Hàng trăm vụ xung đột tại các chung cư vẫn diễn ra dai dẳng gây nhức nhối dư luận, chuyên gia cho rằng, để giải quyết dứt điểm thì vai trò trọng tài của cơ quan chức năng là vô cùng quan trọng…
>>“Nội chiến chung cư”: “Sóng ngầm” nơi đô thị
Theo một số liệu thống kê cho thấy, hiện cả nước có khoảng 3.000 tòa nhà/Cụm tòa nhà chung cư, trong đó tập trung chủ yếu tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Cụ thể, tại Hà Nội, trong số 845 Tòa nhà/Cụm tòa nhà chung cư thương mại trên địa bàn thành phố thì có đến 129 chung cư có tranh chấp, khiếu kiện, tiềm ẩn phức tạp; còn tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 935 chung cư cao tầng thì cũng có tới 105 chung cư đang có tranh chấp ở mức độ khác nhau.
Các chuyên gia cũng đánh giá, có bảy nhóm nguyên nhân dẫn đến xung đột, tranh chấp, gồm: Chung cư bị siết nợ do chủ đầu tư đem thế chấp ngân hàng; Chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư; Quỹ bảo trì tòa nhà bị chiếm dụng; Tranh chấp về dịch vụ quản lý vận hành, chất lượng dịch vụ, thu - chi; Tranh chấp liên quan đến sở hữu chung - riêng; Chất lượng công trình không đảm bảo; Chậm giao căn hộ và sổ hồng.
Tại Hà Nội, theo tìm hiểu, từ năm 2017, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND về tăng cường hiệu lực trong công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn Thành phố. Trong đó, đề nghị UBND quận, phường, xã, thị trấn phải thường kiểm tra, xử lý, giải quyết kịp thời các tồn ở, hạn chế phát sinh trong quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn, phối hợp có Sở Xây dựng giải quyết các trường hợp phức tạp kéo dài; trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo UBND Thành phố xin ý kiến chỉ đạo giải quyết theo quy định.
Đồng thời, tổ chức kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cho đến nay, vai trò của chính quyền địa phương trong giải quyết tranh chấp cư dân được nhiều người đánh giá là rất mờ nhạt.
Trao đổi về nội dung này từ góc nhìn chuyên gia, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, ở những chung cư có tranh chấp, chắc chắn giá trị dự án sẽ giảm xuống. Cả cư dân, chủ đầu tư dự án đều sẽ bị thiệt và sâu xa hơn là tâm lý sợ chung cư, ngại chung cư của người mua nhà.
Do đó, theo ông Đính, vai trò trọng tài của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương là vô cùng quan trọng trong việc giải quyết dứt điểm cuộc chiến chung cư.
>>“Nội chiến" chung cư: Bộc lộ bất cập trong quản lý
Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho biết, hiện Luật Nhà ở 2014 cũng như các văn bản liên quan đều đã quy định các nội dung cơ bản về giải quyết tranh chấp tại các chung cư.
Trên thực tế, có thể nảy sinh một số tranh chấp mang tính tình huống nên có thể gặp một số vướng mắc. Tuy nhiên, theo ông Hà, tất cả các bên, thay vì sử dụng những biện pháp tiêu cực để ứng phó với nhau, thì nên dùng công cụ pháp lý để bảo vệ quan điểm, lợi ích chính đáng của mình.
"Với mỗi vấn đề mâu thuẫn cần phải xem xét kỹ lưỡng dưới góc độ pháp lý, hợp đồng và cam kết giữa các bên. Nếu mọi việc để xử lý theo cảm tính thì tôi cho rằng, cuộc chiến này sẽ dai dẳng và khó có hồi kết, bởi trong khi chủ đầu tư có cái lý về mặt lợi ích kinh tế thì cư dân khi đứng ở tâm thế là “thượng đế” nên cũng luôn mong muốn được đáp ứng mọi yêu cầu", ông Hà nói và cũng nêu quan điểm, để giải quyết dứt điểm tranh chấp này, thì chính quyền địa phương cần thể hiện rõ vai trò của mình hơn.
Bên cạnh đó, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh nội dung này, một số ý kiến chuyên gia cho rằng, để đảm bảo cho việc can thiệp kịp thời từ các cơ quan ban ngành chức năng có liên quan, việc cần làm cấp thiết hiện nay là hoàn thiện hơn các quy định của pháp luật điều chỉnh và pháp luật có liên quan.
Việc tranh chấp xảy ra một phần xuất phát từ các bên lợi dụng những kẽ hở hoặc các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của pháp luật. Vì vậy, vấn đề kiện toàn các quy định của pháp luật là một trong những bước quan trọng về phòng ngừa và cứu chữa những tranh chấp xảy ra.
Có thể bạn quan tâm