Kiến nghị sớm thông qua dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) trong 2 kỳ họp
Bộ trưởng Bộ Công an kiến nghị sớm thông qua luật này trong 2 kỳ họp theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 của Quốc hội.
Sáng nay (19/11), phát biểu giải trình về dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, Dự án luật có nhiều quy định tiến bộ đảm bảo quyền công dân, nếu được áp dụng sớm, càng được thực hiện tốt thì càng đảm bảo đúng quy định.
Thảo luận về dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), nhiều đại biểu đã bày tỏ sự đồng tình, thống nhất cao với hầu hết các nội dung được nêu ra trong Dự thảo luật, đồng thời cho ý kiến về hệ thống hình phạt, mô hình cơ quan thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại, quyền của phạm nhân…
Sau khi lắng nghe ý kiến thảo luận của ĐB, phát biểu giải trình làm rõ những ý kiến của các đại biểu, Thượng tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, Điều 27 trong dự thảo luật quy định 10 nhóm quyền của phạm nhân, trong đó có 1 nhóm quyền quy định mang tính nguyên tắc.
Về quyền của phạm nhân, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, để cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp năm 2013, tôn trọng, đảm bảo quyền con người, quyền công dân, đảm bảo tính tương thích với các điều ước quốc tế, phù hợp với khả năng quản lý, thi hành của các cơ quan quản lý thi hành án hình sự, điều kiện kinh tế xã hội, khả năng đáp ứng của nhà nước, Dự thảo luật đã bổ sung Điều 27.
Điều 27 trong dự thảo luật quy định: “Phạm nhân được hưởng các quyền khác của công dân nếu không bị hạn chế bởi Luật này và luật khác có liên quan trừ trường hợp các quyền đó không thể thực hiện do họ đang chấp hành án tại trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ”.
Cũng theo Bộ trưởng Tô Lâm, Điều 27 trong dự thảo luật quy định 10 nhóm quyền của phạm nhân, trong đó có 1 nhóm quyền quy định mang tính nguyên tắc.
“Trong từng điều luật cụ thể của dự thảo luật đã chỉnh lý quy định có liên quan để phù hợp với các quy định tại Điều 27 của dự thảo luật này”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về mô hình, tổ chức cơ quan thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, dự thảo luật quy định theo hướng cơ quan thi hành án hình sự cấp tỉnh là cơ quan chủ trì có trách nhiệm theo dõi chung; cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại trong chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm trực tiếp thi hành hình phạt, biện pháp tư pháp đối với các pháp nhân thương mại và giám sát việc thi hành các hình phạt và các biện pháp tư pháp đó, báo cáo kết quả với cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, mô hình này được quy định xuất phát từ 2 lý do. Thứ nhất, các hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại quy định tại BLHS 2015 sửa đổi với 33 tội danh liên quan tới công tác quản lý Nhà nước của nhiều bộ, ngành khác nhau như: Bộ KHĐT, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ LĐTBXH…
Thứ hai, hệ thống hình phạt, biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại được quy định trong BLHS 2015 sửa đổi rất đa dạng, với nhiều hình phạt, biện pháp tư pháp khác nhau.
“Với nhiều chủ thể quản lý, hình phạt đa dạng như trên, việc quy định mô hình, tổ chức cơ quan thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại trong dự án luật là phù hợp, đảm bảo tính khả thi trong thực hiện, thi hành” – Bộ trưởng Tô Lâm nhận định.
Về thời gian thông qua dự án luật, theo Bộ trưởng, Luật Thi hành án hình sự được sửa đổi một cách cơ bản, toàn diện nhằm cụ thể hoá các quy định liên quan tới quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013 và khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Luật Thi hành án hình sự năm 2010 và đặc biệt phải đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các đạo luật tư pháp đã được ban hành.
BLHS 2015 sửa đổi, Bộ luật TTHS 2013 đã có hiệu lực thi hành từ 1-1-2018. Nếu dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) không được thông qua sớm thì một số quy định trong các đạo luật kể trên không được thực hiện, cụ thể như việc thi hành án hình sự với pháp nhân thương mại, việc tha tù trước thời hạn có điều kiện, việc thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ, việc thực hiện án treo...
Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Công an kiến nghị sớm thông qua luật này trong 2 kỳ họp theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 của Quốc hội. “Dự án luật có nhiều quy định tiến bộ đảm bảo quyền công dân, nếu được áp dụng sớm, càng được thực hiện tốt thì càng đảm bảo đúng quy định” – Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Về một số ý kiến khác, cơ quan chủ trì soạn thảo xin ghi nhận, phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu.
Có thể bạn quan tâm
Luật Thi hành án hình sự: Cần đối xử bình đẳng, tôn trọng phạm nhân
05:59, 19/11/2018
Sửa đổi các quy định của Luật Thi hành án hình sự: Cụ thể hóa quyền con người, quyền công dân
16:39, 07/11/2018
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự… tạo nhiều cách hiểu
11:30, 07/09/2018
Tù tại gia - kiểm soát cách nào?
11:52, 14/11/2018