UBND TP.HCM vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương để TP.HCM xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP.HCM.
UBND TP.HCM cho rằng việc hình thành Trung tâm tài chính quốc tế không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là biểu hiện của một quốc gia năng động, phát triển và hội nhập; góp phần nâng tầm quốc gia lên một vị thế mới.
Theo UBND TP.HCM, Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đang sở hữu nhiều lợi thế tự nhiên sẵn có để phát triển các trung tâm tài chính. Trong đó, Việt Nam ở múi giờ khác biệt với 21 trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu. Đây là lợi thế riêng có và "đặc biệt” trong việc thu hút dòng vốn nhàn rỗi trong thời gian nghỉ giao dịch từ các trung tâm này.
Ngoài ra, TP.HCM chỉ cách khoảng 3 giờ bay với các nền kinh tế năng động của Châu Á như Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Phillippines và xa hơn là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).
UBND TP.HCM cũng cho rằng, ngoài vị trí địa lý tự nhiên thuận lợi, TP.HCM đang là một đầu tàu động lực chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam. Trong các năm qua, Thành phố đã đóng góp khoảng 23% GDP, khoảng 27% ngân sách quốc gia, thu hút hơn 33% số dự án FDI của cả nước, chiếm một lượng lớn đầu tư gián tiếp qua kênh mua bán - sáp nhập (M&A), các quỹ đầu tư mạo hiểm, kiều hối...
Năng suất lao động của Thành phố đạt khoảng 293 triệu đồng/lao động mỗi năm, gấp 2,7 lần năng suất lao động cả nước, cùng với lợi thế về nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng được đào tạo và làm việc trong các lĩnh vực tài chính và các lĩnh vực liên quan hỗ trợ dịch vụ tài chính như kế toán, kiểm toán, trọng tài, luật sư...
Thị trường tài chính của Việt Nam nói chung và tại Thành phố nói riêng đã có những bước phát triển ổn định, vững chắc, đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế vĩ mô, nâng cao niềm tin của nhà đầu tư. Mật độ tập trung của các định chế tài chính trên địa bàn Thành phố hiện vào loại cao nhất so với các địa bàn khác trên cả nước.
“Điều này cho thấy, nhu cầu hoạt động tài chính ở khu vực TP.HCM là rất lớn, là điều kiện tốt để hình thành và phát triển một trung tâm tài chính khu vực và quốc tế trong tương lai”, UBND TP.HCM nhận định.
Với các lợi thế nêu trên, việc xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP.HCM sẽ tạo ra các nhân tố thu hút các định chế tài chính nước ngoài, đón đầu cơ hội dịch chuyển của các dòng vốn đầu tư quốc tế khi đến Việt Nam.
Tại Hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế" diễn ra hồi tháng 12 năm ngoái, TS Nguyễn Xuân Thành - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ - Trường đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, TP.HCM đang còn ở vị trí thấp trong xếp hạng trung tâm tài chính quốc tế, xếp dưới Singapore, Thâm Quyến, Hong Kong, Bangkok... Chưa kể, giao thông, công nghệ thông tin vẫn là thách thức lớn.
Vì vậy, Thành phố cần trao đổi với các công ty khởi nghiệp, giải quyết các lo ngại hạ tầng công nghệ và an ninh mạng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, thành thạo tiếng Anh, có chứng chỉ báo cáo tài chính quốc tế, chứng chỉ hành nghề tài chính, kiểm toán chuyên nghiệp...TS. Thành cũng cho rằng, trong tầm nhìn dài hạn, TP.HCM có nhiều tiềm lực để trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.
Còn ông Andrew Weir - Chủ tịch toàn cầu Khối tư vấn Quản lý tài sản tài chính của KPMG thì cho rằng, để sớm phát triển thành Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, TP.HCM cần quan tâm và đầu tư hơn nữa cho các trụ cột chính: sự minh bạch cơ chế quản lý nhà nước, sự hỗ trợ của Chính phủ trong thiết lập trung tâm tài chính, đảm bảo môi trường cạnh tranh giúp nguồn vốn có điểm đến, đa dạng công cụ tài chính bằng việc quan tâm thị trường chứng khoán…
Thành phố cũng nhìn nhận việc phát triển lĩnh vực tài chính là cầu nối kết nối thị trường lao động. Vì nếu phát triển trung tâm tài chính quốc tế nhưng người hưởng lợi là công ty nước ngoài chứ không phải người dân và cộng đồng thì ý nghĩa bị hạn chế.
Một yếu tố khác cần tính đến trong chủ trương xây dựng Đề án trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP.HCM là cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, những diễn biến mới của tình hình thế giới, khiến hình thành xu hướng dịch chuyển các dòng tài chính và các tổ chức tài chính đang tìm kiếm địa điểm mới ở các nước khác tại Châu Á.
Có thể bạn quan tâm
TP.HCM: Đề xuất xây dựng sân bay nhỏ ở Cần Giờ và TP.Thủ Đức
13:22, 24/03/2021
TP.HCM: Không để xảy ra tình trạng “ngâm” hồ sơ, nhũng nhiễu doanh nghiệp
22:33, 19/03/2021
“Thông” vốn cho hạ tầng giao thông TP.HCM
15:53, 19/03/2021
“Lên đời” 5 huyện, chuyên gia lo ngại TP.HCM sốt đất
08:30, 19/03/2021