Doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đang tạo đà để tăng tốc
Phục hồi ở thời điểm hậu COVID-19, doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam dự báo sẽ liên tiếp đón nhận nhiều tin vui về xuất khẩu.
Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), doanh nghiệp thủy sản của Việt Nam mặc dù chịu thiệt hại lớn từ COVID-19. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng giảm dần, từ tháng 5 trở đi doanh thu của các công ty thuỷ sản đã nhích dần khi số lượng đơn hàng tăng ồ ạt.
Tín hiệu khả quan
Đây là tin vui đáng mừng cho các doanh nghiệp xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam, khi các nước cũng trong giai đoạn kích cầu phục hồi nền kinh tế. Theo đó, sản lượng xuất khẩu thuỷ sản trong tháng 4 của Việt Nam, đạt 150.000 tấn, trị giá 600 triệu USD, tăng 1% về lượng, nhưng giảm 5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Tính từ tháng 1-4/2020, xuất khẩu thủy sản đạt 553.100 tấn, trị giá 2,215 tỷ USD, giảm 3,4% về lượng và giảm 8,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Dự báo, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ tiếp tục dần hồi phục và tăng tốc từ quý II/2020.
Thông báo về kết quả kinh doanh tháng 4, Công ty Thực phẩm Sao Ta thông báo đã chế biến được 1.196 tấn tôm đông lạnh thành phẩm trong tháng 4, tăng 10% và sản lượng tiêu thụ đạt 990 tấn, tăng 7%. Doanh số chung là 11,2 triệu USD, tăng 15% so với tháng 4/2019. Trong đó EU là một trong các thị trường chủ lực của FMC với tỷ trọng khoảng 30%.
Đại diện Sao Ta cho biết, ngoài nỗ lực bứt phá để bật dậy sau dịch, doanh nghiệp đang chuẩn bị nguồn hàng đảm bảo chất lượng và tâm thế để đón nhận lợi ích từ EVFTA sẽ có hiệu lực trong thời gian tới.
"Cửa mở sau EVFTA, nhưng bên trong lại có nhiều rào cản. EU đòi hỏi thuỷ sản cũng như các mặt hàng khác bán vào đây phải đạt những chuẩn mực của họ. Chẳng hạn như tôm nuôi phải có chứng nhận quốc tế. Từ đó, Sao Ta đã mở rộng vùng nuôi của mình đạt chuẩn ASC. Cụ thể ngay trong năm 2020, Sao Ta đã tăng thêm khoảng 90 hecta nuôi tôm" - Đại diện Sao Ta nói.
Đối với Thủy sản Nam Việt (Navico) dù ảnh hưởng của dịch COVID-19. Nhưng Navico cũng dần hồi phục và có mức tăng mạnh nhất sản lượng xuất khẩu ở Đông Nam Á, tháng tư doanh thu Navico có mức tăng 16% so với cùng kỳ. Tình từ tháng 1- 4/2020, tổng kim ngạch xuất khẩu của Navico giảm 19,7% so với cùng kỳ, đạt 28,5 triệu USD. Hiện nay Navico đang lên kế hoạch bứt phá và xuất khẩu mạnh sản phẩm cá tra vào thị trường Châu Âu.
Tăng trưởng mạnh hơn đối với các doanh nghiệp khác, Camimex Group cập nhật kết quả xuất khẩu tháng 4 với sản lượng đạt hơn 396,3 tấn, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh số theo đó đạt hơn 6,5 triệu USD, tăng 86% so với cùng kỳ, trong đó thị trường lớn nhất là châu Âu chiếm tỷ trọng trên 70%. Đại diện doanh nghiệp cho biết đây là mức doanh số tháng cao nhất trong vòng 7 năm qua. Theo các hợp đồng đã ký và lượng hàng đã có trong kho, doanh số xuất khẩu trong tháng 5 - 6 cũng sẽ ở mức 7-8 triệu USD/tháng, tăng 60-70% nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt.
Cơ hội lớn
Trước những tín hiệu tích cực trên, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, diễn biến COVID-19 còn rất phức tạp tại các nước trên thế giới, do vậy, trong vài tháng tới, tình hình xuất khẩu chắc chắn tiếp tục bị tác động nên các doanh nghiệp cần chuẩn bị chiến lược lâu dài.
Doanh nghiệp có thể rơi vào tình trạng bị sụt giảm, do đơn hàng chưa nhiều, vận tải hàng hóa khó khăn, nhất là thị trường EU sẽ chưa thể hồi phục khiến doanh thu ngành xuất nhập khẩu thuỷ sản biến động không đáng kể.
Trong khi đó mới đây, Thương vụ Việt Nam tại Úc cho biết Bộ Nông nghiệp, nguồn nước và Môi trường Úc vừa ban hành các điều kiện nhập khẩu mới đối với tôm và các sản phẩm từ tôm chưa được làm chín của Việt Nam nhập khẩu vào Úc, phải được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận đã qua khâu sơ chế loại bỏ chỉ tôm (bộ phận tiêu hóa của tôm) ít nhất là tới đoạn vỏ tôm cuối cùng. Các sản phẩm này sẽ tiếp tục được kiểm tra dấu niêm phong toàn bộ 100% các lô hàng khi làm thủ tục thông quan tại Úc, điều kiện áp dụng từ ngày 1/7 tới.
Đại diện Hiệp hội VASEP nhận định, quy định này sẽ ảnh hưởng nhiều đối với các doanh nghiệp bán hàng sang thị trường này.
Tuy nhiên, lãnh đạo Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cho rằng: "Úc đưa ra quy định chặt chẽ như vậy là họ thực hiện quy ước nhằm bảo vệ nguồn tôm nuôi của họ. Chúng ta phải tuân thủ thôi. Từ nay, trong chế biến, việc rút chỉ lưng tôm phải hết sức chăm chút, kỹ lưỡng nhằm không để hệ tiêu hoá tôm còn sót trên tôm tươi bán vào Úc. Bởi nội tạng còn sót có thể có chứa vi khuẩn gây bệnh tôm dẫn đến ảnh hưởng sức khoẻ người tiêu dùng..."
Vượt qua bài toán về hàng rào kỹ thuật, nhằm đánh giá về tình hình xuất khẩu trong thời gian tới. Đại diện các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản khẳng định, thời cơ cho ngành thuỷ sản đang tới gần khi dịch bệnh đang được kiểm soát tốt tại các nước. Đồng thời Hiệp định thương mại EVFTA dự định được thông qua vào tháng 7 tới sẽ đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Cụ thể: Gần 50% số dòng thuế đang có thuế suất cơ sở 0-22%, trong đó phần lớn thuế cao từ 6-22%, sẽ được giảm về 0% (khoảng 840 dòng thuế). Khoảng 50% số dòng thuế còn lại có thuế suất cơ sở 5,5-26% sẽ được về 0% sau từ 3 đến 7 năm. Riêng cá ngừ đóng hộp và cá viên, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan lần lượt là 11.500 tấn và 500 tấn. Ngoài ra, hầu hết các sản phẩm mực, bạch tuộc đông lạnh đang có mức thuế cơ bản 6-8% sẽ được giảm ngay về 0%, các sản phẩm khác như surimi được giảm từ 14,2% về 0%, cá cờ kiếm từ 7,5% về 0%.
Đối với sản phẩm tôm, tôm sú đông lạnh (HS 03061792) được giảm thuế từ mức cơ bản 20% xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Các sản phẩm tôm khác theo lộ trình 3-5 năm, riêng tôm chế biến lộ trình giảm thuế 7 năm. Đối với sản phẩm cá tra lộ trình giảm thuế 3 năm, riêng cá hun khói lộ trình 7 năm. Sản phẩm cá ngừ đông lạnh được giảm thuế về 0% ngay, trừ thăn cá ngừ đông lạnh (loin) cần lộ trình 7 năm và sản phẩm cá ngừ hộp có hạn ngạch hưởng thuế 0% là 11.500 tấn.
Có thể bạn quan tâm
VASEP kiến nghị Chính phủ khôi phục hoặc tái lập Quỹ Phát triển thị trường thủy sản
16:33, 26/05/2020
COVID-19 tạo ra những xu hướng mới đối với chuỗi cung ứng thủy sản
11:30, 05/05/2020
Cổ phiếu thuỷ sản nào sẽ bật tăng hậu dịch COVID-19?
04:00, 04/05/2020
Thủy sản ĐBSCL mùa COVID-19 (Kỳ II): Gỡ khó cho doanh nghiệp
03:05, 03/05/2020
Bất chấp COVID-19, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất của xuất khẩu nông lâm thuỷ sản
15:10, 27/04/2020
[NGÀNH THỦY SẢN VƯỢT “BÃO” COVID-19] Ngân hàng cần “nới lỏng” các khoản vay
04:58, 26/04/2020
Thủy sản ĐBSCL mùa COVID-19 (Kỳ 1): Thị trường có dấu hiệu hồi phục
04:13, 25/04/2020
Giấc mơ xa vời của Thủy sản Minh Phú?
11:00, 21/04/2020