Điện mặt trời mái nhà: Cần phát triển phù hợp với mục tiêu của Quy hoạch điện VIII
Điện mặt trời mái nhà cần được phát triển phù hợp với mục tiêu của Quy hoạch điện VIII, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và thực hiện được mục tiêu giảm phát thải, trung hòa carbon.
>>Cần chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp
Được biết văn phòng chính phủ vừa có văn bản số 8144/VPCP-CN ngày 19/10/2023 truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm cung ứng điện, giữ vững an ninh năng lượng quốc gia.
Để bảo đảm nguồn cung ứng điện phục vụ cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân các tháng cuối năm 2023, năm 2024 và các năm tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến các chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu Khí Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam tập trung chỉ đạo thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao về bảo đảm cung ứng điện, giữ vững an ninh năng lượng quốc gia trong thời gian tới.
Nội dung văn bản có chỉ đạo Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Về điện mặt trời mái nhà, Bộ Công Thương cần sớm chủ trì, phối hợp cùng Bộ Tư pháp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện đề xuất để sớm ban hành quy định.
Tuy nhiên chia sẻ của các doanh nghiệp sản xuất tới Diễn đàn Doanh nghiệp, vừa qua Bộ Công Thương xây dựng Dự thảo về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà dành cho hộ nhà ở, công sở, trụ sở văn phòng công ty để sử dụng điện tại chỗ (tức là tự sản, tự tiêu và không bán điện lên lưới) sẽ được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh điện.
Trường hợp nguồn điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu có đấu nối hay liên kết (nối sau công tơ đo đếm điện) với lưới điện quốc gia nhưng không bán điện vào hệ thống điện thì tổng công suất tăng thêm trên cả nước đến năm 2030 là 2.600 MW (Quy hoạch điện VIII).
Trường hợp nguồn điện tự sản tự tiêu không đấu nối, hay không liên kết với lưới điện quốc gia thì công suất phát triển đến năm 2030 có thể không giới hạn, đây là chính sách nhằm thúc đẩy từng bước thực hiện Quy hoạch điện VIII.
Thế nhưng, theo doanh nghiệp, kế hoạch thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà được Bộ Công thương đề xuất đang “bỏ quên” các khách hàng sử dụng điện nhiều nhà máy như các nhà máy, nhà xưởng sản xuất, bệnh viện và khu công nghiệp. Trong khi các đối tượng này mới là các khách hàng sử dụng điện nhiều và rất cần chứng chỉ xanh khi xuất khẩu.
Theo ông Ngô Công Thắng, Giám đốc Nhà máy Sữa Nghệ An, Vinamilk, dự kiến hết năm 2023, nhà máy sẽ giảm phát thải hơn 200 tấn khí carbon ra môi trường so với năm 2022. Kế hoạch 5 năm tới, năng lượng mặt trời đóng góp 50% điện năng tiêu thụ, nhưng đến thời điểm hiện tại nhà máy không nhận được bất kỳ khuyến khích hay ưu đãi nào về chương trình lắp đặt điện mặt trời mái nhà phục cho sản xuất.
Ông Chu Đức Anh - Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết, hiện nay nguồn năng lượng tái tạo từ hệ thống điện mặt trời mái nhà đang là giải pháp cần thiết và tối ưu cho doanh nghiệp, nhưng các quy định hiện nay còn chưa hoàn thiện, chưa tạo thành một khung chính sách rõ ràng, dẫn đến sự lúng túng của các cơ quan, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.
Ngoài ra nhiều công ty chia sẻ, họ sẽ chấp nhận đầu tư chi phí ban đầu cao để đầu tư điện mặt trời mái nhà nhằm thực hiện xanh hóa và giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất, nhưng hiện tại chưa vẫn chưa dám lắp đặt vì chưa biết quy định thực hiện như thế nào có thay đổi hay không?
Đồng quan điểm này, một số doanh nghiệp sản xuất ngành thủy sản chia sẻ, Quy hoạch điện VIII còn chung chung khiến các doanh nghiệp rất mệt mỏi. Cụ thể về nguồn điện, cho phép điện mặt trời mái nhà cho mô hình tự sản tự tiêu không đấu nối, hay không liên kết với lưới điện quốc gia thì công suất phát triển đến năm 2030 không giới hạn công suất. Vậy các nhà xưởng trong khu công nghiệp nếu nhà đầu tư lắp đặt hệ thống này sẽ thực hiện theo quy định nào, trình tự thủ tục ra sao thì vẫn chưa có văn bản cụ thể nào hướng dẫn.
Thậm chí một doanh nghiệp cho rằng vẫn không có một cơ chế ưu tiên nào cho khu công nghiệp, nhà xưởng được đầu tư điện mặt trời theo tiêu chuẩn tự sản, tự tiên để có nguồn điện cho doanh nghiệp sản xuất.
Mặt khác, nhiều tỉnh còn yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện rất nhiều các thủ tục hành chính khác, chưa được phổ biến, thống nhất áp dụng đồng đều tại các địa phương. Về việc không đấu nối, phát ngược lên lưới (thiết bị zeroxpost, cho mô hình tự sản tự tiêu tại chỗ), cơ quan quản lý ở một số địa phương đang yêu cầu nhà đầu tư phải chứng minh thiết bị này do đơn vị nào kiểm duyệt, chất lượng ra sao, gây khó khăn cho nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Cần chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp
03:00, 20/09/2023
Thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà
01:00, 19/08/2023
TP.HCM đề xuất cơ chế đặc thù cho điện mặt trời mái nhà công sở
11:26, 07/08/2023
Bộ Công Thương nói gì về đề xuất mở rộng phạm vi lắp đặt điện mặt trời mái nhà?
00:40, 30/07/2023
Chờ cơ chế hấp dẫn hơn cho điện mặt trời áp mái
03:00, 26/07/2023
Doanh nghiệp điện mặt trời áp mái khẩn khoản kêu cứu lên Bộ Công thương
05:00, 08/04/2022