Sau hai năm, cuộc giải cứu doanh nghiệp địa ốc của TP HCM đi về đâu?
Hai năm qua, mặc dù TP HCM đã nhiều lần họp cùng doanh nghiệp và lãnh đạo các sở, ngành để giải cứu hàng trăm dự án BĐS đắp chiếu vì thủ tục pháp lý, thế nhưng không mấy dự án được hồi sinh.
Theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP HCM, do những vướng mắc về thể chế pháp luật mà từ tháng 12/2015 - 09/2018 đã có 126 dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp bị ngừng triển khai do “ách tắc” thủ tục đầu tư xây dựng; hoặc từ ngày 07/03/2017, có khoảng 158 mặt bằng, hoặc dự án sử dụng quỹ đất có nguồn gốc do Nhà nước quản lý, đã phải dừng triển khai để thực hiện việc rà soát, kiểm tra về pháp lý. Các vướng mắc pháp lý này đã làm cho nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở bị sụt giảm rất lớn trong các năm qua.
Tắc vẫn hoàn tắc
Trước tình trạng đó, trong hai năm 2019 và 2020, UBND TP HCM đã liên tục tổ chức nhiều cuộc họp cùng doanh nghiệp và các sở ban ngành để giải cứu các dự án này. Đây được kỳ vọng là "phao cứu sinh" cho các dự án đang nằm phơi sương, hoang phí của cải.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong từng cam kết UBND TP sẽ ban hành chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp có số vốn trên 100 tỷ đồng. Và cam kết làm hết mình để đảm bảo môi trường chính trị ổn định, đem lại quyền lợi chính đáng cho nhà đầu tư.
Theo đó, có thể kể đến một số dự án đã được "đặt lên bàn cân" như dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) do CTCP Quốc Cường Gia Lai làm chủ đầu tư; Dự án Khu thương mại, dịch vụ căn hộ Bình Đăng do Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Sài Gòn 5 (Công ty Sài Gòn 5) làm chủ đầu tư; dự án Dự án Charmington Iris tại số 76 - Tôn Thất Thuyết do Công ty TNHH Đầu tư Sabeco HP; Khu phức hợp Đầm Sen tại quận 11 của Công ty cổ phần Quốc tế C&T;
Khu đô thị mới Nam TP.HCM do Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng làm chủ đầu tư; dự án Trung tâm hội nghị và triển lãm Quốc tế tại dự án Van Phuc City quận Thủ Đức do Công ty cổ phần Đầu tư Địa ốc Vạn Phúc làm chủ đầu tư; Hay các dự án Hải Yến, An Khánh 1, Khu dân cư mới Miếu Nổi, Anh Khánh 2, Vườn Hạnh Phúc, Nam Sài Gòn, An Khánh 3, nằm ở nhiều quận, huyện như quận 7, huyện Nhà Bè do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Đô thị Phi Long triển khai,...
Tuy nhiên, dường như cuộc giải cứu này vẫn không thể đem lại cái kết mỹ mãn cho các dự án. Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM Lê Hoàng Châu, thực tế hơn 100 dự án được phê duyệt đầu tư thời điểm 2015 - 2018 bị "tắc" vì sự chồng chéo trong Luật đầu tư và Luật Quy hoạch cho đến 1/1/2021, Luật Đầu tư 2020 mới có hiệu lực.
Trong 9 tháng đầu năm 2020, dù Sở Xây dựng đã gửi Sở Kế hoạch & Đầu tư TPHCM đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư 45 dự án, nhưng trong công văn số 8128/BC-SKHĐT ngày 26/10/2020, không có số liệu về dự án nhà ở nào có được quyết định chủ trương đầu tư.
Doanh nghiệp vẫn chờ
Là một trong những doanh nghiệp có dự án được "đặt lên bàn cân" để giải cứu, bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch HĐQT CTCP Quốc Cường Gia Lai đã phải bật khóc vì đã gõ cửa các ban ngành nhưng không có lối thoát, dự án phải bỏ hoang.
Đơn cử như tại dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển với tổng diện tích 91,6ha, dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư từ tháng 4/2017, được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, nhưng đến nay dự án đã hết hạn chủ trương mà chưa thể làm gì. Thậm chí, dự án còn từng được kỳ vọng sẽ mang về cho Quốc Cường Gia Lai doanh thu giai đoạn 2011-2016 trên 12.000 tỷ đồng, lợi nhuận trên 7.000 tỷ đồng nhưng qua 10 năm qua vẫn dở dang.
Hay với trường hợp của dự án Charmington Iris, dù được đặt lên bàn giải giải cứu hồi đầu năm 2020, dự án cũng được doanh nghiệp hoàn thành đền bù giải phóng mặt bằng theo yêu cầu của UBND TP, Sở KTĐT, Sở Xây dựng đưa ra, thế nhưng dự án đến nay vẫn chỉ ở bước gửi Bộ KH&ĐT có ý kiến.
Thậm chí, với trường hợp của Tập đoàn Novaland có phần "thảm" hơn khi hơn 10 dự án cầu cứu ở TP.HCM thì chỉ có duy nhất 2 dự án được khơi thông, đó là hai dự án đã hoàn thiện và bàn giao nhà từ lâu cho cư dân và giờ TP.HCM khơi thông việc cấp sổ hồng cho cư dân. Còn các dự án "đắp chiếu" thì vẫn chưa có động tĩnh gì cho việc được cấp phép triển khai lại.
Trao đổi với báo chí, ông Vũ Lý Cung, Phó tổng giám đốc Công ty Danh Khôi Việt cho biết, với việc siết chặt nguồn cung và tình trạng dự án bị "tắc" vì thủ tục, nhưng thị trường bất động sản TP HCM vẫn là thị trường lớn nhất cả nước và luôn được các doanh nghiệp quan tâm hàng đầu. "Dù có đầu tư bất cứ đâu, các doanh nghiệp vẫn luôn chờ cơ hội được quay trở lại thị trường TP HCM"- ông Cung cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Các dự án bất động sản của tập đoàn Hà Đô hiện ra sao?
21:54, 29/11/2020
BẤT ĐỘNG SẢN TUẦN TỪ 23 - 28/11: Rối như thủ tục liên ngành trong xây dựng
15:17, 28/11/2020
Loay hoay “giải cứu” nhà tái định cư
11:00, 07/11/2020
[GIẢI CỨU BĐS TP.HCM]: Đề xuất bổ sung doanh nghiệp bất động sản vào diện được hỗ trợ
16:00, 01/04/2020
[GIẢI CỨU BĐS TP.HCM]: Rút ngắn quy trình thực hiện dự án
09:15, 25/02/2020
[GIẢI CỨU BĐS TP.HCM]: "Giảm luật lệ, gom thủ tục, giải quyết gấp"
10:40, 24/02/2020
[GIẢI CỨU BĐS TP.HCM]: Sẽ ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong quý I/2020
17:20, 22/02/2020