Doanh nghiệp

“Hồi tố” giá bán điện: Bộ Công Thương dự kiến làm việc với nhà đầu tư Thái Lan

Thy Hằng 01/04/2025 11:58

16 dự án với quy mô hơn 1.440 MW trong lĩnh vực năng lượng tái tạo của các nhà đầu tư Thái Lan dự kiến sẽ có các cuộc làm việc với Tổ công tác của Bộ Công Thương.

Bộ Công Thương vừa thành lập Tổ công tác nhằm trao đổi, làm việc với các nhà đầu tư Thái Lan để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trên tinh thần hài hoà lợi ích và chia sẻ rủi ro. Ông Trần Hoài Trang, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương được cử làm Tổ trưởng.

viber-image-2019-09-25-17-32-01.jpg
16 dự án với quy mô hơn 1.440 MW trong lĩnh vực năng lượng tái tạo của các nhà đầu tư Thái Lan đang gặp khó vì đề xuất "hồi tố" giá FIT.

Có 4 nhà đầu tư Thái Lan đã đầu tư vào 16 dự án điện gió và điện mặt trời đang gặp khó khăn với đề xuất “hồi tố” giá bán điện ưu đãi (giá FIT). Trong đó, Tập đoàn B.Grimm Renewable với 2 dự án với tổng công suất 496 MW, Tập đoàn Gulf Energy Development Public Company Ltd có 2 dự án với tổng công suất 98 MW, Tập đoàn Gunkul Engineering Public Company Ltd với 4 dự án có tổng quy mô 160 MW và Tập đoàn Super Energy Corporation PCL có 8 dự án với tổng công suất 686,72 MW.

Theo nguồn tin của DĐDN, cuộc gặp dự kiến được tổ chức vào ngày 10/4 tới. Trước cuộc gặp này, các nhà đầu tư Thái Lan đã có kiến nghị gửi lên các cơ quan hữu trách của Thái Lan và các cơ quan liên quan của Việt Nam.

Theo đó, các nhà đầu tư Thái Lan nằm trong số 173 dự án điện gió và điện mặt trời đang đối mặt nguy cơ hồi tố giá bán điện ưu đãi FIT do liên quan quy định phải có Chứng nhận nghiệm thu hoàn thành (CCA) thay cho công nhận ngày vận hành thương mại (COD) trước đó, ảnh hưởng đến tổng vốn đầu tư hơn 13 tỷ USD.

Các doanh nghiệp nhận định, đề xuất “hồi tố” công nhận ngày vận hành thương mại (COD) có thể khiến giá FIT giảm xuống từ 25% đến gần xấp xỉ 50%, nhà đầu tư nguy cơ vỡ nợ và xóa bỏ gần như toàn bộ giá trị vốn chủ sở hữu từ các dự án này, đe dọa hơn 13 tỷ USD đầu tư.

dien-gio-bcacj.png
Bộ Công Thương vừa thành lập Tổ công tác nhằm trao đổi, làm việc với các nhà đầu tư Thái Lan để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trên tinh thần hài hoà lợi ích và chia sẻ rủi ro.

Từ đây có thể gây ra tình trạng vỡ nợ trên diện rộng và làm bất ổn thị trường tài chính, qua đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính nhất quán trong điều tiết pháp lý tại Việt Nam. Sự bất ổn này có thể khiến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành điện bị đình trệ, gây tổn hại đến uy tín của Việt Nam với tư cách là một điểm đầu tư hấp dẫn và đáng tin cậy.

Đồng thời, các chủ đầu tư không đồng ý với phương án “giá tạm” mà EPTC đề xuất và bảo lưu quyền khiếu nại, khiếu kiện EPTC đối với các vi phạm so với Hợp đồng mua bán điện (PPA) đã ký và đòi bồi thường đối với các tổn hại phát sinh do các vị phạm này gây nên. Vì PPA được xây dựng trên cơ sở pháp luật hiện hành của Việt Nam và đã được Chính phủ bảo hộ thông qua các hiệp định đầu tư song phương và đa phương với nhiều quốc gia.

Các nhà đầu tư kêu gọi Chính phủ quan tâm đến việc bảo lưu ngày COD ban đầu và giá FIT đã thoả thuận theo PPA cho các dự án này và yêu cầu EVN thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng. Cụ thể, tại thời điểm các dự án được chấp thuận COD, các quy định hiện hành không yêu cầu chấp thuận nghiệm thu là điều kiện để được COD.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Hồi tố” giá bán điện: Bộ Công Thương dự kiến làm việc với nhà đầu tư Thái Lan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO