Doanh nghiệp có lợi nhuận lớn, lãnh đạo được đề xuất tăng lương thưởng?
Nhiều năm qua, tiền lương của cấp quản lý không thay đổi trong khi lương của người lao động tăng hằng năm khiến một số trường hợp, lương quản lý thấp hơn lương của trưởng/phó phòng.
>>>Sẽ có giải pháp đột phá cởi trói cho doanh nghiệp nhà nước
Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, thực hiện Nghị định số 51/2016/NĐ-CP và Nghị định số 52/2016/NĐ-CP về quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người lao động và người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, cơ chế tiền lương đã bảo đảm quyền quyết định tiền lương cho người lao động theo năng suất, lợi nhuận. Lương của người lao động tăng 8 - 10%/năm.
Năm 2022, tiền lương bình quân đạt 10 - 12 triệu đồng/tháng; trong đó có tập đoàn, tổng công ty đạt 17 - 18 triệu đồng/tháng. Tiền lương bình quân cấp quản lý đạt khoảng 40 triệu đồng/tháng; ở một số tập đoàn, tổng công ty đạt 60 - 70 triệu đồng/tháng.
Tuy vậy, theo Bộ LĐ-TB&XH, cơ chế quản lý tiền lương, tiền thưởng đang phát sinh bất cập. Chẳng hạn, tiền lương trả cho người quản lý còn thấp so với mặt bằng tiền lương trên thị trường và có sự chênh lệch với các doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.
Cụ thể, doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước chỉ được áp dụng hệ số tăng thêm tối đa 1 lần so với lương cơ bản, trong khi công ty cổ phần Nhà nước chi phối hệ số này tối đa là 2,5 lần. Thực tế ở một số doanh nghiệp, tiền lương của người quản lý thấp hơn cả tiền lương của trưởng/phó phòng.
Cơ chế áp dụng hệ số tăng thêm đối với người quản lý gắn với điều kiện lợi nhuận kế hoạch phải cao hơn so với thực hiện của năm trước liền kề, nhưng thực tế lợi nhuận luôn có sự biến động. Khi lợi nhuận tăng, được áp dụng thêm 1 lần mức lương cơ bản nhưng giảm rất ít so với năm trước liền kề, chỉ được hưởng mức lương cơ bản, không có hệ số tăng thêm…
Để khắc phục những bất cập trên, Bộ LĐ-TB&XH vừa có tờ trình Chính phủ về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/2016/NĐ-CP, số 52/2016/NĐ-CP nhằm tháo gỡ những vướng mắc cho doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, thu hẹp khoảng cách tiền lương với doanh nghiệp có vốn góp chi phối của Nhà nước.
Theo đó, với tiền lương của lãnh đạo doanh nghiệp, dự thảo Nghị định quy định hệ số tăng thêm so với mức lương cơ bản để tính quỹ lương, giữ nguyên mức lương cơ bản theo hạng (thấp nhất 16 triệu đồng, cao nhất 36 triệu đồng); giữ nguyên hệ số tăng thêm 0,5; 1 và điều kiện về lợi nhuận, nhưng bổ sung hệ số tăng thêm 1,5; 2; 2,5 để khuyến khích các công ty có quy mô lợi nhuận lớn.
Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, dựa theo số liệu tổng hợp tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Nhà nước hiện nay, đa phần người quản lý, kiểm soát viên giữ nguyên tiền lương (tăng thêm không quá 1 lần lương cơ bản, tương đương 40 triệu đồng).
Các hệ số tăng thêm 1,5; 2; 2,5 sẽ chủ yếu áp dụng đối với một số tập đoàn, tổng công ty có hiệu quả sản xuất kinh doanh cao, quy mô lợi nhuận lớn. Trong đó, một số rất ít công ty 100% vốn Nhà nước thuộc nhóm ngân hàng, viễn thông, dầu khí đủ điều kiện về quy mô lợi nhuận để xem xét, áp dụng hệ số cao hơn 2,5 lần.
Bên cạnh đó, để được xét áp dụng hệ số tăng thêm cao hơn quy định, công ty phải đáp ứng đủ các điều kiện như: năng suất lao động không giảm; lợi nhuận kế hoạch phải cao hơn năm trước liền kề, trong đó lợi nhuận cao hơn nhiều lần mức 3.000 tỷ đồng (lĩnh vực tài chính, viễn thông); giữ vai trò trọng yếu trong nền kinh tế quốc dân…
Đối với công ty có lợi nhuận bằng hoặc thấp hơn năm trước, người quản lý, kiểm soát viên vẫn được hưởng hệ số tăng thêm (hiện nay chỉ hưởng lương cơ bản, không có hệ số tăng thêm) mức 70% của hệ số tăng thêm tối đa trong khung, nhân với tỷ lệ lợi nhuận kế hoạch so với thực hiện của năm trước.
Đối với công ty không có lợi nhuận, kinh doanh lỗ thì tiền lương của người quản lý trong khoảng 50% - dưới 100% mức lương cơ bản, tương đương với mức lương chế độ tại Nghị định số 52/2016/NĐ-CP.
Có thể bạn quan tâm
Gỡ nút thắt cơ chế cản trở doanh nghiệp Nhà nước
00:13, 27/09/2023
Tái cơ cấu "tạo lực" phát triển doanh nghiệp nhà nước
12:37, 26/09/2023
12 nhiệm vụ để doanh nghiệp nhà nước phát huy tính dẫn dắt, tiên phong
16:08, 14/09/2023
“Mở”, “phanh”, “hãm” khiến doanh nghiệp nhà nước khó phát triển
19:18, 13/04/2023
"Đổi màu" hiệu quả doanh nghiệp nhà nước
00:02, 29/09/2022
Khơi thông thể chế cho doanh nghiệp nhà nước
03:50, 14/04/2022
Khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp Nhà nước
09:29, 24/03/2022