Cần nghiên cứu kỹ dự án đường ven sông Sài Gòn

ĐÌNH ĐẠI 03/04/2021 05:00

Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia trước đề xuất của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) về việc bổ sung Dự án đường ven sông Sài Gòn vào quy hoạch giao thông, đô thị của TP.HCM.

Theo đó, văn bản góp ý cho Đề án Điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060 của HoREA nêu: “Đề nghị bổ sung quy hoạch đường ven sông Sài Gòn (từ cầu Sài Gòn đến Bến Súc, huyện Củ Chi), kết nối vào quốc lộ 22, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, quốc lộ 13, tỉnh lộ 8 để tạo điều kiện phát triển đô thị khu vực Tây Bắc, huyện Trảng Bàng (Tây Ninh), huyện Bến Cát (Bình Dương), huyện Đức Hòa (Long An)”.

Siêu dự án Đại lộ ven sông Sài Gòn, với tổng vốn đầu tư khảng 63.500 tỷ đồng, được đề xuất đầu tưtheo hình thức BT.

Siêu dự án Đại lộ ven sông Sài Gòn, với tổng vốn đầu tư khảng 63.500 tỷ đồng, được đề xuất đầu tư theo hình thức BT.

Được biết, Dự án Đại lộ ven sông Sài Gòn do Tập đoàn Tuần Châu đề xuất đầu tư xây dựng từ năm 2017. Dự án với chiều dài toàn tuyến khoảng 64km, từ cầu Sài Gòn đến Bến Xúc (Củ Chi), tổng vốn đầu tư dự án khoảng 63.500 tỷ đồng, theo hình thức BT (xây dựng, chuyển giao). Dự án được đề xuất thiết kế với 6 làn xe, tốc độ lưu thông toàn tuyến là 80 – 100km/h. Tuy nhiên, đến năm 2020, Tập đoàn Tuần Châu đã chuyển giao ý tưởng này cho Tập đoàn Đèo Cả.

Điều đáng chú ý là dự án này nếu được thực hiện, Thành phố sẽ phải giao cho nhà đầu tư gần 12.400ha đất, tương đương với khoảng 5% diện tích của TP.HCM. Đây là một quỹ đất “khủng” mà Thành phố khó có khả năng đáp ứng. Trong khi nhiều dự án hạ tầng khác đang phải tạm ngưng thi công do Thành phố không bố trí được quỹ đất để giao cho nhà đầu tư, mà một đoạn thuộc dự án Đường vành đai 2 là một ví dự điển hình.

Được biết, trong Đề án Điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, vừa được UBND TP.HCM phê duyệt không có siêu dự án này. Đại diện Tập đoàn Đèo cả cũng cho biết, hiện Tập đoàn chưa có kế hoạch gì cho việc triển khai dự.

Theo TS. Võ Kim Cương - Cựu Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, Thành phố làm thêm một con đường là tốt, nhưng quan trọng là hiệu quả về kinh tế, đầu tư, xã hội… và phải nghiên cứu kỹ điều này. Đặc biệt với dự án đổi đất lấy hạ tầng, đổi như thế nào để hài hòa lợi ích thì lại phải đánh giá rất tỉ mỉ. 

Sông Sài Gòn nhìn từ trên cao.

Sông Sài Gòn nhìn từ trên cao.

Về nguyên tắc, TS. Cương cho rằng, nên cho đấu thầu công khai dự án ngay từ lúc thiết kế đến triển khai. Bởi đấu thầu công khai cũng mang lại lợi ích chung cho Thành phố vì sẽ chọn được phương án tối ưu.

“Đường ven sông tạo cảnh quan sông nước là tốt nhưng làm xong đường sẽ phát triển gì thì cần tính toán, ngoài ra xét theo hướng, Thành phố đang phát triển hướng theo phía Đông - TP Thủ Đức. Nếu làm dàn trải sẽ không tạo ra động lực để đột phá”. TS. Cương cho biết.

Khi dự án này mới được đề xuất đầu tư, một cán bộ thuộc Sở Tài nguyên & Môi trường TP.HCM cũng cho rằng, diện tích đất giao cho nhà đầu tư là quá lớn, đây là điều cần suy nghĩ nghiêm túc, thận trọng trong bối cảnh nguồn đất đai của Thành phố đang cạn dần. Nếu chỉ có một nhà đầu tư mà giao hết hơn 12.400 ha đất thì Thành phố càng phải thận trọng xem xét.

Trong khi đó, một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông (đề nghị không nêu tên) cho biết, TP.HCM có nhiều tuyến đường lớn được coi là đại lộ xương sống như Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng… đều có quy mô từ 8 – 10 làn xe. Do đó, đường ven sông Sài Gòn với chiều dài hơn 64 km thì phải có quy mô làn xe nhiều hơn các tuyến đường trên thì mới được gọi là Đại lộ.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, tốc độ lưu thông mà nhà đầu tư để xuất cho toàn tuyến đường này là 80 – 100km/giờ cũng không hợp lý đối với một tuyến đường trục của Thành phố, vốn có giới hạn tốc độ là dưới 80km/giờ. Tốc độ mà nhà đầu tư đề xuất cho tuyến đường này tương đương với tốc độ của đường cao tốc.

Với tốc độ lưu thông này nếu được triển khai thì đường ven sông Sài Gòn sẽ trở thành đường cao tốc, chứ không còn là một đường trục như đề xuất của nhà đầu tư. Khi đó, buộc phải có hộ lan, hàng rào chắn tách biệt khỏi các công trình xây dựng ở hai bên đường, rồi các nút giao cắt cũng phải xây dựng theo chuẩn của đường cao tốc. Điều này có vẻ mâu thuẫn với ý tưởng của nhà đầu tư là dùng tuyến đường này để phát triển các khu đô thị mới dọc theo tuyến”, vị chuyên gia này cho biết.

Có thể bạn quan tâm

  • TP.HCM: Chính thức thu phí hoàn vốn dự án mở rộng xa lộ Hà Nội từ 1/4

    TP.HCM: Chính thức thu phí hoàn vốn dự án mở rộng xa lộ Hà Nội từ 1/4

    15:24, 29/03/2021

  • Kim ngạch xuất khẩu của TP.HCM sẽ đạt trên 100 tỷ USD vào năm 2030?

    Kim ngạch xuất khẩu của TP.HCM sẽ đạt trên 100 tỷ USD vào năm 2030?

    15:00, 28/03/2021

  • TP.HCM: Giao chỉ tiêu cho TP.Thủ Đức phải phấn đấu thu ngân sách 10.000 tỉ trong năm 2021

    TP.HCM: Giao chỉ tiêu cho TP.Thủ Đức phải phấn đấu thu ngân sách 10.000 tỉ trong năm 2021

    17:49, 27/03/2021

  • Bệnh nhân COVID-19 nhập cảnh trái phép vào TP.HCM đã đi những đâu?

    Bệnh nhân COVID-19 nhập cảnh trái phép vào TP.HCM đã đi những đâu?

    10:24, 26/03/2021

  • TP.HCM: Nhiều tiềm lực để trở thành Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế

    TP.HCM: Nhiều tiềm lực để trở thành Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế

    11:00, 25/03/2021

ĐÌNH ĐẠI