Doanh nghiệp năng lượng tái tạo đang “thoi thóp” chờ cơ chế

Diendandoanhnghiep.vn Chờ cơ chế mới quá lâu nên chủ đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời đang phát triển, xây dựng dở dang có nguy cơ bị thiệt hại rất lớn do hư hỏng thiết bị và lãi suất ngân hàng tăng cao.

>>Phát triển năng lượng tái tạo thông qua đấu thầu: Kinh nghiệm quốc tế

Để rõ hơn những thiệt hại của doanh nghiệp, cũng như đề xuất của chủ đầu tư cho lộ trình phát triển thị trường năng lượng tái tạo của Việt Nam trong thời gian tới, PV Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với ông Dhar Aditya, Trưởng Đại diện Văn phòng Nexif Energy tại Việt Nam kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Nexif Energ Bến Tre xung quanh nội dung này.

ông Dhar Aditya, Trưởng Đại diện Văn phòng Nexif Energy tại Việt Nam kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Nexif Energ Bến Tre

Ông Dhar Aditya, Trưởng Đại diện Văn phòng Nexif Energy tại Việt Nam kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Nexif Energ Bến Tre

- Thưa ông, với vai trò là nhà đầu tư các nhà máy năng lượng tái tạo, vậy ông có những nhận xét và góp ý như thế nào về chính sách cho thị trường năng lượng tái tạo tại Việt Nam?

Việt Nam có tiềm năng rất lớn về điện gió và điện mặt trời, nên việc phát triển năng lượng tái tạo sẽ là một giải pháp thực sự hiệu quả để Việt Nam có thể hiện thực hóa được cam kết net-zero vào năm 2050 và đáp ứng đúng định hướng chiến lược theo Nghị quyết 55/NQ-TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị.

Đây là mục tiêu dịch chuyển năng lượng bền vững đảm bảo an ninh năng lượng, đồng thời giảm thiểu tác động đến phát triển kinh tế - xã hội – môi trường, và là xu hướng tất yếu có quy mô toàn cầu. Để thực hiện được mục tiêu này, Việt Nam cần có lộ trình phát triển năng lượng tái tạo dài hạn, có tính liên tục, không đứt quãng như chính sách hiện nay.

Cụ thể là cần các cấp, các ngành, các địa phương cùng phối hợp xây dựng cơ chế, sớm hoàn thiện và ban hành các chủ trương, chính sách, pháp luật ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo có tầm nhìn dài hạn từ nay đến năm 2050, nhằm đáp ứng nhu cầu điện tăng hàng năm và mục tiêu phát triển kinh tế bền vững cho Việt Nam.

- Ông đánh giá như thế nào về thị trường năng lượng tái tạo tại Việt Nam, Nexif Energy có bị ảnh hưởng không, thưa ông?

Tính đến thời điểm hiện tại, có nhiều dự án (hoặc phần dự án) điện gió, điện mặt trời đã triển khai trên thực tế nhưng không kịp thời hạn được hưởng giá FIT, trong đó có 62 dự án điện gió với tổng công suất 3.479MW đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN nhưng chưa có giá bán điện, 5 dự án/phần dự án điện mặt trời với tổng công suất 452,62MW đang chờ xác định giá bán điện, và một số dự án khác cũng đã triển khai dở dang.

Nhiều dự án điện gió, trong đó có dự án điện gió Nexif Energy Bến Tre của chúng tôi cũng không ngoại lệ, Nexif Energy không kịp COD trước ngày 1/11/2021 để hưởng giá FIT do dịch Covid-19 bùng phát kéo dài, diễn biến phức tạp ở các tỉnh miền Nam.

Dự án điện gió Nhơn Hội gồm 12 tuabin (được chia thành hai giai đoạn), hiện mới chỉ một nửa được đưa vào vận hành thương mại khiến chủ đầu tư chịu nhiều thiệt hại

Dự án điện gió Nhơn Hội gồm 12 tuabin (được chia thành hai giai đoạn), hiện mới chỉ một nửa được đưa vào vận hành thương mại khiến chủ đầu tư chịu nhiều thiệt hại

Vào thời điểm thi công để chạy tiến độ dự án, mà nhiều tỉnh thực hiện giãn cách xã hội nên các công tác như thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, xây dựng, đưa chuyên gia sang Việt Nam, vận chuyển thiết bị vào nhà máy…. đều phải tạm ngưng lại. Nhiều tỉnh trực thuộc Trung ương đã gửi công văn trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và các cơ quan ban ngành nêu ra những khó khăn vướng mắc của dự án điện gió do dịch Covid-19 để xin gia hạn áp dụng cơ chế FIT nhằm tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư nhưng không được Chính phủ chấp thuận.

Quyết định 13/2020/QĐ-TTg quy định giá FIT cho điện mặt trời đã hết hạn gần 02 năm và Quyết định 39/2018/QĐ-TTg quy định giá FIT cho điện gió cũng đã hết hạn hơn 01 năm. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có cơ chế giá áp dụng cho các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp. Hiện tại, các dự án điện gió, điện mặt trời đang phát triển và xây dựng dở dang nằm “đắp chiếu” chờ cơ chế gây lãng phí, hư hỏng thiết bị và thiệt hại rất lớn cho các nhà đầu tư.

Dự án Nhà máy điện gió Nam Bình 1 chính thức khởi công từ tháng 5-2021, đã hòa lưới điện quốc gia từ ngày 29-10-2021 nhưng vẫn “đắp chiếu” vì chưa được công nhận vận hành thương mại.

Dự án Nhà máy điện gió Nam Bình 1 chính thức khởi công từ tháng 5-2021, đã hòa lưới điện quốc gia từ ngày 29-10-2021 nhưng vẫn “đắp chiếu” vì chưa được công nhận vận hành thương mại.

>>Thị trường năng lượng tái tạo - Bài 2: Cần xây dựng cơ chế giá mua điện phù hợp

- Ông có thể nêu những khó khăn đối với các nhà đầu tư năng lượng tái tạo hiện nay ở Việt Nam, cũng như những kiến nghị của ông về vấn đề này?

Nhiều nhà đầu tư đang đứng trước nguy cơ phá sản, và các ngân hàng hỗ trợ vay vốn cũng điêu đứng theo. Những hậu quả mà các nhà đầu tư đang phải đối mặt đã ảnh hưởng lớn đến niềm tin của họ vào lĩnh vực đầu tư năng lượng tái tạo của Việt Nam.

Chính sách cho phát triển năng lượng tái tạo, cụ thể là điện gió, điện mặt trời của Việt Nam quá ngắn hạn, trong khi đầu tư cần có cơ chế dài hơi và tầm nhìn xa hơn. Chính sách ngắn hạn đã ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và thu hút đầu tư tại Việt Nam. Bởi không chỉ có những nhà đầu tư bị ảnh hưởng trực tiếp và thiệt hại nặng nề bởi cơ chế ngắn hạn này, mà đằng sau còn để lại hệ lụy cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng, hệ thống chuỗi cung ứng, người lao động, nguồn lực của xã hội cũng bị thiệt hại theo.

Mặt khác, trước đó Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất sửa đổi một số điều khoản trong hợp đồng mua bán điện gió như: (i) thời hạn của hợp đồng mua bán điện và giá bán điện áp dụng đến năm 2025, sau đó tiếp tục tham gia đấu thầu; (ii) Đồng tiền tính giá là VNĐ, không điều chỉnh theo biến động tỷ giá đồng/USD; (iii) Nhà máy điện được huy động theo nhu cầu của hệ thống điện; là không phù hợp với nguyên tắc phân bổ rủi ro hợp lý giữa bên mua và bên bán. Với những điều khoản này, các nhà đầu tư sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thu xếp vốn cho dự án.

Ngoài ra, các nhà đầu tư còn gặp rất nhiều các khó khăn vướng mắc khác trong quá trình phát triển và xây dựng dự án, như là: cơ sở hạ tầng lưới điện còn thiếu và chưa đồng bộ với nguồn nên nhiều dự án phải dùng chung đường dây truyền tải, dẫn đến mâu thuẫn/tranh chấp trong đàm phán thỏa thuận đấu nối chung mất nhiều thời gian và chi phí; công tác giải phóng mặt bằng gặp vô vàn khó khăn do người dân cản trở và đòi chi phí quá cao; thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp; một số quy định, văn bản luật áp dụng cho điện gió còn một số bất cập, thiếu nhất quán gây khó cho nhà đầu tư; khó khăn trong việc thu xếp vốn cho dự án vì cơ chế giá đã hết hạn từ lâu; … Vì vậy, nhà đầu tư rất mong các cấp, các ngành, các địa phương hỗ trợ và kịp thời tháo gỡ khó khăn để các nhà đầu tư có thể chung tay đóng góp cho sự phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam được bền vững trong thời gian tới.

- Theo ông Việt Nam cần thực hiện những cơ chế nào để thị trường năng lượng tái tạo được phát triển cạnh tranh và minh bạch?

Việt nam cần ban hành chính sách nhất quán, liên tục và có lộ trình rõ ràng để khuyến khích và thúc đẩy mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa nguồn năng lượng hóa thạch.

Trước mắt, Bộ Công Thương cần khẩn trương ban hành khung giá phát điện và cách thức tính giá bán điện (đàm phán, chào giá cạnh tranh hay đấu thầu) cho các dự án chuyển tiếp để nhanh chóng giải quyết những khó khăn mà các nhà đầu tư đang phải gánh chịu do cơ chế hết hạn từ lâu.

Giá bán điện cần phù hợp với giá thị trường, hài hòa lợi ích cho cả bên mua và bên bán, nên có hiệu lực đủ dài (ít nhất là 3 năm) và áp dụng ít nhất 20 năm để tạo môi trường đầu tư ổn định và có thể dự tính được dòng doanh thu của dự án. Để đảm bảo giá bán điện minh bạch và công bằng cho cả bên mua và bên bán. Tôi cho rằng Bộ Công Thương/Cục Điều tiết nên thuê đơn vị tư vấn độc lập (trong nước hoặc nước ngoài) tính toán khung giá phát điện thay cho bên mua điện (EVN) và trình trực tiếp lên Cục Điều tiết/Bộ Công Thương phê duyệt.

Đồng thời Bộ Công Thương cần sớm xây dựng cơ chế lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu thầu cạnh tranh, minh bạch và cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) áp dụng cho các dự án năng lượng tái tạo mới. Đối với cơ chế DPPA thì cho phép nhà đầu tư ký hợp đồng mua bán điện với bên thứ ba, trong đó EVN chỉ đóng vai trò là đơn vị truyền tải. Điều này đã được thực hiện thành công ở các nước như Ấn Độ và Philipin. Tôi hy vọng đây sẽ là tiền đề quan trọng thúc đẩy thị trường đầu tư, thu hút FDI, vốn đầu tư tư nhân vào lĩnh vực phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo.

Quy hoạch điện VIII được xây dựng từ năm 2020 và đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, công khai, được sửa đổi nhiều lần theo định hướng tại Nghị quyết 55 và đạt Net-zero vào năm 2050, đến nay cơ bản đã hoàn thành. Do đó Quy hoạch điện VIII cần sớm được phê duyệt nhằm đảm bảo cơ chế, chính sách liên tục và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cung ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân giai đoạn từ nay đến năm 2030.

- Xin cảm ơn ông!

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp năng lượng tái tạo đang “thoi thóp” chờ cơ chế tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713868127 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713868127 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10