Vốn xanh dồi dào chờ cơ hội vào nền kinh tế

HẠNH LÊ 04/12/2023 14:25

Nền kinh tế đang xanh hoá mạnh mẽ tạo sức hấp dẫn thu hút vốn xanh, nhưng nguồn lực lớn từ các ngân hàng và đối tác chưa tìm được cơ hội để vào các dự án của doanh nghiệp.

>>>Xây dựng cơ chế thúc đẩy tín dụng xanh

Vốn xanh dẫn dắt chuyển đổi xanh

Là một trong số ít các quốc gia bị tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện cam kết đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Mục tiêu đầy tham vọng này tiếp tục được đoàn đại biểu Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu nhấn mạnh tại COP28 đang diễn ra tại Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất.

Hành trình hiện thực hóa mục tiêu xanh của Việt Nam không chỉ đòi hỏi hoàn thiện cơ chế chính sách, nâng cao nhận thức, xây dựng hệ thống giám sát đủ năng lực thực thi cam kết mà còn cần tới một nguồn lực khổng lồ. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, con số này khoảng 368 tỉ USD đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm; trong đó nguồn lực đầu tư tư nhân có vai trò quan trọng.

Bà Phạm Thị Thanh Tùng -

Bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (ảnh: H.L)

Tại hội thảo “Dẫn nguồn vốn lớn cho tín dụng xanh”, bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết, giai đoạn 2017-2022, mức tăng trưởng dư nợ của hệ thống với các lĩnh vực xanh đạt hơn 23%/năm. Đến 30/9/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh đạt hơn 564 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Trong số 12 lĩnh vực xanh Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn các tổ chức tín dụng cho vay, dư nợ tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm gần 45%) và nông nghiệp xanh (hơn 30%). Các tổ chức tín dụng đã tăng cường đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng với dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt gần hơn 2,67 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 21%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.

“Các ngân hàng cũng ngày càng tích cực và tự tin giải ngân hơn cho các dự án xanh khi doanh nghiệp có xu hướng ngày càng tuân thủ theo các tiêu chí ESG dẫn tới nhu cầu về nguồn tín dụng xanh gia tăng tương ứng” - bà Phạm Thị Thanh Tùng cho biết.

Là ngân hàng có doanh số cho vay nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 30.000 tỷ đồng, chiếm 50% tổng nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này, bà Phùng Thị Bình - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đánh giá: từ nguồn vốn tài trợ, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đã và đang hình thành, tạo đồng thuận cao giữa doanh nghiệp và người dân. Đến nay, dư nợ cho vay ở lĩnh vực này đạt 2.000 tỷ đồng với hơn 300 khách hàng; trong đó, hơn 98% khách hàng là cá nhân, chủ trang trại, tổ hợp tác...

>>>Thu hút đầu tư vào tín dụng xanh

>>>Dòng chảy tín dụng xanh

Dư địa lớn nhưng chưa được khơi thông

Nhận định về tiềm năng của vốn xanh, ông Võ Quốc Khánh - Phó Tổng giám đốc công ty CP tư vấn EY Việt Nam cho biết: Vốn xanh từ các định chế tài chính và nhà đầu tư nước ngoài ưu tiên cho quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu và đầu tư xanh. Việt Nam vì thế có nhiều tiềm năng thu hút nguồn vốn này. Điều này có thể thấy rõ khi Việt Nam trở thành một trong 3 quốc gia đầu tiên tham gia vào Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với cam kết hỗ trợ 15,5 tỷ USD…

Tiềm năng lớn nhưng theo các chuyên gia, vốn xanh với số lượng lớn từ các ngân hàng và đối tác vẫn chưa thể khơi thông để đưa vào các dự án của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế. Chia sẻ về những rào cản của vốn xanh, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế  Phạm Thị Thanh Tùng cho biết,  hiện Việt Nam chưa có quy định chung của quốc gia về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành, lĩnh vực theo hệ thống phân ngành kinh tế, làm căn cứ để các tổ chức tín dụng xác định cấp tín dụng xanh. Do vậy, các tổ chức tín dụng chưa có căn cứ để thống kê đầy đủ nguồn lực ngân hàng đầu tư cho lĩnh vực xanh.

Năng lượng tái tạo là một trong những lĩnh vực thu hút nhiều vốn xanh

Năng lượng tái tạo là một trong những lĩnh vực thu hút nhiều vốn xanh

Việc đầu tư vào các ngành, lĩnh vực xanh, nhất là năng lượng tái tạo, công trình xanh đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn nhưng nguồn vốn cho vay thường là vốn huy động ngắn hạn, các tổ chức tín dụng gặp khó trong việc cân đối vốn. Trong khi đó, các kênh huy động vốn dài hạn cho dự án xanh chưa thực sự phát triển như thị trường trái phiếu xanh càng gây áp lực vốn dài hạn cho hệ thống ngân hàng... Ngoài ra, các khó khăn còn đến từ việc thẩm định, đánh giá hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng; khó khăn trong giám sát và quản lý rủi ro do thiếu cơ sở pháp lý, tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá công cụ đo lường tác động đến môi trường…

Để mở rộng và khơi thông nguồn vốn tín dụng cho các lĩnh vực xanh, đại diện Ngân hàng Nhà nước đề nghị, các bộ, ngành rà soát, tham mưu hoàn thiện hành lang pháp lý để sớm ban hành hướng dẫn về Danh mục xanh và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam; xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ các ngành xanh (thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển…) và hỗ trợ phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu xanh, tạo kênh huy động vốn cho các chủ đầu tư có thêm nguồn lực triển khai các dự án xanh.

Đối với các doanh nghiệp thực hiện dự án xanh, bà Phạm Thị Thanh Tùng cho rằng, cần phối hợp cung cấp đầy đủ các thông tin về môi trường liên quan để các tổ chức tín dụng thẩm định cho vay thực hiện dự án, kiểm soát chất lượng khoản vay; đồng thời khách hàng nâng cao trách nhiệm ý thức bảo vệ môi trường khi thực hiện dự án.

Có thể bạn quan tâm

  • Tăng khả năng tiếp cận tài chính xanh bền vững

    Tăng khả năng tiếp cận tài chính xanh bền vững

    02:30, 25/09/2023

  • Trợ cấp, kích thích thị trường tín dụng xanh tại Việt Nam

    Trợ cấp, kích thích thị trường tín dụng xanh tại Việt Nam

    11:00, 25/11/2023

  • Xây dựng quy chuẩn để thúc đẩy tín dụng xanh

    Xây dựng quy chuẩn để thúc đẩy tín dụng xanh

    01:00, 25/11/2023

  • Kinh nghiệm quốc tế về chính sách trợ cấp và khuyến khích tín dụng xanh

    Kinh nghiệm quốc tế về chính sách trợ cấp và khuyến khích tín dụng xanh

    05:00, 21/11/2023

  • Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, phát triển kinh tế xanh vùng Đông Nam Bộ

    Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, phát triển kinh tế xanh vùng Đông Nam Bộ

    14:30, 12/10/2023

  • Chưa khai thác hết tiềm năng của tín dụng xanh ở Việt Nam

    Chưa khai thác hết tiềm năng của tín dụng xanh ở Việt Nam

    17:54, 08/10/2023

  • Các giải pháp để mở rộng và tăng trưởng tín dụng xanh

    Các giải pháp để mở rộng và tăng trưởng tín dụng xanh

    12:57, 13/09/2023

  • Tín dụng xanh đang được các ngân hàng triển khai ra sao?

    Tín dụng xanh đang được các ngân hàng triển khai ra sao?

    12:47, 06/09/2023

  • Thu hút đầu tư vào tín dụng xanh

    Thu hút đầu tư vào tín dụng xanh

    03:33, 31/05/2023

  • “Bùng nổ” tín dụng xanh, trái phiếu xanh

    “Bùng nổ” tín dụng xanh, trái phiếu xanh

    04:00, 02/01/2023

  • Làm sao để doanh nghiệp mặn mà với tín dụng xanh?

    Làm sao để doanh nghiệp mặn mà với tín dụng xanh?

    15:30, 08/07/2022

HẠNH LÊ