Do “nhồi nhét” cả động cơ điện và động cơ đốt trong vào một chiếc ô tô, nên công nghệ PHEV có nhiều vấn đề phức tạp?
Thị trường SUV cỡ C tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn cạnh tranh quyết liệt với sự xuất hiện của các mẫu xe hybrid cắm sạc (PHEV) đến từ các thương hiệu Trung Quốc. Không thể phủ nhận rằng PHEV là một bước tiến quan trọng về công nghệ trong quá trình chuyển đổi sang giao thông xanh, nhưng không phải là tất cả đều hoàn hảo.
PHEV (Plug-in Hybrid Electric Vehicle) là sự kết hợp giữa động cơ điện và động cơ đốt trong. Khi đầy pin xe chỉ sử dụng động cơ điện, hết pin sẽ chuyển qua sử dụng động cơ đốt trong. Pin của xe PHEV được sạc bằng cách cắm vào nguồn điện bên ngoài. Ngoài ra, nó cũng được sạc thông qua tái tạo năng lượng, khi lái xe đạp phanh.
Chiếc xe PHEV được đưa ra thị trường đại chúng lần đầu là Chevrolet Volt của hãng GM vào năm 2011 tại Mỹ. Theo tạp chí Car and Driver, công nghệ này hứa hẹn mang đến sự tiết kiệm chi phí và không phát thải, với những chuyến đi ngắn, hoàn toàn bằng động cơ điện, khi pin được sạc đầy tại nhà và bỏ qua các trạm xăng. Còn với những chuyến đi đường dài, chỉ cần đổ đầy bình xăng, là không bị hạn chế về phạm vi hoạt động như xe thuần điện (EV), vốn đòi hỏi cơ sở hạ tầng sạc và chờ đợi nhiều giờ để nạp năng lượng.
Tuy nhiên, do “nhồi nhét” cả động cơ điện và động cơ đốt trong vào một chiếc xe nên có nhiều vấn đề phức tạp. Khi chạy hoàn toàn ở chế độ điện thì động cơ xăng là trọng lượng “chết”, ngược lại khi hoạt động ở chế độ xe xăng, bộ pin lớn cũng tạo ra trọng lượng “chết”, vì thế đều tiêu hao nhiên liệu nhiều. Chẳng hạn, theo công bố từ các nhà sản xuất, mức tiêu hao xăng bình quân của xe PHEV chỉ từ 0,52-1,5 lít xăng/100km. Nhưng thực tế nếu chỉ chạy bằng chế độ xăng thì tiêu hao nhiên liệu của xe PHEV sẽ cao hơn từ 4-10 lần. Hơn nữa khi sử dụng chế độ điện mà người lái xe đạp ga quá nhiều, sẽ buộc động cơ xăng phải khởi động, cũng gây tốn kém nhiên liệu.
Thêm vào đó, người mua dường như bối rối trước toàn bộ ý tưởng và đặt câu hỏi: đây có phải là xe điện không, đây có phải là xe xăng không? PHEV được ví như “nàng tiên cá”, sẽ có lúc người dùng muốn “con cá” lại được “nàng tiên” và ngược lại muốn “nàng tiên” lại được “con cá”.
Không những thế, với một hệ thống hybrid càng phức tạp thì càng có nguy cơ phát sinh nhiều lỗi kỹ thuật, chi phí sửa chữa và thay thế linh kiện sẽ cao hơn đáng kể.
Tại Trung Quốc, PHEV là phân khúc chiến lược của nhiều thương hiệu nội địa như BYD, Li Auto, Geely, Chery hay MG... Các hãng này đã đầu tư mạnh vào công nghệ PHEV không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn đẩy mạnh xuất khẩu ra thế giới. PHEV có lợi thế lớn tại các đô thị đông đúc, nơi tốc độ trung bình thấp và tần suất dừng đèn đỏ cao. Ở điều kiện này, xe có thể khai thác tối đa chế độ điện và hầu như không dùng đến xăng Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, vẫn tồn tại không ít những nhược điểm. Khi bước vào thực tế vận hành, đặc biệt tại các đô thị thiếu trạm sạc hoặc người dùng không có thói quen sạc thường xuyên, những điểm yếu cố hữu của PHEV ngay lập tức lộ diện.
Các dòng xe PHEV sử dụng công nghệ hybrid DM-i của BYD bị người dùng tại Trung Quốc và Thái Lan phản ánh về hiệu suất thực tế khi pin cạn. Nếu không sạc pin thường xuyên, xe sẽ vận hành chủ yếu bằng động cơ xăng 1.5L Atkinson, dẫn đến mức tiêu hao xăng lên đến 5-6lít/100km, cao hơn nhiều so với con số 1,2-1,5lít/km được công bố. Không những thế, xe thường bị rung, giật khi động cơ xăng khởi động.
Với những người có thể sạc xe thường xuyên tại nhà, thường di chuyển quãng đường ngắn trong thành phố và hiểu rõ cơ chế vận hành của xe PHEV là một lựa chọn hợp lý, nhất là khi chưa sẵn sàng chuyển hẳn sang xe thuần điện. Còn với những người không có điều kiện sạc điện tại nhà, thường xuyên đi xa, hoặc không quan tâm tới việc tối ưu hành trình, thì một chiếc xe hybrid truyền thống (không sạc ngoài) hoặc xe xăng tiết kiệm nhiên liệu có thể là giải pháp hợp lý hơn.