Tái diễn đầu tư bất động sản blockchain: Siêu lợi nhuận hay chiêu "lùa gà"?
Dù là xu hướng đầu tư phổ biến trên thế giới nhưng ở Việt Nam hình thức đầu tư bất động sản trên nền tảng công nghệ Blockchain vẫn chưa có hành lang pháp lý để tránh rủi ro cho nhà đầu tư.
>>Blockchain bất động sản: Dễ nhầm lẫn, đánh tráo khái niệm
Thời gian gần đây, trên các diễn đàn, hội nhóm xuất hiện nhiều lời quảng cáo đầu tư bất động sản bằng công nghệ Blockchain của CTCP Tập đoàn Bank Land đã nhận nhiều phản ứng từ dư luận.
Doanh nghiệp này được quảng bá qua một loạt website như Banklandgroup.co, bankland.info, bankland.co và bankland.net.
Đầu tư siêu lợi nhuận?
Ghi nhận thông tin qua các trang này, Bank Land được giới thiệu chỉ mới thành lập từ tháng 12/2021, vốn điều lệ 99 tỷ đồng. Người đại diện pháp luật - Chủ tịch Hội đồng Quản trị là ông Quản Văn Dương (1984) đến từ Thái Bình.
Doanh nghiệp này cũng tự nhận là tập đoàn đa ngành với các lĩnh vực kinh doanh như bất động sản, du lịch, tư vấn thiết kế công trình xây dựng và nội thất, sản phẩm công nghệ, cho đến cả tổ chức sự kiện, xuất nhập khẩu, ngoại tệ và tài chính quốc tế, chuyển đổi công nghệ số cho doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm |
Đáng chú ý, Bank Land tự giới thiệu hiện đã có tới 925 nhân viên chính thức, hơn 3.000 cộng tác viên và đặt ra mục tiêu sẽ trở thành tập đoàn bán lẻ bất động sản lớn nhất Việt Nam, đầu tư vào các dự án quốc tế, xây dựng thương hiệu 10 tỷ USD.
Không những vậy, Bank Land còn mời gọi nhà đầu tư hợp tác đầu tư kinh doanh và phân chia lợi nhuận từ ngày đến tháng, năm. Theo đó, lợi nhuận theo ngày thấp nhất là 0,07%, tính theo năm là 25,2% và cao nhất là 62,05%/năm với gói đầu tư 6 năm.
Để đầu tư, nhà đầu tư chủ cần truy cập vào website bankland.net đăng ký tài khoản giao dịch chỉ với vài thao tác đơn giản. Sau đó có thể nạp tiền vào tài khoản này qua hệ thống ngân hàng hoặc nạp bằng đồng USDT.BEP20 vào địa chỉ ví do Bank Land cung cấp.
Việc đầu tư sẽ được chia theo các gói có mệnh giá từ 10 triệu đồng - 100 tỷ đồng và kỳ hạn 6 tháng, 12 tháng - 72 tháng.
Mặc dù đưa ra mức lợi nhuận không tưởng, thế nhưng quy trình kinh doanh để tạo ra lợi nhuận, các dự án đang thực hiện của doanh nghiệp này lại chưa được tiết lộ.
Blockchain bất động sản hay huy động vốn đa cấp?
Trên thực tế, bất chấp dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, bên cạnh cơn sốt giá nhà đất đang nóng lên trên toàn cầu thì xu hướng mua bán, đầu tư bất động sản ảo trên các nền tảng kỹ thuật số vũ trụ ảo (metaverse) ứng dụng công nghệ blockchain cũng đang nóng lên từng ngày.
Các bất động sản kỹ thuật số được hiểu là các tài sản bất động sản có vị trí, kích thước, không gian được xác định trong một nền tảng thực tế ảo nhất định nơi mà mọi người có thể nhìn thấy, tương tác khi tham gia hóa thân vào các nhân vật trên các nền tảng này thông qua các công cụ hỗ trợ như kính thực tế ảo (VR).
Khi càng có nhiều người tham gia vào các nền tảng thực tế ảo nói trên thì các bất động sản ảo tại các vị trí thường xuyên có người ghé qua cũng sẽ được xác định là các bất động sản “đắc địa” và được định giá cao. Người dùng mua đi bán lại các bất động sản ảo đó qua các NFT (Non-Fungible Token) - một dạng tiền điện tử.
Tại Việt Nam, những năm qua đã có một số ứng dụng lại ra đời với mục đích nhằm cung cấp dịch vụ mua chung bất động sản, trong đó có thể kể đến các ứng dụng như Moonka, RealStake... các ứng dụng này cũng được giới thiệu là blockchain bất động sản, dẫn đầu xu hướng mới.
Theo đó, bất động sản cũng được chia thành nhiều phần nhỏ, mỗi cá nhân có thể mua 1 hay nhiều phần, sau đó bán lại cho người khác, hoặc khi bất động sản đó được bán đi, chia phần trăm lợi nhuận cho các nhà đầu tư. Song, hình thức kinh doanh bất động sản này đã gây ra nhiều băn khoăn, nghi vấn và cho rằng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Anh Đỗ Vĩnh An - một chuyên viên kinh doanh bất động sản cho rằng, Blockchain hiện tại áp dụng cho tài sản kỹ thuật số rất tốt nhưng có một số điểm áp dụng vào bất động sản hiện tại chưa thật sự hấp dẫn.
Thứ nhất, khi mua một token doanh nghiệp bất động sản Việt tự phát triển phải có niềm tin vào doanh nghiệp này vì không có khung pháp lý bảo vệ người mua. Bất động sản nhà nước quản lý bằng sổ hồng, doanh nghiệp lấy tiền người tham gia mua về cất tủ. Sổ vẫn đứng tên doanh nghiệp, không có một phương án cụ thể nào để niêm phong tài sản đó bảo đảm nó không bị bán hay cắm vào ngân hàng. Đây là một dạng tài sản mạo hiểm dựa hoàn toàn vào niềm tin.
Thứ hai, nếu mua token bất động sản lợi nhuận cao, giả sử có thể lên tới 100%/năm, thì việc cạnh tranh với cả tiền ảo (crypto) cũng rất khó bởi nhiều đồng crypto bây giờ dễ dàng đạt mức lợi nhuận này.
"Cái gì mới sơ khai nếu thấy hứng thú, nếu có ít tiền mạo hiểm có thể bỏ vào chơi cho vui, nhưng nếu đầu tư vốn lớn vào thì quá mạo hiểm" - Anh An cho biết.
Ở góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Lộc - Chủ tịch Công ty luật LP Group đưa ra nhận định, đây là đầu tư tài chính với cách thức như một quỹ đầu tư tín thác hoặc ủy thác đầu tư theo nhóm, nhưng yếu tố mới là ứng dụng công nghệ do các nền tảng tạo ra.
Quyền sở hữu pháp lý về bất động sản tại Việt Nam là quyền sử dụng theo quy định của Luật Đất đai và Hiến pháp, Nhà nước vẫn là chủ thể trong quan hệ sở hữu. Nếu một ngày xấu trời, nền tảng thông báo “sản phẩm bạn vừa đầu tư trên nền tảng chúng tôi đang có tranh chấp không thể giao dịch” hay “đã bị Nhà nước thu hồi theo Quyết định …” thì quyền sở hữu tài sản có được đảm bảo hay không rất dễ trả lời.
"Thông thường khi đó nền tảng sẽ đổi tài sản cho bạn hoặc bạn có quyền bán token để thoát ra khỏi khoản đầu tư. Với điều kiện bất khả kháng như vậy, nhà đầu tư chỉ nắm “đằng lưỡi”. Và nhà đầu tư vào tài sản số (digital asset) khi hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, thì chỉ là đang đầu tư bằng niềm tin" - Luật sư Lộc phân tích.
KỲ II: Thận trọng trước loại hình kinh doanh BĐS mới
Có thể bạn quan tâm
Giới đầu tư nói gì về "Blockchain bất động sản" nở rộ gần đây?
15:00, 16/09/2021
Blockchain bất động sản: Dễ nhầm lẫn, đánh tráo khái niệm
17:00, 13/09/2021
Khó kiểm soát rủi ro mua chung bất động sản
03:00, 20/12/2021
Rủi ro từ mua chung bất động sản
13:00, 12/09/2021
[eMagazine] Rủi ro từ mua chung bất động sản
04:00, 04/09/2021