Phát triển điện gió ngoài khơi được xác định là giải pháp đột phá trong chuyển dịch năng lượng, bảo đảm an ninh năng lượng, tuy nhiên Việt Nam cần tăng tốc xây dựng hành lang pháp lý hoàn chỉnh.
>>Đẩy mạnh phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam
Đó là những đánh giá của các doanh nghiệp trong và ngoài nước có kế hoạch đầu tư phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam. Để hiểu hơn về những chiến lược lựa chọn môi trường đầu tư của doanh nghiệp FDI cũng như những vướng mắc mà doanh nghiệp đang cần đề xuất để được tháo gỡ, Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với ông Stuart Livesey, Giám đốc Quốc gia của COP tại Việt Nam, kiêm CEO Công ty Cổ phần Phát triển Dự án Điện gió La Gan xung quanh vấn đề này.
- Thưa ông, được biết CIP/COP có kế hoạch đầu tư các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, vậy ông có thể chia sẻ kế hoạch cũng như kỳ vọng của doanh nghiệp?
Với vai trò là Tập đoàn phát triển điện gió ngoài khơi quốc tế toàn cầu, doanh nghiệp CIP và COP đã có kế hoạch phát triển thêm nhiều dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn tại các tỉnh khác ở miền Bắc và miền Nam Việt Nam. Đặc biệt, một trong những dự án nổi bật hiện tại chúng tôi đang phát triển là dự án điện gió ngoài khơi La Gàn với công suất 3,5 GW ở tỉnh Bình Thuận.
Đây là một trong những dự án đầu tiên của chúng tôi được đưa vào dự thảo Quy hoạch điện VIII và được đánh giá là một dự án ổn định để góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi của Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng dự án La Gàn sẽ có tiềm năng trở thành dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên lớn nhất tại Việt Nam có tổng giá trị đầu tư dự kiến đến 10,5 tỷ USD, trong đó sẽ có hơn 4,4 tỷ USD sẽ được đóng góp trực tiếp vào nền kinh tế của Việt Nam.
>>Hải Phòng: Xúc tiến thương mại và đầu tư với Đan Mạch trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi
>>Phát triển điện gió ngoài khơi: Cần sớm hoàn thiện quy hoạch không gian biển
- Với các giai đoạn thực hiện, ngoài dự án La Gàn thì dự án nào tiếp theo được CIP đánh giá sẽ khả thi và có kết quả đầu tư cao, thưa ông?
Với thời điểm như hiện nay, rất khó cho các nhà đầu tư và nhà phát triển dự án như CIP/COP xác định tính khả thi của dự án do sự không chắc chắn từ việc Quy hoạch điện VIII chưa được thông qua, đồng thời cũng chưa có quy trình rõ ràng cho việc chấp thuận khảo sát ngoài khơi (theo Nghị định 11/2021/NĐ-CP). Bên cạnh đó, về phương án triển khai, Việt Nam vẫn chưa có kinh nghiệm, quy định về cách thức thực hiện, thi công dự án và lựa chọn nhà đầu tư.
Tuy nhiên, Việt Nam có rất nhiều cơ hội để khai thác lợi ích từ điện gió ngoài khơi do vận tốc gió tốt (đặc biệt ở các vùng Nam Trung Bộ), tốc độ tăng trưởng và nhu cầu sử dụng điện cao, các mục tiêu tham vọng để giảm phát thải CO2 ròng về 0 và một chuỗi cung ứng có thể thích ứng tốt nếu được chuyển đổi phù hợp, do đó Việt Nam là thị trường rất có triển vọng để phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi.
- Bên cạnh những tiềm năng về thị trường, thì đâu là những khó khăn đối với nhà đầu tư nước ngoài, thưa ông?
Hiện vẫn có nhiều khó khăn cho ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi của Việt Nam. Nhất là khung pháp lý, cơ chế và chính sách tại Việt Nam hiện chưa được hoàn chỉnh để hỗ trợ và cho phép các nhà đầu tư, phát triển dự án tiến hành các khảo sát, cũng như lộ trình và các hướng dẫn cụ thể để phát triển điện gió ngoài khơi theo quy mô lớn…
Tuy nhiên, CIP và COP vẫn đang chờ đợi và tiếp tục hợp tác, phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về ngành điện gió ngoài khơi và góp ý khuyến nghị trong các vấn đề về xây dựng khung pháp lý. Chúng tôi cho rằng với những đóng góp của nhà đầu tư nước ngoài sẽ góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, giúp Việt Nam phát triển thêm ngành công nghiệp mới, tăng cơ hội cho chuỗi cung ứng trong nước phát triển. Điều này sẽ là cơ sở tạo lên sự thay đổi và thích ứng với quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam, đồng thời tránh được những rủi ro trong phát triển lĩnh vực phát triển điện gió ngoài khơi mà các thị trường khác đã gặp phải.
Để xúc tiến kế hoạch đầu tư đề ra, CIP và COP đã gửi hồ sơ xin cấp phép cho các hoạt động khảo sát ngoài khơi (bao gồm các nghiên cứu và khảo sát về gió, sóng, địa chất và môi trường), sau khi được phê duyệt, sẽ cho phép chúng tôi khảo sát thêm về các đặc điểm và mức độ phù hợp của khu vực dự án để hỗ trợ việc xây dựng dự án điện gió ngoài khơi.
- Ông đánh giá như thế nào về Dự thảo quy hoạch điện VIII, qua đó ông có nguyện vọng gì cần đề xuất?
Dự thảo Quy hoạch điện VIII mới nhất mang đến tín hiệu tốt cho ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi của Việt Nam khi nâng tổng công suất lên đến 7GW vào năm 2030. Tuy nhiên, việc phê duyệt Quy hoạch điện VIII và kế hoạch triển khai quy hoạch này đã bị trì hoãn trong một thời gian dài, sẽ cản trở cơ hội để Việt Nam thực hiện kịp thời các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn trong thời gian tới. Nếu ban hành chính sách phát triển điện gió ngoài khơi sớm hơn sẽ có thể giúp Chính phủ đạt được cam kết phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Ngoài ra, chúng tôi cũng cần Quy hoạch điện VIII nêu rõ các dự án điện gió ngoài khơi sẽ được phát triển bằng cách nào, khi nào, ở khu vực nào và lộ trình như thế nào? Điều này có thể sẽ không được đề cập hoàn chỉnh trong chính Quy hoạch điện VIII, nhưng tôi cho rằng cần có một kế hoạch với các mốc thời gian rõ ràng cho các giai đoạn tiếp theo và xác định rõ trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan có thẩm quyền ra quyết định để đảm bảo các mục tiêu sẽ được thực hiện.
Việc Chính phủ cần khẩn trương ban hành các quy định và hướng dẫn phát triển điện gió ngoài khơi để tạo điều kiện cần thiết cho các nhà phát triển dự án quyết định đầu tư vào thị trường là rất quan trọng. Sau một thời gian thực hiện các dự án thí điểm nhất định, các quy định và hướng dẫn có thể được điều chỉnh, sửa đổi để hình thành khung pháp lý toàn diện cho sự phát triển bền vững của ngành. Nếu không, Việt Nam sẽ không thể đạt được các cam kết trong COP 26. Việc tập trung giải quyết các vấn đề trên để hiện thực hóa mục tiêu điện gió ngoài khơi trong 8-10 năm tới là tối quan trọng trong giai đoạn này.
Do đó để công tác khảo sát điện gió ngoài khơi được thực hiện, ngoài việc hoàn thiện chính sách thì Bộ Tài nguyên và Môi trường cần nhanh chóng hoàn thiện Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2021 về “Quy quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển”. Vì điều này sẽ cung cấp một mức độ chắc chắn nhất định để các nhà phát triển có thể tự tin đầu tư nhiều triệu đô la vào các hoạt động khảo sát nhằm đảm bảo các dự án có thể được thực hiện đúng thời hạn và đạt mục tiêu công suất điện gió ngoài khơi 7GW vào năm 2030.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Doosan Vina hợp tác phát triển điện gió ngoài khơi
11:55, 04/11/2022
Đẩy mạnh phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam
00:30, 04/11/2022
Hải Phòng: Xúc tiến thương mại và đầu tư với Đan Mạch trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi
01:56, 03/11/2022
EVN muốn tham gia "cơn sốt" điện gió ngoài khơi
03:38, 11/10/2022
Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi báo cáo tạm dừng thẩm định khảo sát điện gió ngoài khơi
11:00, 05/10/2022