[NGÀNH THỦY SẢN VƯỢT “BÃO” COVID-19] Ngân hàng cần “nới lỏng” các khoản vay

Nguyễn Việt 26/04/2020 04:58

Mặc dù gặp nhiều khó khăn ở hầu hết các thị trường, nhưng doanh nghiệp vẫn cố gắng thu mua nguyên liệu cho hàng vạn hộ nuôi tôm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Phú chia sẻ về những khó khăn của các doanh nghiệp ngành thủy sản trước dịch COVID-19, nhưng vẫn đang thu mua nguyên liệu tôm từ các hộ nuôi nhằm duy trì việc làm cho người lao động.

các doanh nghiệp cho rằng, hiện có quá nhiều loại phí “đè” lên doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp thủy sản cho rằng, hiện có quá nhiều loại phí “đè” lên doanh nghiệp.

Theo ông Quang, nhiều doanh nghiệp xoay xở tìm cách phân chia lại lịch làm việc cho phù hợp, đào tạo tay nghề cho người lao động để có thể làm nhiều mặt hàng khác nhau với hy vọng dịch bệnh sớm được khống chế và sức mua của thị trường nhanh chóng hồi phục.

Chủ động “xoay xở”

Trong lúc khó khăn về thị trường, doanh nghiệp lại phải gánh nhiều loại chi phí phát sinh như thay đổi hành trình của tàu, thay đổi cảng đến, lưu container tại cảng... Đồng thời, phải chi thêm các sản phẩm phòng chống dịch như khẩu trang y tế, nhiệt kế, dung dịch sát khuẩn... Trong khi nguồn vốn của doanh nghiệp đang bị “chôn” trong hàng lưu kho thì những chi phí phát sinh đang chất thêm khó khăn lên doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm

  • Thủy sản ĐBSCL mùa COVID-19 (Kỳ 1): Thị trường có dấu hiệu hồi phục

    Thủy sản ĐBSCL mùa COVID-19 (Kỳ 1): Thị trường có dấu hiệu hồi phục

    04:13, 25/04/2020

  • “Liều vắc xin” nào cho thủy sản Quảng Ninh?

    “Liều vắc xin” nào cho thủy sản Quảng Ninh?

    07:45, 16/04/2020

  • VASEP kiến nghị đưa doanh nghiệp thủy sản vào nhóm gia hạn thuế 180.000 tỷ đồng

    VASEP kiến nghị đưa doanh nghiệp thủy sản vào nhóm gia hạn thuế 180.000 tỷ đồng

    15:30, 08/04/2020

  • [COVID-19] Ngành thuỷ sản: Sụt giảm tới 50% đơn hàng

    [COVID-19] Ngành thuỷ sản: Sụt giảm tới 50% đơn hàng

    00:30, 24/03/2020

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho biết, hiện giá tôm, cá tra nguyên liệu đều giảm vì người nuôi sợ rớt giá nên thu hoạch sớm. Một số doanh nghiệp tạm ngừng mua nguyên liệu vì đơn hàng bị hoãn, hủy và không có đơn hàng mới trong khi kho lạnh để trữ hàng đã đầy. Nếu người nuôi hạn chế hoặc bỏ ao vì không trụ được ở giai đoạn này có thể dẫn đến thiếu nguyên liệu vào cuối năm - khi dịch bệnh hết, nhu cầu tiêu dùng tăng lại.

Những tháng tới, tình hình xuất khẩu tiếp tục chịu tác động xấu. Doanh nghiệp chưa thể thoát khỏi tình trạng bị sụt giảm, hoãn hoặc hủy đơn hàng, vận tải hàng hóa khó khăn. Nếu việc này kéo dài thì sẽ có nhiều doanh nghiệp, nhất là những đơn vị nhỏ không thể trụ vững vì thiếu vốn để duy trì, quay vòng kinh doanh.

Đứng trước khó khăn về xuất khẩu do dịch COVID-19, công ty cổ phần Nam Việt (Navico) với cá tra là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đã có những bước chuyển đổi thị trường khá mạnh trong 2 tháng đầu năm. Trong tháng 2 khi dịch bệnh hoành hành tại Trung Quốc, Navico nhanh chóng chuyển trọng tâm sang khu vực EU và ASEAN để hạn chế tác động. Kết quả kim ngạch xuất khẩu tháng 2 tăng 21% so với cùng kỳ, doanh thu từ Trung Quốc giảm mạnh nhưng thị trường EU và ASEAN tăng trưởng lần lượt 55% và 101% so với cùng kỳ.

Trong thông điệp gửi cổ đông, ông Doãn Tới, chủ tịch Navico nhấn mạnh tăng trưởng trên nhờ chiến lược đa dạng thị trường. Trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành tại EU, Navico kỳ vọng thị trường Trung Quốc có thể phục hồi kịp để bù đắp mức sụt giảm ở EU. Nếu điều này không khả thi, Navico vẫn còn thị trường ASEAN và Nam Mỹ cũng như thâm nhập thị trường mới.

Để giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, ông Ong Hàng Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Trường Giang cho rằng, doanh nghiệp rất cần Chính phủ, các bộ ngành liên quan hỗ trợ nhằm giảm bớt khó khăn do COVID-19 thông qua chính sách kéo giảm chi phí cũng như tăng cường dòng vốn để hoạt động kinh doanh.

Cụ thể, về vốn cho sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp kiến nghị ngân hàng áp dụng mức lãi suất phù hợp hơn, mà cụ thể áp dụng lãi vay 3-6,5% đối với các khoản vay Việt Nam đồng và 1,5-2,8% đối với các khoản vay USD. Đồng thời “nới lỏng” các điều kiện cho vay, như chưa áp dụng tài sản thế chấp đảm bảo theo tỷ lệ; giảm quy trình thủ tục, điều kiện về thế chấp, tín chấp, yêu cầu về ngoại tệ tương ứng số vốn cấp.

Dựa vào kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để cấp thêm hạn mức tín chấp để doanh nghiệp dễ tiếp cận nguồn vốn; cho vay dự trữ hàng hóa (xét cho vay tín chấp) để khi hết dịch sẽ có hàng bán kịp thời; tăng kỳ hạn vay vốn lưu động từ 4 tháng lên 6 tháng…

Cần sự “tiếp sức” của các bộ, ngành

Trước tình hình trên, VASEP đã tập hợp ý kiến của doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản mong muốn Chính phủ xem xét, đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động miễn nộp kinh phí công đoàn (2% quỹ lương) trong năm 2020 và tạm dừng việc đóng bảo hiểm xã hội đến cuối năm 2020, không tính lãi nộp chậm để có thể tiếp tục trả lương cho người lao động.

Doanh nghiệp cũng mong muốn Bộ Tài chính xem xét giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2020,  Bộ Giao thông Vận tải tạm ngưng thu phí BOT đến hết năm 2020 nhằm giảm chi phí vận chuyển hàng hóa.

Đối với hệ thống ngân hàng, các doanh nghiệp cho rằng, hiện có quá nhiều loại phí “đè” lên doanh nghiệp như: chuyển tiền trong và ngoài nước, xử lý bộ chứng từ, báo có tiền về, điều vốn, chiết khấu, quản lý tài khoản... nên các ngân hàng có thể xem xét loại bỏ bớt.

Đồng thời, doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại có gói hỗ trợ cho vay lãi suất thấp dành cho doanh nghiệp và tạo điều kiện tiếp cận với gói vay lãi suất ưu đãi này. Đối với các khoản nợ đang vay, doanh nghiệp mong muốn được gia hạn nợ, không chuyển thành nợ xấu, không phạt nợ quá hạn tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục sản xuất.

Song song đó, để đảm bảo nguồn nguyên liệu chế biến cho các kỳ sản xuất tới, đặc biệt là khoảng cuối năm, VASEP kiến nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kế hoạch, quy hoạch về vùng nuôi nguyên liệu tôm, cá tra; có chính sách hỗ trợ cho người nuôi để khuyến khích họ tiếp tục thả giống mới, kịp thời đón đầu cơ hội sản xuất, xuất khẩu ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát và hoạt động giao thương được khôi phục.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
[NGÀNH THỦY SẢN VƯỢT “BÃO” COVID-19] Ngân hàng cần “nới lỏng” các khoản vay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO