Xây dựng ý tưởng khởi nghiệp độc đáo, tìm hiểu kĩ lưỡng thị trường mà dòng sản phẩm trong dự án khởi nghiệp hướng đến… là một trong những lời khuyên nhằm giảm thiểu rủi ro trong khởi nghiệp.
Đó là chia sẻ của diễn giả với các bạn sinh viên trên con đường khởi nghiệp tại buổi giao lưu “Phòng tránh rủi ro trong khởi nghiệp” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Trường Đại học Mở TP HCM tổ chức.
Phát biểu tại buổi giao lưu, nhà báo Phạm Hùng - Phó Tổng Biên tập báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp - Tổng Thư ký Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia khu vực phía Nam cho biết, chương trình Quốc gia khởi nghiệp do VCCI chỉ đạo, phối hợp cùng nhiều Bộ, ngành, tổ chức TW và địa phương, giao báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức, năm nay đã bước sang năm thứ 17 đồng hành cùng các bạn trẻ khởi nghiệp.
Trong những năm qua, Ban tổ chức đã triển khai chương trình rộng khắp tại trên 43 tỉnh thành trong cả nước. Đặc biệt, kể từ năm 2016- năm khởi nghiệp của Việt Nam, với Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ ban hành về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" - tinh thần quốc gia khởi nghiệp của Việt Nam không ngừng tăng cao. Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia do báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức cũng đã có những đổi mới, tăng cường hỗ trợ và đào tạo để các bạn trẻ đi vào khởi nghiệp hiệu quả, trở thành những hạt nhân doanh nghiệp tương lai, đóng góp sự hoàn thiện cho hệ sinh thái khởi nghiệp nói chung.
Các diễn giả giao lưu với các bạn trẻ khởi nghiệp
Bên cạnh đó, Hội đồng Tư vấn Hỗ trợ Khởi nghiệp phía Nam được thành lập trong những năm qua, đã phối hợp cùng Ban tổ chức chương trình Quốc gia Khởi nghiệp, có nhiều hoạt động hiệu quả. Hội đồng Tư vấn Khởi nghiệp với các doanh nghiệp, mentors, nhà tư vấn được đào tạo về Khởi nghiệp, trở lại hướng dẫn cho rất nhiều bạn trẻ thanh niên sinh viên, gắn bó cùng các thời kì phát triển khởi nghiệp. Không ít dự án của các bạn trẻ đã trở thành các công ty, doanh nghiệp, thu hút được vốn và sự đồng thuận đầu tư của các đối tác, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Năm 2018, chương trình Khởi nghiệp phía Nam được Trường Đại học Mở TP HCM đăng cai tổ chức đã mang lại những kết quả, thành tựu với các bài dự án tham dự cuộc thi Khởi nghiệp. Vượt lên gần 50 bài dự án tham gia cuộc thi của sinh viên các trường ĐH Mở TPHCM, Kinh tế, Kinh tế tài chính, Kinh tế luật, ĐH Thủ Dầu Một, ĐH Đồng Tháp, ĐH Lạc Hồng, ĐH Kinh tế Huế, Cao đẳng Kinh tế TP.HCM, Cao đẳng Lý Tự Trọng…, sinh viên Trường ĐH Mở TP HCM đã thắng giải Nhất vòng chung kết Khởi nghiệp phía Nam và vào tham dự vòng chung kết Khởi nghiệp Quốc gia trên toàn quốc.
Tiếp nối thành công của chương trình Khởi nghiệp năm trước, Đại học Mở Tp HCM tiếp tục cùng Ban tổ chức thực hiện buổi giao lưu giữa các nhà tư vấn khởi nghiệp-doanh nghiệp và sinh viên, mang đến các ý kiến chia sẻ về giải pháp giúp các bài dự án khởi nghiệp của sinh viên thiết thực hơn, giảm thiểu được rủi ro trên hành trình hiện thực hóa.
Ông Huỳnh Thanh Vạn - Chủ tịch HĐQT Công ty S Furniture - PCT Tài chính Hội đồng Tư vấn Khởi nghiệp, chia sẻ từ kinh nghiệm thực tế của ông trong ngành kinh doanh gỗ. Theo ông, ngành gỗ Việt Nam hiện nay đứng thứ 2 trong khu vực Châu Á và đứng thứ 5 trên thế giới. Sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam được tiếp đón rất nồng nhiệt bởi tính bắt mắt và chất lượng. Tuy nhiên ở một số nước trên thế giới lại sử dụng đồ gỗ như là một sản phẩm thời trang liên tục thay đổi. Bởi vậy, để tránh các rủi ro trong kinh doanh mặt hàng này ở thị trường nước ngoài, dù là doanh nghiệp lâu năm hay doanh nghiệp mới đều phải chú trọng tìm hiểu các nhu cầu của thị trường nước ngoài.
Đơn cử như thị trường Mỹ khi đưa sản phẩm qua thị trường này cần cân nhắc các chuẩn mực về môi trường và chất lượng. "Mỹ là thị trường "khó tính", bởi vậy để tránh các rủi ro chúng ta cần có sự tìm hiểu thật kĩ. Ngoài ra, muốn khởi nghiệp, các bạn trẻ hãy đặt cái tâm của mình lên hàng đầu bởi vì nếu thiếu cái tâm chúng ta sẽ không có động lực để thực hiện đến cùng công việc của mình", ông Vạn nói.
"Nhiều bạn trẻ quan tâm yếu tố huy động vốn khi khởi nghiệp. Thứ nhất, chúng ta phải có dự án tốt, ý tưởng hay để thu hút nhà đầu tư. Thứ hai, chúng ta nên biết cách đồng hành với đồng nghiệp như là đối tác của mình, như vậy sẽ có cơ hội huy động vốn tốt hơn. Thứ ba, hãy mạnh dạn tham gia vào các cuộc thi khởi nghiệp, thông qua cuộc thi các bạn sẽ có ít nhiều những phần thưởng khi đạt giải - đó chính là nguồn vốn khởi nghiệp" - Phó Chủ tịch Tài chính Hội đồng Tư vấn Hỗ trợ Khởi nghiệp phía Nam nhấn mạnh.
Bà Lê Thị Thanh Lâm, PGĐ Công ty CP Sài Gòn Food - Ủy viên Hội đồng Tư vấn Hỗ trợ Khởi nghiệp phía Nam thì cho rằng, nếu doanh nghiệp không liên tục cải tiến sản phẩm theo nhu cầu của người tiêu dùng của thị trường thì rủi ro sẽ càng cao.
"Trong quá trình kinh doanh, mất tiền các bạn có thể kiếm lại. Tuy nhiên mất uy tín, mất niềm tin là điều rất rủi ro của doanh nghiệp. Bởi quá trình xây dựng được niềm tin đối với người tiêu dùng là cả một chặng đường dài qua nhiều biến cố" - bà Lâm nói. Theo bà, cũng trong quá trình khởi nghiệp, các bạn trẻ cần có khát khao đủ lớn và có sự chuẩn bị kĩ lưỡng, đặc biệt cần biết cách xây dựng khối liên kết với các đồng nghiệp như là đối tác của mình để cùng nhau phát triển và lớn mạnh.
Ths.Nguyễn Văn Ngà, GĐ Cty Agrocom Viêt Nam - Ủy viên Hội đồng Tư vấn Hỗ trợ Khởi nghiệp- cho biết, trong kinh doanh, bước ra thương trường là bước ra chiến trường. Trong đó có các rủi ro, có sự thất bại. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng đó chính là cách vượt qua. Phải tìm được đồng đội ăn ý là cách để giảm thiểu được rủi ro tốt nhất. Bên cạnh đó, các bạn trẻ có thể lắng nghe, chia sẻ và nhận các ý kiến tư vấn từ các tiền bối đi trước; qua đó nắm bắt, biết được những chông gai, những khó khăn sẽ phải đối diện. |
Một số hình ảnh khác: