Còn nhiều lo ngại về dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Nhiều chuyên gia trong nước đều đồng tình Việt Nam phải có đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Tuy nhiên, các băn khoăn về tính khả thi, nguồn vốn cho dự án vẫn còn nguyên.
Theo báo cáo cuối kỳ về nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam do liên danh tư vấn thực hiện, dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc -Nam có tổng vốn đầu tư 58,71 tỷ USD. Dự án được đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP), trong đó nhà nước đầu tư hạ tầng, với tổng vốn chiếm 80%; vốn nhà đầu tư huy động khoảng 20% tổng vốn dự án để mua sắm thiết bị đoàn tàu và khai thác hoàn vốn.
Lo "điệp khúc" bù lỗ
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, đối với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đang được nghiên cứu ưu tiên phương án tài chính đối tác công – tư (PPP). Tức là, Nhà nước sẽ đầu tư, sau đó nhượng lại quyền khai thác chứ không phải nhất thiết đầu tư theo hình thức BOT như nhiều dự án giao thông nước ta trong thời gian qua.
Tuy nhiên, lo ngại về hiệu quả tài chính khi mức đầu tư đường sắt tốc độ cao quá lớn (mỗi km lên tới 35-38 triệu USD), thời gian đầu tư dài tiến sĩ Bùi Xuân Phong, Chủ tịch Hội Kinh tế vận tải đường sắt Việt Nam cho rằng cần tính toán lại bài toán tài chính kinh tế.
Ông Phong đặt câu hỏi, nếu dự án được thông qua thì việc kêu gọi vốn như thế nào, trong khi các nhà đầu tư nhìn thấy trước mắt khoảng 30 năm mới thu hồi được vốn. "Doanh nghiệp không thể chờ lâu được mà phải nhìn thấy cái lợi trước mắt mới đầu tư. Do vậy chúng ta cần tính toán kỹ về phân kỳ đầu tư, phải gắn theo kỳ vọng huy động vốn của mình", ông Phong nói.
Cũng bình luận về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Đình Thám, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ và Quản lý xây dựng, Khoa Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp (Đại học Xây dựng) đặt câu hỏi, Nhà nước lấy tiền ở đâu để thực hiện dự án khi vốn Nhà nước chiếm tới 80% tổng mức đầu tư? Vay vốn ODA không được hưởng lãi suất thấp như trước đây, trong khi nợ công của Việt Nam sắp chạm trần. Hiệu quả kinh tế, tài chính như tư vấn đưa ra là thấp và như phát biểu của lãnh đạo Bộ GTVT, Nhà nước sẽ phải bù lỗ cho dự án, nỗi lo số tiền chi ra cho dự án này trở thành gánh nặng cho ngân sách nhà nước là khó tránh khỏi.
"Về tính khả thi của dự án, 80% vốn đầu tư là của Nhà nước, phải xem khi trình dự án ra Quốc hội, Quốc hội có thông qua hay không, Chính phủ có đưa vào hạn ngạch hay không. Nếu hai yếu tố ấy không khả thi thì không có gì để bàn.Trường hợp Quốc hội thông qua dự án, Chính phủ đưa vào hạn ngạch, tức 80% tổng mức đầu tư là vốn Nhà nước thì tôi chắc chắn khi ấy vốn tư nhân sẽ đổ vào rất đông vì lúc đó họ dựa vào Nhà nước để làm dự án.
Theo tính toán của tư vấn, riêng phần vốn tư nhân đạt hiệu quả khoảng 14%, vậy thì phải chăng người ta sẽ lấy cái lỗ của Nhà nước để bù cho tư nhân được lãi? Doanh nghiệp sẽ tận dụng chỗ đó và đổ xô vào làm bởi doanh nghiệp ta xưa nay vẫn thường "dễ làm, khó bỏ". Chưa kể, ở Việt Nam, có một xu hướng phổ biến là bao giờ cũng dựa vào Nhà nước để thu lợi.
Vì những lẽ đó, không cần phải lo tư nhân không tham gia dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam mà chính sự mập mờ, chính việc Nhà nước bù lỗ sẽ thu hút tư nhân tham gia nhiều hơn vì họ được "tay không bắt giặc"", PGS.TS Nguyễn Đình Thám bày tỏ quan điểm.
Nhìn lâu dài, vị chuyên gia cho rằng có thể tính được hiệu quả của đường sắt cao tốc Bắc-Nam từ hoạt động vận tải hành khách nếu so sánh với các hình thức vận tải khác như xe buýt, vận tải tư nhân...
Theo đó, nhiều năm qua Nhà nước phải bù lỗ cho xe buýt, nếu sau này lại tiếp tục bù lỗ cho đường sắt cao tốc Bắc-Nam trong khi vấn đề ách tắc giao thông không giải quyết được thì rốt cục sẽ không có hiệu quả.
"Quyết định đầu tư dự án hay không dựa vào việc giải quyết bài toán giao thông. Nếu bài toán giao thông giải quyết được thì Nhà nước có thể chấp nhận lỗ, đầu tư dự án để phục vụ phát triển kinh tế, lấy sự phát triển kinh tế của các ngành khác bù lại. Ngược lại, trong trường hợp không giải quyết được bài toán giao thông, đầu tư sẽ không có hiệu quả, thậm chí vô ích và dự án trở thành gánh nặng cho ngân sách", PGS.TS Nguyễn Đình Thám nhận định.
Chờ quốc hội thông qua
Theo KS Vũ Đức Thắng, chuyên gia trong ngành cầu-đường sắt, Phó Chủ tịch Hội Tư Vấn KHCN và Quản lý TP.HCM: "Đây là công trình đặc biệt, đầu tư trong một thời gian dài, do đó, việc cân nhắc về nguồn vốn sẽ còn nhiều cơ hội và sẽ có nhiều chủ đầu tư tham gia. Chính họ sẽ xem xét cái lợi, cái hại, đánh giá đồng vốn và lợi ích kinh tế của dự án", ông Thắng nói.
Có thể bạn quan tâm
Lo lắng hiệu quả kinh tế đường sắt tốc độ cao
06:30, 15/11/2018
Tuyến đường sắt cao tốc nào sẽ khai thác trước?
16:49, 12/11/2018
Đường sắt có thể "lột xác" với 7.000 tỷ đồng?
05:00, 30/10/2018
Bài học phát triển đường sắt cao tốc tại châu Á
11:32, 26/10/2018
Đặc biệt, ông cho rằng, dự án cần được xem xét, tranh luận và sớm được đưa ra quyết định để khởi bị động các bước tiếp theo, xác định vị trí đất đai dành cho dự án, nếu không sau này dẫu có tiền cũng khó có đất để làm.
Đứng ở góc độ nhà đầu tư, theo KS Vũ Đức Thắng, họ cần những chính sách và cơ chế tạo điều kiện phát triển các lợi ích phát sinh của tuyến đường.
Thứ trưởng Giao thông Nguyễn Ngọc Đông cho biết: "Đến nay đúng một thập kỷ nghiên cứu về tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, nhưng thực sự chúng ta vẫn chưa có câu trả lời là dự án này có được thông qua hay không".
Với tư cách là đại diện Chính phủ xây dựng dự án, theo Thứ trưởng Đông, Bộ Giao thông có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin cho các chuyên gia, nhà đầu tư, hoạch định chính sách và người dân được biết. Bộ sẽ ghi nhận toàn bộ ý kiến và soạn thảo thành một bản hỏi đáp rồi công bố rộng rãi. Ngoài ra, các ý kiến đóng góp, tham luận trong hội nghị, Bộ sẽ ghi nhận và giao liên danh tư vấn bổ sung và hoàn thiện báo cáo trước khi trình các cơ quan có thẩm quyền.
Cũng theo đánh giá của Bộ Giao thông: "Nhìn chung các nghiên cứu trước đây đều định hướng phát triển tuyến đường sắt mới, tốc độ cao, trong đó tập trung vận tải hành khách và ưu tiên thực hiện trước đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - Sài Gòn". Tuy nhiên, để tiếp tục được Quốc hội thông qua nghị quyết đầu tư, Bộ Giao thông, liên danh tư vấn sẽ phải trải qua nhiều bước chuẩn bị. Trước hết, liên danh tư vấn sẽ phải hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Quá trình xây dựng, hoàn thiện báo cáo, Bộ Giao thông phải tổ chức các cuộc họp, hội thảo, lấy ý kiến xây dựng của các bộ, ngành, chuyên gia và cả nhà đầu tư.
Sau khi hoàn thiện báo cáo tiền khả thi, liên doanh tư vấn sẽ trình chủ đầu tư là Bộ Giao thông để xem xét, đánh giá cân nhắc và trình Hội đồng thẩm định nhà nước, Chính phủ để thẩm tra vào tháng 12/2018. Khi Chính phủ thẩm tra xong, dự án sẽ được trình lên Quốc hội vào năm 2019.