Hiệp hội Doanh nghiệp Thái Lan tại Việt Nam (ThaiCham) nêu rõ những vướng mắc mà các nhà đầu tư năng lượng tái tạo gặp phải tại Việt Nam.
Hiệp hội Doanh nghiệp Thái Lan tại Việt Nam (ThaiCham) mới đây đã có công văn gửi Bộ Công Thương Việt Nam nhằm hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc cho các nhà đầu tư Thái Lan mảng năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Trước đó như DĐDN đã thông tin, 16 dự án với quy mô hơn 1.440 MW trong lĩnh vực năng lượng tái tạo của các nhà đầu tư Thái Lan tại Việt Nam nằm trong số 173 dự án điện tái tạo không có Chứng nhận nghiệm thu hoàn thành (CCA) tại thời điểm công nhận ngày vận hành thương mại (COD) với tổng mức đầu tư xấp xỉ 13 tỷ USD, do đó có nguy cơ “hồi tố” giá điện ưu đãi (FIT).
Các nhà đầu tư Thái Lan dự kiến sẽ có các cuộc làm việc vào chiều ngày 10/4 với Tổ công tác của Bộ Công Thương nhằm trao đổi tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trên tinh thần hài hoà lợi ích và chia sẻ rủi ro.
Theo đó, tại công văn kiến nghị, ThaiCham nhấn mạnh sự tích cực của Chính phủ Việt Nam trong tháo gỡ những vướng mắc trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đối với các dự án đã đưa vào vận hành và các dự án đang triển khai nhằm đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam vào năm 2050. Trong đó, Bộ Công Thương đóng vai trò chủ chốt, mang lại hiệu quả cao nhất trong việc hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc cho các nhà đầu tư năng lượng tái tạo Thái Lan.
ThaiCham cũng gửi kèm danh sách các dự án, các nhà đầu tư với những vướng mắc cụ thể như: EVN tạm dừng thanh toán và thanh toán bằng miệng áp dụng biểu giá trần thay vì giá FIT1; EVN hiện đang mua điện từ các nhà máy ở mức giá trần của các nhà máy điện chuyển tiếp thay vì mức giá FIT2 đã ký kết trong hợp đồng mua bán; EVN đang tạm giữ lại một phần thanh toán; dòng tiền của nhà đầu tư thiếu hụt nghiêm trọng do sự chậm trễ trong việc ban hành quy định mới sau khi FIT hết hạn và giá tạm quá thấp…
Các nhà đầu tư cũng cho biết gặp nhiều vướng mắc trong đàm phán PPA chưa cụ thể, nhiều yếu tố thực tế chưa được xem xét đầy đủ trong đàm phán giá như: mức cắt giảm công suất thực tế, chi phí tài chính và chi phí vận hành & bảo dưỡng trong thời gian chờ quy định mới… Giá điện chưa được liên kết với USD, gây khó khăn trong việc thu hồi vốn đầu tư, vốn chủ yếu được tính bằng USD.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cho biết quá trình xử lý hồ sơ đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư của cơ quan có thẩm quyền kéo dài gây khó khăn và chậm trễ cho nhà đầu tư thực hiện các thủ tục pháp lý tiếp theo, dẫn đến việc chưa thể nghiệm thu, đóng điện và đi vào vận hành thương mại. Một số dự án đang chờ COD hiện gặp khó trong công tác giải phóng mặt bằng đường dây truyền tải làm ảnh hưởng đến tiến độc thực hiện dự án và đưa dự án vào vận hành thương mại. Đặc biệt, có dự án không thể tiếp tục triển khai do liên quan chồng lấn giữa quy hoạch phát triển điển lực và quy hoạch khai thác, dự trữ khoáng sản tại khu vực triển khai dự án.
ThaiCham nhấn mạnh kiến nghị Bộ Công Thương và các ban ngành, đơn vị liên quan sớm tháo gỡ vướng mắc được đề cập, giúp các nhà đầu tư Thái Lan giải toả được những quan ngại và tự tin tiếp tục đầu tư dài hạn cho năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Trên thực tế, không chỉ các nhà đầu tư Thái Lan, trong 173 dự án nguy cơ “hồi tố” giá FIT này, còn có các nhà đầu tư từ các quốc gia châu Âu như Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Anh và châu Á như Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc.
Các nhà đầu tư khẳng định, việc bị tạm dừng thanh toán hoặc chỉ thanh toán một phần từ phía EVN đang ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình tài chính của các dự án. Theo đó, đề xuất của EVN gửi tới Bộ Công Thương hồi tháng 2 năm nay, giá mua điện có thể được điều chỉnh theo “ngày COD mới”, được xác định dựa trên thời điểm các dự án điện tái tạo có CCA. Điều này cũng có nghĩa, nhiều dự án điện tái tạo có thể sẽ rơi vào tình trạng điều chỉnh giá FIT1 xuống FIT2, thậm chí là mức giá “chuyển tiếp” tức là giảm từ 25 – 50%.
Ông Trần Minh Tiến, đại diện Bangkok Glass Energy (BGE) chia sẻ, công ty đã đầu tư theo hình thức mua lại bốn nhà máy điện mặt trời tại Phú Yên và Bình Thuận dựa trên mức giá bán điện FIT1 cho các dự án. Nếu giá mua điện bị thay đổi theo đề xuất, các dự án không còn đường nào ngoài phá sản.
Chia sẻ với DĐDN, Lãnh đạo B.Grimm Power Việt Nam, một nhà đầu tư khác đến từ Thái Lan đang sở hữu hai dự án lớn công suất 500 MWp cũng lo ngại về hiệu suất đầu tư nếu giá FIT bị điều chỉnh. Theo đó, công ty vay vốn từ ngân hàng để đầu tư, nếu áp dụng giá FIT2 hoặc mức giá thấp hơn như các dự án chuyển tiếp (4,8 cent một kWh), doanh nghiệp sẽ không thể hoàn vốn và không có khả năng trả nợ.
Với Dragon Capital, một trong ba dự án điện mặt trời của họ không được thanh toán tiền mua điện từ tháng 9/2023, với tổng phải thu với EVN khoảng 240 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, theo ông Nguyễn Hữu Quang, Giám đốc danh mục mảng năng lượng sạch của Dragon Capital, mức giá FIT tại Việt Nam thực chất không hề “đắt” như một số quan điểm nêu. Ông Quang viện dẫn việc Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) từng tính toán rằng để đảm bảo hiệu quả đầu tư, giá FIT tối thiểu cần vào khoảng 15 cents/kWh, cao hơn nhiều giá tính của Bộ Công thương thời điểm đó là 9,35 cents/kWh.
Cho đến đầu năm 2019, mức giá FIT với điện mặt trời không đủ hấp dẫn để kích thích nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực mới này. Cú hích thực sự nằm ở việc giá tấm pin mặt trời sụt giảm mạnh sau đó, dẫn đến suất đầu tư giảm, tạo nên “thời điểm vàng” để đầu tư vào năng lượng mặt trời 2019 – 2020, theo giải thích của ông Nguyễn Hữu Quang.
Đại diện Dragon Capital cũng cho rằng, khi so sánh mức giá FIT của Việt Nam với quốc gia khác, cần phải có những tính toán khách quan, toàn diện, cân nhắc đầy đủ các yếu tố trong quá trình đầu tư, điều kiện vay vốn, lãi suất vay.
Các nhà đầu tư khác cũng dẫn chứng mức giá mua điện tái tạo cao hơn mức 9,35 cents tại quốc gia như Philippines, Đức, Australia để minh chứng rằng giá FIT ở “mức hợp lý” tại thời điểm tính toán.