Hút vốn phát triển kinh tế xanh
Thúc đẩy tăng trưởng xanh mở ra cơ hội hợp tác đầu tư kinh doanh chưa từng có giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các tập đoàn, công ty đa quốc gia.
>>>Kinh tế xanh - động lực thu hút đầu tư
Nguồn lực lớn cho chuyển đổi xanh ở Việt Nam
Kinh tế thế giới hiện đang đối diện với tình trạng “đa khủng hoảng”, từ gia tăng nợ công, lạm phát giá năng lượng và thực phẩm đến ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Ukraine và diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu. Tình trạng này đòi hỏi tất cả các quốc gia phải đổi mới mô hình tăng trưởng hướng tới phát triển bền vững và bao trùm. Trong đó, tăng trưởng xanh trở thành ưu tiên hàng đầu của các nền kinh tế; nhiều quốc gia đã, đang và sẽ tham gia vào các “liên minh xanh”.
Điển hình là Liên minh châu Âu với Thỏa thuận Xanh 2030 tập trung vào việc giảm thiểu khí thải carbon, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, tăng cường vận chuyển xanh và khuyến khích các sản phẩm thân thiện với môi trường. Chính phủ và doanh nghiệp các nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ cũng đang đầu tư vào các dự án phát triển xanh để đạt được các mục tiêu tương tự.
Theo đánh giá gần đây của Ủy ban châu Âu, quy mô thị trường toàn cầu hiện nay cho các sản phẩm và dịch vụ xanh ước tính đạt trên 5.000 tỷ đô la Mỹ và có tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với các thị trường truyền thống. Dự báo đến năm 2030, nền kinh tế xanh sẽ tạo ra khoảng 24 triệu việc làm mới trên toàn cầu.
Tại Mỹ, kinh tế xanh tạo việc làm cho khoảng 9,5 triệu lao động, đóng góp tương đương 1.300 tỷ đô la Mỹ/năm; với các nước OECD con số này là 17,5 triệu lao động, tương đương 2.900 tỷ đô la/năm. Kinh tế xanh còn tạo cơ hội thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư vào nhiều lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, giao thông thông minh, nông nghiệp thông minh, đô thị - công trình xanh, tài chính xanh…
Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng trên. Ông David Sandalow - Giám đốc Trung tâm Chính sách năng lượng toàn cầu, trường Đại học Columbia (Mỹ) cho biết: cam kết của Chính phủ Việt Nam thu hút được sự chú ý của các quốc gia, là cơ sở để thu hút các dòng vốn FDI cho đầu tư nhà máy xanh, sản xuất xanh. Muốn vậy, khung khổ chính sách cho tăng trưởng xanh cần được ban hành sớm, để huy động nguồn vốn xanh hiệu quả.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Minh Cường - Kinh tế trưởng ngân hàng ADB nhấn mạnh: Việt Nam cần tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh bởi đây là các lĩnh vực nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư. Có rất nhiều nguồn lực từ bên ngoài đang muốn hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Vì vậy, khả năng hấp thụ vốn là rất quan trọng và Việt Nam cần tạo ra những điều kiện để hấp thụ được nguồn lực này.
Bắt đầu từ năng lượng sạch
Chia sẻ về lộ trình tiến tới tăng trưởng xanh, theo Giám đốc Trung tâm Chính sách năng lượng toàn cầu của trường Đại học Columbia Ông David Sandalow, Việt Nam nên bắt đầu từ các lĩnh vực như năng lượng sạch (điện mặt trời, điện gió), cắt giảm phụ thuộc vào nhiệt điện than, chuyển sang giao thông bền vững như xe điện cho tới tiêu dùng xanh, sử dụng tủ lạnh tiết kiệm điện, chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời, tiếp đến là chuyển đổi sản xuất nông nghiệp bền vững để kiểm soát phát thải.
Trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Kế hoạch Đầu tư và tập đoàn năng lượng BCG, kết quả nghiên cứu sơ bộ ban đầu của BCG cho thấy, để tăng tốc tăng trưởng xanh, tính riêng với chuyển dịch 2 ngành điện gió và điện mặt trời, tiềm năng đóng góp vào GDP lên tới 70-80 tỷ USD, tạo ra khoảng 90-105 nghìn việc làm trực tiếp. Ngoài ra, hệ sinh thái Hydro sạch dựa trên nền tảng năng lượng tái tạo có tiềm năng đóng góp 40-45 tỷ USD vào GDP hàng năm, tạo ra khoảng 40-50 nghìn việc làm, mang lại lợi ích cho cả thị trường nội địa lẫn tiềm năng xuất khẩu đến các nước phát triển trên thế giới.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh, Việt Nam cần có những bước đi đột phá, quyết liệt hơn nữa để đưa nền kinh tế xanh từ quy mô 6,7 tỷ USD năm 2020 lên đến 300 tỷ USD đóng góp mỗi năm vào tổng GDP quốc gia vào năm 2050. Trong đó, cần tập trung vào các ngành, lĩnh vực thiết yếu nhất giúp Việt Nam kích hoạt các lợi thế tự nhiên và vươn lên trở thành nước phát triển trên cả ba yếu tố môi trường, kinh tế và xã hội vào năm 2045.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, Việt Nam với tiềm năng, vị thế địa kinh tế trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang đứng trước cơ hội rất lớn trong tăng trưởng xanh. Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội chưa từng có cho hợp tác đầu tư kinh doanh hiệu quả với các tập đoàn, công ty đa quốc gia trong các lĩnh vực then chốt hướng tới nền kinh tế xanh.
Có thể bạn quan tâm
TÁI ĐỊNH VỊ DOANH NGHIỆP: Phát triển kinh tế xanh và bền vững
15:21, 23/03/2023
VBF 2023: VCCI kiến nghị 6 nội dung để hướng tới kinh tế xanh, phát triển bền vững
16:55, 19/03/2023
Doanh nghiệp nên chú trọng phát triển kinh tế xanh
16:42, 17/03/2023
Đồng Tháp chọn “kinh tế xanh” là phương hướng chủ đạo
08:53, 12/03/2023
Nền kinh tế xanh bước đệm phát triển vững chắc cho dự án khởi nghiệp xanh
00:36, 19/02/2023
Đà Nẵng chú trọng chuyển đổi mô hình kinh tế xanh
08:26, 04/10/2022
Phục hồi nền kinh tế xanh “sứ mệnh” của doanh nghiệp khởi nghiệp
10:16, 23/08/2022
Khởi nguồn cho kinh tế xanh
12:50, 19/08/2022
Hướng tới phát triển kinh tế xanh từ "chỉ số xanh cấp tỉnh"
08:44, 19/08/2022
Phục hồi kinh tế xanh hậu COVID-19 là cấp bách
15:00, 03/03/2022