Năng lượng tái tạo: Chờ cú hích từ chính sách giá
Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, Quy hoạch điện 8 và chính sách giá năng lượng tái tạo sẽ là động lực cho một chu kỳ phát triển mới của ngành điện.
>>Những “mỏ vàng” năng lượng tái tạo
Triển vọng mới cho năng lượng tái tạo
Sau nhiều phiên thảo luận dựa trên những tinh thần mới, chỉ đạo mới từ Tờ trình số 2279/TTr-BCT ngày 29 tháng 4 năm 2022 (dự thảo quy hoạch điện 8 tháng 4/2022). Bộ Công Thương (BCT) đã liên tục hoàn thiện và thực hiện các thủ tục thẩm định lại, và gần đây đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo mới nhất trong tháng 11 vừa rồi. Bản dự thảo mới đã tiếp thu và điều chỉnh những thông tin quan trọng, trong đó tiếp tục nâng cao tầm quan trọng của năng lượng tái tạo. Theo đó, mảng điện sẽ là mũi nhọn trong kế hoạch phát triển ngành điện của Việt Nam ở cả ngắn và dài hạn.
Đối với điện gió, sẽ tiếp tục có một giai đoạn phát triển nóng của nguồn điện này sau khi giai đoạn chạy đua FIT kết thúc. Dự kiến, tốc độ tăng trưởng kép công suất điện gió sẽ đạt mức 16% trong giai đoạn 2022-2045, trong đó, công suất điện gió trên bờ sẽ tăng mạnh 4,6 lần từ mức 21.480MW trong năm 2030 lên đạt 66.050MW trong năm 2050.
Bên cạnh đó, dự kiến sẽ ghi nhận 7.000MW điện gió ngoài khơi đầu tiên trong giai đoạn 2022-2030, sau đó tăng trưởng công suất sẽ bắt đầu tăng tốc và đạt 87.500MW trong 2050. Nhìn chung, công suất điện gió sẽ chiếm 18% tổng công suất toàn hệ thống trong năm 2030, sau đó sẽ tục sở hữu tỉ trọng cao nhất đạt 30% trong 2045. Đồng thời xu hướng giảm giá chi phí quy dẫn (LCOE) cũng là một yếu tố quan trọng, thúc đẩy sự bùng nổ của nguồn điện này trong tương lai.
Sau khi phát triển ồ ạt trong giai đoạn 2019-2021, điện mặt trời trang trại cũng đang chiếm tỉ trọng lớn đạt 21% tổng công suất hệ thống, nguồn điện này sẽ được dừng phát triển mới từ nay đến 2030. Ngoài ra, đối với 2.360MW điện mặt trời trễ giá FIT được Bộ Công Thương kiến nghị tiếp tục phát triển trong các dự thảo trước, con số đã được điều chỉnh giảm đáng kể trong bản dự thảo mới.
Với những quan điểm rõ ràng sẽ hạn chế phát triển thêm các dự án điện mặt trời từ chính phủ trong giai đoạn 2022-2030, Bộ Công Thương đã tiếp tục rà soát và đề suất sẽ chỉ tiếp tục phát triển nốt 726,02MW đã hoàn thành xây dựng hoặc đã thu xếp đầy đủ thủ tục pháp lý. Còn lại 12 dự án với tổng công suất 1.634,4MW vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị thủ tục, sẽ cân nhắc giãn thời hạn phát triển sang sau năm 2030 để đảm bảo tính an toàn của hệ thống điện. Tuy rằng hiện tại các dự án này đang chưa được đưa vào phương án điều hành, các chuyên gia cho rằng việc tiếp tục phát triển các dự án này là một phương án hợp lý để tránh các rủi ro pháp lý, kiện tụng cũng như đền bù cho nhà đầu tư.
>>Cần sớm ban hành giá điện năng lượng tái tạo
Tín hiệu giải cứu đầu tiên cho các nhà đầu tư
Yếu tố quyết định để đánh giá triển vọng của doanh nghiệp năng lượng tái tạo phụ thuộc vào khả năng phát triển công suất mới, điều mà hiện tại đang bất khả thi khi chưa có một chính sách giá mới sau khi giá FIT kết thúc. Theo chuyên gia, với những định hướng rất rõ ràng trong Quy hoạch điện 8, tập trung nguồn lực cho phát triển năng lượng tái tạo là một xu hướng tất yếu. Do đó, việc khẩn trương ban hành một cơ chế giá mới sẽ thao gỡ những nút thắt, tạo điều kiện phát triển lý tưởng cho nguồn năng lượng tái tạo nhằm đạt được những mục tiêu rất tham vọng của Việt Nam trong thời gian tới.
Hiện tại, rất nhiều nhà đầu tư dự án năng lượng tái tạo trễ giá FIT đang chịu áp lực chi phí rất lớn trong khi không thể bán điện lên lưới. Tuy nhiên, đã có những lối thoát đầu tiên cho những dự án này. Theo đó, thực hiện Thông tư 15/2022/TT-BCT, EVN đang phối hợp với Bộ Công Thương, tính toán khung giá cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp. EVN đã tính toán theo bốn phương án, và chọn ra giá trị nhỏ nhất cho mỗi loại hình điện trong bốn phương án này. Giá điện gió sẽ giảm khoảng 20-25% so với mức giá FIT trong khi giá điện mặt trời đề suất thấp hơn 50% và chỉ ở mức 1.188đ/kWh. Theo quan điểm của chuyên gia, việc được huy động là một tín hiệu đáng mừng cho nhà đầu tư, việc đề suất một mức giá quá thấp có thể sẽ không mang tính hỗ trợ quá cao để các dự án vận hành hiệu quả. Tuy nhiên, sẽ vẫn còn những khó khăn cho điện mặt trời trong khi điện gió gặp ít áp lực hơn.
Việc ban hành bản dự thảo này là một trong những bước đi tích cực và cần thiết, giúp dần nới lỏng những nút thắt chính sách đã kéo dài hơn một năm. Dự thảo chính sách giá chuyển tiếp sẽ tạo tiền đề cho các nhà đầu tư trễ FIT có thể đàm phán PPA với EVN trong tương lai gần và hiện tại đã được trình lại Bộ Công Thương để tiếp tục đánh giá và đưa ý kiến. Song song với đó, Bộ Công Thương cũng đang làm việc với các bộ ngành liên quan, khẩn trương xây dựng và phát triển cơ chế thí điểm đàm phán giá trực tiếp (DPPA) hoặc dự thảo cơ chế đấu thầu, tạo hành lang pháp lý cho giai đoạn phát triển tiếp theo của mảng năng lượng này.
Có thể bạn quan tâm
Những “mỏ vàng” năng lượng tái tạo
00:06, 20/12/2022
Bất cập thị trường năng lượng tái tạo - Bài 2: Chính sách ngắt quãng làm nản lòng nhà đầu tư
05:00, 19/12/2022
Bất cập thị trường năng lượng tái tạo - Bài 1: Dự án chuyển tiếp đối mặt với nhiều khó khăn
11:00, 16/12/2022
Cần sớm ban hành giá điện năng lượng tái tạo
04:00, 06/12/2022
Vốn cho dự án năng lượng tái tạo: (Kỳ 2) Quan ngại về hợp đồng mua bán điện
11:00, 01/12/2022
Vốn cho dự án năng lượng tái tạo: (Kỳ 1) Vai trò của tài trợ FDI
00:15, 01/12/2022
Doanh nghiệp năng lượng tái tạo đang “thoi thóp” chờ cơ chế
11:00, 30/11/2022
Doanh nghiệp lo ngại về tương lai "số phận" các dự án năng lượng tái tạo
05:05, 25/11/2022
Nút thắt hạn chế năng lượng tái tạo
02:00, 24/11/2022