Doanh nghiệp

Cơ chế đột phá "hút" vốn tư nhân vào năng lượng

Thy Hằng 25/04/2025 07:03

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII sửa đổi cần những cơ chế đủ mạnh, “đủ liều”, “đột phá” để khuyến khích huy động nguồn lực xã hội vào năng lượng.

“Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” (Quy hoạch điện VIII điều chỉnh) đã được phê duyệt mới đây với những mục tiêu mới phù hợp chủ trương phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% và tăng hai con số trong giai đoạn 2026-2030.

nltt-4011.jpeg
Theo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, tỷ trọng điện tái tạo (không bao gồm thủy điện) sẽ tăng lên mức 28 – 36% vào năm 2030 và đạt 74 – 75% vào năm 2050.

Theo đó, ngoài đáp ứng yêu cầu về tăng trưởng, đảm bảo an ninh cung cấp điện trong tình huống mới, doanh nghiệp năng lượng phải đồng thời giữ vững định hướng giảm phát thải carbon cho mục tiêu phát triển bền vững.

Đáng lưu ý, một trong những điểm nổi bật nhất của Quy hoạch điện VIII phiên bản mới là sự ưu tiên mạnh mẽ cho phát triển năng lượng tái tạo. Theo kế hoạch mới, tỷ trọng điện tái tạo (không bao gồm thủy điện) trong cơ cấu nguồn điện quốc gia sẽ tăng lên mức 28 – 36% vào năm 2030 và đạt 74 – 75% vào năm 2050.

Cụ thể, đến năm 2030 các nguồn này tăng thêm so với năm 2024 là: Điện mặt trời tăng thêm 29.787 và 56.800 MW; Điện gió tăng thêm 20.197 và 32.160 MW, chưa kể 6.000 MW điện gió ngoài khơi; Nguồn điện sinh khối và rác tăng thêm 2.569 và 4.471 MW.

Nguồn linh hoạt đạt 2.000 và 3.000 MW, vốn chỉ có 300 MW trong QHĐ VIII; Thủy điện tích năng đạt 2.400 và 6.000 MW; Pin lưu trữ đạt 10.000 và 16.270 MW, trong khi QHĐ VIII chỉ có 300 MW.

Đặc biệt, khối lượng vốn đầu tư cho các dự án điện (cả nguồn và lưới) tăng lên đáng kể trong 5 năm tới. Theo đó, để triển khai thành công quy hoạch mới này, Việt Nam cần huy động khoảng 136 tỷ USD đầu tư phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải tương đương trong giai đoạn 2026 - 2030; khoảng 130 tỷ USD trong giai đoạn 2031 - 2035 và khoảng 569,1 tỉ USD cho giai đoạn 2036 - 2050.

Quy hoạch điện VIII điều chỉnh cũng vừa được phê duyệt đặt mục tiêu sản lượng điện tăng gấp đôi vào 2030, trong đó, tỷ lệ điện tái tạo chiếm 28-36%.
Mỗi năm Việt Nam cần 27,6 tỷ USD đầu tư cho các dự án điện - gấp đôi so với Quy hoạch điện VIII ban đầu.

Như vậy, mỗi năm cần 27,6 tỷ USD đầu tư cho các dự án điện - gấp đôi so với Quy hoạch điện VIII ban đầu. Trong bối cảnh vác tập đoàn điện lực lớn của Nhà nước cũng chỉ đủ khả năng tập trung vào đầu tư một vài dự án trọng điểm như điện khí, LNG, điện hạt nhân, một vài dự án điện gió ngoài khơi và các dự án lưới điện cốt lõi, thì hầu như phải trông cậy và nguồn lực tư nhân, nhất là các nguồn năng lượng tái tạo.

Chuyên gia đánh giá, đây là những chỉ tiêu rất thách thức, đòi hỏi phải có những giải pháp tổng thể, trong đó quan trọng nhất là gỡ vướng thể chế, tạo khung khổ pháp lý hoàn chỉnh cho lĩnh vực năng lượng tái tạo nói chung, điện gió nói riêng.

Nói như ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam trong thời gian qua chững lại do các kế hoạch ban hành chậm. Sau một năm Quy hoạch Điện VIII được phê duyệt (15/5/2023), thì Kế hoạch triển khai Quy hoạch Điện VIII mới được ban hành (1/4/2024). Bên cạnh đó, việc xử lý và giải quyết các dự án thiếu điều kiện hoặc vi phạm theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ (chưa hoàn thành thủ tục xây dựng, vướng mắc về hồi tố giá FIT…) quá chậm; quy định về điện gió ngoài khơi chưa đủ để triển khai…

Để giải quyết câu chuyện “điểm nghẽn” thể chế nói trên, ông Anh Tuấn cho rằng, cần sớm hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, ban hành các quy định giá mua bán điện của các nguồn linh hoạt để hỗ trợ chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.

“Đặc biệt, cần phải giải quyết nhanh hợp tình, hợp lý các dự án năng lượng tái tạo vướng mắc trong thời gian qua. Đó là câu chuyện 173 dự án vướng mắc trong việc thực hiện giá FIT, chậm thực hiện giá FIT…, có như vậy mới gỡ bỏ được tâm lý e ngại cho các nhà đầu tư”, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nhấn mạnh.

Cũng theo chuyên gia, mặc dù trong Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đã nêu 11 nhóm giải pháp thực hiện quy hoạch, nhưng cảm nhận là các giải pháp đó còn mang tính chung chung, dài hạn. Các lĩnh vực được quan tâm đến trong các nhóm giải pháp là đã bao trùm, cần thiết, nhưng có vẻ chưa “đủ liều”. Do đó, trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch cần chỉ rõ các giải pháp ưu tiên, “đột phá” trong ngắn hạn 2-3 và 5 năm tới, nhất là giải pháp về chính sách, khung pháp lý và cơ chế cần thiết ban hành ngay để khuyến khích huy động nguồn lực xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cơ chế đột phá "hút" vốn tư nhân vào năng lượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO