[12 dự án thua lỗ] Bài 11: DAP 2 – Lào Cai “thắt lưng buộc bụng” vượt khó
Mặc dù hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, song DAP 2 - Lào đã nỗ lực hết mình để hoàn thành các mục tiêu kinh doanh.
Phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương gần đây, ông Trần Quốc Khánh -Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, trong năm 2018 DAP 2 –Lào Cai đã giảm lỗ được 288 tỷ đồng, 2 tháng đầu năm 2019, DAP Lào Cai giảm lỗ được 10 tỷ đồng, tiết kiệm được gần 50 tỷ đồng.
“Buộc bụng” để thoát lỗ
Để làm được điều này, lãnh đạo DAP số 2 – Lào Cai từng chia sẻ, toàn công ty đã phải “thắt lưng buộc bụng toàn diện” trong quản lý chi phí sản xuất, tiền lương, sửa chữa bảo dưỡng thiết bị, tiêu hao vật tư. Để tiết kiệm chi phí, ngoài việc giám sát chặt chẽ chất lượng nguyên nhiên liệu đầu vào, công ty còn tận dụng, thu hồi tối đa tái sử dụng nước róc từ bãi thạch cao để giảm tiêu hao quặng apatit và nước sản xuất.
Có thể bạn quan tâm
[12 dự án thua lỗ] Bài 10: DAP 1 - Hải Phòng tự tin bước ra khỏi “danh sách đen”
13:50, 13/04/2019
[12 dự án thua lỗ] Bài 9: DQS ”mắc cạn” với tàu 104.000 DWT
16:00, 12/04/2019
[12 dự án thua lỗ] Bài 8: Thép Việt - Trung xin ở lại “danh sách thua lỗ”
11:30, 11/04/2019
[12 dự án thua lỗ] Bài 7: Đạm Hà Bắc trước áp lực tái cơ cấu khoản vay
06:24, 10/04/2019
[12 dự án thua lỗ] Bài 6: Hai “kịch bản” cho Ethanol Dung Quất
04:06, 09/04/2019
[12 dự án thua lỗ] Bài 5: Nên cho Ethanol Phú Thọ được phá sản!
11:30, 08/04/2019
[12 dự án thua lỗ] Bài 4: Đạm Ninh Bình có thể khởi kiện
07:30, 07/04/2019
[12 dự án thua lỗ] Bài 3: Để tư nhân “đấu” với MCC tại “đấu trường” Tisco?
06:00, 06/04/2019
[12 dự án thua lỗ] Bài 2: PVTex hồi phục nhờ dứt điểm tranh chấp EPC
11:30, 05/04/2019
[12 dự án thua lỗ] Bài 1: Phải xử lý dứt điểm Nhà máy Bột giấy Phương Nam
13:31, 04/04/2019
“Công ty cũng thực hiện kiện toàn, sắp xếp tinh gọn lại tổ chức để nâng cao năng suất lao động. Bên cạnh đó, công ty cũng cho thực hiện chế độ làm việc 2ca/3 kíp trong điều kiện thiếu lao động để đáp ứng sản xuất, tăng thu nhập, không tăng quỹ lương”, lãnh đạo DAP 2 cho biết.
Dù nỗ lực nhưng gánh nặng tài chính, thua lỗ từ thời kỳ trước vẫn khiến DAP Lào Cai gặp nhiều khó khăn. Do đó, để cùng gỡ khó với DAP Lào Cai, lãnh đạo nhà máy cho rằng đối với 2 khoản vay cho đầu tư dự án, đề nghị Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo Vietinbank và Ngân hàng Phát triển Việt Nam điều chỉnh giảm lãi suất từ 9,5% - 9,6%/năm hiện nay xuống mức ưu đãi nhất. Công ty cũng xin giãn thời gian trả nợ từ 10 năm lên 20 năm đồng thời được khoanh nợ tiền gốc và tiền lãi được trả dần từ năm 2019. Có như vậy công ty mới có thêm nguồn lực để tiếp tục vượt qua khó khan.
Lãnh đạo DAP Lào Cai cho biết, từ cuối năm 2015 đến đầu năm 2017 là quãng thời gian khó khăn nhất của thị trường phân bón. Giá bán DAP trên thị trường trong nước giảm từ 20 - 25%, giá thế giới giảm từ 21 - 28% đã tác động không nhỏ đến sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm sản xuất trong nước. Quyết định áp thuế tự vệ phân bón DAP- MAP của Bộ Công Thương đã phần nào gỡ khó cho doanh nghiệp trước áp lực từ phân bón nhập khẩu, đồng thời cũng tạo cơ hội cho sản phẩm DAP của công ty lấy lại thị phần tiêu thụ.
Nhờ đó, công ty đã từng bước thoát lỗ, sản xuất, kinh doanh ngày càng phát triển. Sản xuất, kinh doanh đã có những tín hiệu khởi sắc, giá bán những tháng cuối năm 2017 đã cao hơn chi phí biến đổi, chi trả được một phần lãi vay cố định phát sinh trong năm, dòng tiền cơ bản đảm bảo chi trả đủ chi phí nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.
Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, lãnh đạo công ty nhận định, ngoài việc không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao dịch vụ chăm sóc khách hàng, các chính sách thúc đẩy tiêu thụ... còn cần đa dạng hóa sản phẩm. Chính vì vậy, ngoài sản phẩm DAP với 3 màu sắc là vàng, đen và nâu café đang sản xuất, tiêu thụ trên thị trường, cuối năm 2017, công ty đã sản xuất thành công sản phẩm DAP màu xanh ngọc.
Bước đầu đưa ra thị trường, sản phẩm đã được người tiêu dùng chấp nhận sử dụng. Tuy thị trường còn khó khăn nhưng với việc có thêm mặt hàng mới là DAP màu xanh ngọc đã khiến khối lượng tiêu thụ của công ty tăng đáng kể. Lãnh đạo công ty cho biết, kể từ khi mới được đưa ra thị trường, sản phẩm DAP màu xanh ngọc là mặt hàng chiếm thị phần lớn trong cơ cấu tiêu thụ DAP của công ty. Bên cạnh đó DAP Lào Cai cũng đã làm việc với các đối tác nước ngoài, các đơn vị xuất khẩu trong nước, xuất khẩu thành công sang các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Myanmar, Indonesia, Ấn Độ, Campuchia… với sự đánh giá rất tốt từ phía các khách hàng.
Đánh giá về DAP Lào Cai, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, cho rằng, việc DAP Lào Cai nỗ lực giảm lỗ được 288 tỷ đồng dù gặp sự cố đập bờ bao hồ chứa chất thải rắn của Nhà máy DAP số 2 Lào Cai (ở KCN Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, Lào Cai) bị vỡ là điều rất đáng ghi nhận.
DAP 2 đã 2 lần thanh tra, 1 lần kiểm toán
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, kể từ khi thực hiện, Dự án đã được thanh tra 2 lần (Thanh tra Bộ Xây dựng và Thanh tra Bộ Công Thương); kiểm toán 1 lần (Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành V thực hiện). Cụ thể, có một số vi phạm, khuyết điểm trong công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự án; công tác lập, thẩm định và phê duyệt tổng mức đầu tư, tổng mức đầu tư điều chỉnh; công tác lập và quản lý chi phí quản lý dự án; công tác lập phê duyệt kế hoạch đấu thầu; công tác lựa chọn và quản lý nhà thầu tư vấn quản lý dự án; công tác thương thảo, ký kết hợp đồng và thực hiện hợp đồng; công tác quản lý chất lượng, tiến độ, nghiệm thu thanh toán; bảo hành công trình; quyết toán dự án.
Công tác quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty cổ phần DAP số 2 – Lào Cai còn vi phạm, khuyết điểm. Việc kiểm tra, giám sát thiếu chặt chẽ trong công tác bán hàng, xác định giá bán, thực hiện các hợp đồng bán hàng; công tác quản lý, mua sắm vật tư đầu vào, xác định vật tư tiêu hao, quản trị sản xuất, quản lý tài sản, thành phẩm, vật tư, công nợ và công tác hạch toán kế toán chưa chính xác, đầy đủ… dẫn đến tăng chi phí, tăng giá thành và chênh lệch số liệu của các bộ phận theo dõi. Đây là trách nhiệm của Hội đồng quản trị, Ban giám đốc, Trưởng các phòng ban, Giám đốc các Xưởng của Công ty cổ phần DAP số 2 – Lào Cai, đặc biệt là trách nhiệm của Tổng giám đốc Công ty trong điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh.
Những sai phạm, khuyết điểm về thực hiện Hợp đồng EPC1: Một số thiết bị có thay đổi về công suất, thông số kỹ thuật, xuất xứ; Trong quá trình thực hiện Hợp đồng, có sự thay đổi về công suất, thông số kỹ thuật, xuất xứ; bổ sung thay thế thiết bị so với hợp đồng đã ký kết.
Đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, lượng bã thải gyps tạo ra so với lượng apatit sử dụng giữa các năm được thống kê có sự không thống nhất về tỷ lệ tiêu hao, có dấu hiệu thất thoát vật tư, nguyên liệu. Theo báo cáo của Công ty, qua rà soát, kiểm tra việc tăng bất thường tiêu hao quặng trong sản xuất cho thấy còn khoảng 2.000 tấn Apatit chênh lệch chưa xác định được nguyên nhân. Vụ việc nêu trên đã được Công ty đề nghị Cơ quan điều tra Công an tỉnh Lào Cai để làm rõ.
Vinachem với trách nhiệm là cổ đông chính tại Công ty phần DAP số 2 – Lào Cai đã không kịp thời xử lý các phát sinh, thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra những sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng và quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh tại Công ty; Suất đầu tư lớn, tiến độ thi công công trình chậm; chất lượng sản phẩm đầu ra giảm từ DAP 64% xuống DAP 61%; thay đổi về thiết bị, máy móc. Đến nay, Công ty đang triển khai thực hiện khắc phục các thiếu sót, khuyết điểm theo kết luận của các cơ quan Thanh tra và đã thực hiện và báo cáo Bộ Công Thương kết quả kiểm điểm tập thể, cá nhân có liên quan.
Về công tác kiểm toán, năm 2016, Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành V đã tiến hành Kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai và đã có thông báo kết luận tại Văn bản số 476/KTNN - TH ngày 27/10/2016, với một số kết luận. Trong đầu tư xây dựng, sử dụng vốn đầu tư Dự án còn có những sai sót; cần chấn chỉnh và rút kinh nghiệm về những tồn tại, sai sót trong công tác lập, phê duyệt, điều chỉnh tổng mức đầu tư, trong công tác lựa chọn nhà thầu, quản lý tiến độ, nghiệm thu thanh toán.
Một số tồn tại trong công tác lựa chọn nhà thầu, tiến độ thực hiện dự án, quản lý chất lượng công trình quản lý chi phí đầu tư… thuộc về Công ty, Tư vấn giám sát PMC, Nhà thầu EPC1, Tổ chuyên gia đấu thầu, Tổng Giám đốc, Hội đồng quản trị Công ty… Gói thầu số 3 EPC1 lập thời gian đấu thầu trong hồ sơ mời thầu không tuân thủ kế hoạch đấu thầu đã phê duyệt, hồ sơ mời thầu phải điều chỉnh 4 lần làm kéo dài thời gian đấu thầu, quá trình thương thảo giảm giá hợp đồng Chủ đầu tư đã hạ thấp yêu cầu kỹ thuật, xuất xử, chất lượng một số thiết bị.