thần Nghị quyết của Tỉnh uỷ: Tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn về cơ chế chính sách, khơi thông nguồn lực tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất - kinh doanh và đầu tư; Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án trọng điểm nhất là dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, liên vùng; Tạo đột phá trong lĩnh vực đất đai để khơi thông nguồn lực và phát triển 06 ngành lĩnh vực trọng tâm, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng: thúc đẩy đầu tư, nhất là đầu tư công; năng lượng; du lịch; công nghiệp chế biến, chế tạo;  nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; kinh tế đô thị.

Tiếp tục rà soát, tháo gỡ các hạn chế, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật theo thẩm quyền hoặc kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết đối với các vấn đề vượt thẩm quyền, nhất là liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trọng tâm là những chính sách liên quan thủ tục đầu tư, quy hoạch, đất đai, xây dựng, giải phóng mặt bằng, phòng cháy, chữa cháy, môi trường và các điểm nghẽn về năng lượng, khoáng sản; tiếp cận vốn tín dụng, đất đai; sự chồng lấn, bất cập, thiếu đồng bộ giữa các quy hoạch (quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch chuyên ngành...); thủ tục hành chính; giải phóng mặt bằng;...

Ba là,tiếp tục đổi mới công tác xúc tiến đầu tưtheo hướng chuyên nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng và hiệu quả; chủ động tiếp cận trực tiếp nhà đầu tư để kêu gọi, hỗ trợ và đồng hành với nhà đầu tư từ bước nghiên cứu, khảo sát, hoàn thiện thủ tục cho đến khi triển khai thực hiện dự án. Đồng thời, phải luôn quan tâm công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ đối với các nhà đầu tư có dự án đang triển khai tại tỉnh; nắm bắt các khó khăn, vướng mắc, kịp thời phối hợp cùng các sở, ngành, địa phương để hỗ trợ tháo gỡ một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Tập trung triển khai có hiệu quả Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn một số dự án trong Khu, Cụm Công nghiệp; và một số sản phẩm công nghiệp quy mô lớn đang khó khăn. Đẩy nhanh tiến độ các dự án động lực và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án du lịch, nông nghiệp, cảng biển, năng lượng. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, hậu kiểm, kiên quyết xử lý các dự án chậm tiến độ, kéo dài.

Bốn là, thực hiện tốt phương châm "Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp", tăng cường sự tương tác của cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, chủ động trao đổi, nắm bắt tình hình hoạt động, các vấn đề khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp để tháo gỡ, xử lý có hiệu quả, nhanh nhất, có kết quả cụ thể. Tăng cường kết nối, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai và các cơ chế, chính sách về ưu đãi đầu tư, thuế, xây dựng, quy hoạch, lao động, tiếp cận tín dụng...

Năm là, tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh nhằm tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp; Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị về nâng cao chất lượng phục vụ trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công thông qua việc sử dụng hiệu quả Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp. 

Sáu là, các hiệp hội cần tăng cường tính liên kết giữa các doanh nghiệp hội viên, hợp tác cùng phát triển; phát huy tính đại diện cho doanh nghiệp hội viên trong việc vận động chính sách, bảo vệ quyền lợi hội viên...

Cũng tại hội nghị, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận khẳng định sẽ có những chỉ đạo quyết liệt hơn, cụ thể hơn để giúp cho các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, phát triển ổn định trở lại.

Có thể bạn quan tâm

  • Ninh Thuận xúc tiến du lịch ở các thị trường đông dân

    01:05, 07/06/2024

  • Du lịch Ninh Thuận bứt phá với nhiều sản phẩm hấp dẫn

    01:00, 04/06/2024

  • Ninh Thuận đề xuất Ủy ban Châu Âu hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo

    19:19, 29/05/2024

  • Ninh Thuận đẩy mạnh liên kết vùng

    13:35, 19/05/2024

  • Đưa hình ảnh Ninh Thuận đến với nhà đầu tư

    09:34, 30/04/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ninh Thuận: Tập trung tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO