Sáng nay (19/11), Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).
Bên hành lang Quốc hội, ĐB Nguyễn Văn Hòa (Đồng Tháp) đã có ý kiến về một số nội dung trong dự án Luật này.
Theo ĐB Hoà, mục đích của việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự là nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc thực hiện nghiêm minh bản án, quyết định của Tòa án, tính thống nhất của chính sách hình sự; kết hợp trừng trị và giáo dục cải tạo người phạm tội, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của tổ chức, cá nhân.
Trước đó, nhiều ý kiến cho rằng, đây là dự án Luật rất quan trọng nhằm bảo đảm thực thi Hiến pháp, BLHS, BLTTHS và các đạo luật khác về tư pháp. Đây cũng là dự án có tính chất rất phức tạp, phạm vi điều chỉnh rộng, không chỉ phải đáp ứng yêu cầu cụ thể hóa quyền, nghĩa vụ của các chủ thể mà còn phải quy định chi tiết trình tự, thủ tục thi hành từng loại hình phạt. Vì vậy, việc xây dựng dự án Luật cần hết sức thận trọng; bảo đảm được tính khả thi, sự thống nhất trong hệ thống pháp luật nói chung, đặc biệt phải đáp ứng được yêu cầu triển khai thi hành ngay và bảo đảm thống nhất trong áp dụng.
Trong số nhiều ý kiến góp ý, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đã đề nghị dự Luật cần có các quy định cụ thể hơn về vấn đề bình đẳng giới, chế độ đối với phạm nhân nữ; những quy định ứng xử nhân đạo đối với phạm nhân; chế độ chăm sóc y tế đối với phạm nhân;...
Bà Nguyễn Thúy Anh cũng đề nghị, đối với vấn đề về sử dụng kết quả lao động của phạm nhân, nên bổ sung thêm quy định chi một phần thu nhập để phạm nhân gửi về cho gia đình, qua đó tạo động lực cho phạm nhân lao động, cải tạo và gia đình phạm nhân có một khoản tiền trang trải cho cuộc sống.
Trước ý kiến này, ĐB Phạm Văn Hòa cho rằng tiền lao động của phạm nhân, do họ làm ra thì cá nhân họ được hưởng và có quyền quyết định, nên việc họ gửi về gia đình hay không là thuộc quyền cá nhân của họ, không nên đưa vào luật một cách cứng nhắc.
“Nếu cần thiết chỉ nên động viên chứ không nên đưa vào luật vì điều đó thuộc về quyền sở hữu riêng tư của cá nhân”, ĐB Hòa nói.
Góp ý về quyền chăm sóc cá nhân đối với các phạm nhân trong tù, ĐB Hòa cũng cho rằng phạm nhân cũng là một con người. Trong Luật cũng đã có quy định rõ rất rõ ràng và cụ thể.
Chúng ta đã rất nhân văn trong việc tổ chức thi hành án hình sự đối với phạm nhân, phạm nhân có quyền được chăm sóc y tế, quyền được bảo vệ sức khỏe, quyền được bảo vệ thân nhân, quyền bảo vệ phát ngôn,… thậm chí họ có quyền thuê luật sư và thuê cơ quan bảo vệ pháp luật.
“Có thể nói khi phạm tội người ta chỉ mất quyền tiếp xúc ở ngoài xã hội, còn lại những quyền mà luật pháp cho phép thì sẽ bất khả xâm phạm,” ĐB Hòa góp ý.
Cũng theo ĐB Hòa, chúng ta cần có sự tôn trọng phạm nhân bởi trong số họ có những phạm nhân phạm tội do chủ quan hoặc phạm tội do khách quan đưa tới. ĐB Hòa lấy ví dụ về tội vô tình gây tai nạn giao thông, làm chết người hoặc cũng có thể trong một phút nông nổi gây tai nạn nhưng đó là những tình tiết khách quan gây nên khiến phạm nhân vi phạm pháp luật.
“Khi họ đã vào tù họ cảm thấy rất ăn năn hối cải nên việc đưa quy định ứng xử nhân đạo đối với phạm nhân vào Luật thi hành án hình sự cũng rất phù hợp”, ĐB đoàn Đồng Tháp bày tỏ.
Ngoài ra, ĐB Hòa cũng đồng tình trong việc đối xử bình đẳng với phạm nhân. ĐB cho rằng, chúng ta cần phải tôn trọng chứ không được tỏ thái độ, xua đuổi hoặc xa lánh họ. Chúng ta cần có sự gần gũi động viên, thuyết phục để họ phấn đấu được ân hạn trước hạn tù hoặc khi mãn hạn tù họ sẽ trở thành công dân tốt.
“Nếu cán bộ quản lý trại có trách nhiệm cao hơn nữa thì những phạm nhân sau khi mãn hạn tù họ sẽ có cơ hội trở thành công dân tốt nhiều hơn. Đó là điều rất quan trọng”, ĐB Hòa nói.
Có thể bạn quan tâm
16:39, 07/11/2018
11:30, 07/09/2018
11:52, 14/11/2018
05:47, 13/11/2018
15:06, 07/11/2018