Tín dụng xanh đang được các ngân hàng triển khai ra sao?

Diendandoanhnghiep.vn Mặc dù tỷ trọng tín dụng xanh vẫn còn rất khiêm tốn, dư nợ tín dụng xanh chỉ chiếm 4,32% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, nhưng các NHTM hiện tại đã và đang rất tích cực với các chương trình giải ngân.

>>> Tài chính xanh trong Khung chiến lược tăng trưởng xanh của TP HCM

Theo thống kê của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, trong giai đoạn 2017 - 2022, dư nợ cấp tín dụng xanh của ngành ngân hàng Việt có tăng trưởng bình quân đạt hơn 25%/năm, cao hơn tốc độ tăng bình quân tín dụng chung nền kinh tế. Tuy nhiên, tỷ trọng tín dụng xanh vẫn còn rất khiêm tốn, dư nợ tín dụng xanh chỉ chiếm 4,32% tổng dư nợ toàn nền kinh tế do đây là lĩnh vực mới. Dù vậy, với các giải pháp hướng dòng vốn tín dụng đầu tư vào các dự án xanh, thân thiện với môi trường được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai, hiện không ít ngân hàng thương mại (NHTM) đã xây dựng gói tín dụng xanh với nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp.

Agribank cho biết Agribank đã ban hành một loạt văn bản về việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng

Agribank cho biết ngân hàng ban hành một loạt văn bản về việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Ảnh: Agribank với mô hình "nông nghiệp sạch"

Chia sẻ tại hội thảo “Tài chính xanh và Thị trường tín chỉ carbon” do báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức tại TP HCM, ông Phạm Trung Kiên, Phó Trưởng Văn phòng đại diện Agribank khu vực miền Nam cho biết, với vai trò chủ lực cung ứng vốn và dịch vụ tài chính cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, Agribank quyết tâm đi đầu trong việc thực hiện các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, cùng mong muốn xây dựng nền nông nghiệp an toàn, phát triển bền vững.

Theo ông Kiên, xác định mục tiêu hướng tới xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường, Agribank đã và đang tập trung ưu tiên nguồn vốn, mở rộng cho vay có hiệu quả các dự án, chương trình phát triển sản xuất, kinh doanh khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là các chương trình, dự án tạo ra giá trị tăng thêm, năng lượng sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Từ năm 2016, Agribank đã triển khai chương trình tín dụng ưu đãi quy mô tối thiểu 50.000 tỷ đồng và không hạn chế nguồn vốn phục vụ sản xuất “nông nghiệp sạch” vì sức khỏe cộng đồng. Đối tượng khách hàng vay vốn của chương trình là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại... tham gia các khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, quy mô lớn với lãi suất cho vay giảm từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm. Đến nay, doanh số cho vay nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Agribank đạt trên 25.000 tỷ đồng, chiếm 50% tổng nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này, dư nợ đạt 12.000 tỷ đồng với hơn 43.000 khách hàng.

Dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực xanh của Agribank cũng có sự tăng trưởng ổn định qua từng năm. Tính đến 31/12/2022, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực xanh tại Agribank đạt gần 12.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 1% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế), với hơn 41.000 khách hàng vay vốn.

Từ nguồn vốn của Agribank, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao được hình thành trên khắp mọi vùng, miền của Việt Nam. Cụ thể là nhà kính điều khiển khí hậu (công nghệ Pháp), canh tác nhiều tầng (công nghệ Singapore), công nghệ sản xuất nhà màng và tưới thông minh (công nghệ Israel)...

>>> Cần thiết xây dựng và phát triển thị trường tài chính xanh

Các mô hình do Agribank đầu tư đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, như: mô hình trồng rau, hoa, quả (Lâm Đồng), cánh đồng mẫu lớn (TP Cần Thơ), chăn nuôi (Bắc Ninh, Lào Cai, Hà Nam), đầu tư máy móc thiết bị cho nông nghiệp (Tiền Giang, Long An), nuôi tôm giống (Kiên Giang, Ninh Thuận, Bình Thuận), trồng hoa lan, nuôi bò sữa (Củ Chi, Kon Tum), trồng mía (Khánh Hòa, Tuyên Quang), ngô (Sơn La), hoa quả và rau an toàn ở khu vực các tỉnh Tây Nguyên (Đăk Nông, Kon Tum), thanh long theo tiêu chuẩn VietGap (Bình Thuận)...

Ông Phạm Trung Kiên, Phó Trưởng Văn phòng đại diện Agribank khu vực miền Nam chia sẻ về tín dụng xanh và định hướng phát triển, các giải pháp "xanh hóa" dòng vốn của Agribank

"Định hướng phát triển trong thời gian tới, Agribank quyết tâm triển khai hiệu quả các giải pháp nhằm thúc đẩy tín dụng xanh, ngân hàng xanh, hỗ trợ phát triển bền vững. Các giải pháp trọng tâm được xác định như sau: Tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của một số đơn vị liên quan trong triển khai thực hiện ESG. Ưu tiên cung ứng vốn và dịch vụ tài chính phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân; tiếp tục duy trì tỷ trọng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn từ 65%-70% tổng dư nợ.

Nghiên cứu và triển khai các sản phẩm tín dụng xanh, có chính sách ưu đãi, khuyến khích cho vay các dự án, phương án kinh doanh hiệu quả, thân thiện với môi trường... Chủ động tìm kiếm, tiếp cận nguồn vốn quốc tế xanh thông qua các bộ, ngành đầu mối hoặc các định chế tài chính, tổ chức phi chính phủ, Quỹ tín thác tín dụng xanh... để tăng cường nguồn vốn hỗ trợ cho các dự án xanh. Chuẩn bị để phát hành trái phiếu xanh tăng vốn...", ông Kiên phát biểu.

Ông Nguyễn Đăng Thanh, Phó Tổng Giám đốc HDBank cũng cho biết, từ những năm 2018, HDBank có chương trình cụ thể gia tăng nguồn lực cho chuyển đổi xanh bằng việc thúc đẩy các chương trình nâng cao nhận thức phát thải khí nhà kính với nhân viên. HDBank cũng là ngân hàng tiên phong ban hành chính sách cấp tín dụng xanh với 11.000 tỷ đồng trong năm 2022.

"Ngoài việc tận dụng sự hỗ trợ các tổ chức tài chính quốc tế, HDBank còn bám sát chủ trương Chính phủ, NHNN trong thực thi cam kết theo Thỏa thuận Paris, cũng như COP26. HDBank tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện bộ chính sách tài chính xanh cho doanh nghiệp và cá nhân bao gồm gói cho vay xanh và các dịch vụ liên quan", ông Thanh nhấn mạnh.

Với chủ đề mới mẻ là thị trường tín chỉ carbon, ông Thanh cho rằng, tín chỉ carbon sẽ là hàng hóa đặc thù trong giảm phát thải khí nhà kính. Vấn đề cơ quan quản lý làm sao xây dựng được thị trường tín chỉ carbon theo hướng thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp.

HDBank là một trong những ngân hàng đã ban hành các chính sách cấp tín dụng xanh và giải ngân hiệu quả. Trong ảnh: Ông Nguyễn Đăng Thanh - P.TGĐ HDBank chia sẻ

“Khi khung pháp lý đối với thị trường này hoàn chỉnh và việc vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2025 được thực hiện như định hướng của Chính phủ tại Nghị định 06/2022, chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu để có các giải pháp hỗ trợ người dân cũng như các doanh nghiệp tham gia thị trường này khi tín chỉ này trở thành một trong những loại hàng hóa đặc thù có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính”, P.TGĐ HDBank nhận định.

Ghi nhận từ thị trường cho thấy, hàng loạt ngân hàng thương mại ở các quy mô khác nhau cũng đã và đang đẩy mạnh thu hút vốn xanh và đồng thời tích cực xây dựng khung chính sách, giải ngân tín dụng xanh. Trong đó đáng chú ý, BIDV vào đầu năm 2023 đã trở thành ngân hàng tiên phong xây dựng "Khung khoản vay bền vững".

Đựợc biết Khung Khoản vay bền vững của BIDV được xây dựng với sự tư vấn của Carbon Trust dựa trên các nguyên tắc do Hiệp hội Thị trường vay (Loan Market Association - LMA), Hiệp hội Kinh doanh vốn và cho vay hợp vốn (Loan Syndications and Trading Association - LSTA) và Hiệp hội Thị trường vay châu Á Thái Bình Dương (Asia Pacific Loan Market Association - APLMA) đồng ban hành, bao gồm Nguyên tắc Khoản vay xanh (Green Loan Principles - GLP); Nguyên tắc Khoản vay xã hội (Social Loan Principles - SLP) và Nguyên tắc Khoản vay liên kết bền vững (Sustainability-Linked Loan Principles - SLLP).

Sản phẩm được thiết kế có thể xem như một "chuẩn mực" để ngân hàng cung cấp các sản phẩm cho vay bền vững phổ biến trên thị trường toàn cầu gồm khoản vay theo chủ đề và khoản vay liên kết bền vững. Khoản vay theo chủ đề như khoản vay xanh và khoản vay xã hội, được thiết kết cho các dự án có tác động tích cực tới môi trường và xã hội.

Bên cạnh đó, khoản vay liên kết bền vững nhằm khuyến khích bên vay đạt được các chỉ tiêu hiệu quả bền vững được thiết lập trước và đo lường thông qua các chỉ số đánh giá hiệu quả công việc đã được xác định. Đây là khung khoản vay mà theo các chuyên gia là cần thiết, trong bối cảnh không ít nhà băng vấn "loay hoay" với các vấn đề liên quan tín dụng xanh, bao gồm cả đào tạo nhân lực, thẩm định khoản vay, giải ngân và đồng hành theo dòng vốn cho vay xanh.v.v

Ghi nhận tại cuối năm 2022, dư nợ tín dụng xanh của BIDV đạt 63,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,3% tổng dư nợ ngân hàng và 13% tổng dư nợ cho vay lĩnh vực xanh toàn bộ nền kinh tế. Lãnh đạo BIDV cũng cam kết mở rộng danh mục cho vay các lĩnh vực xanh và bền vững đến năm 2025 dự kiến đạt 3 tỷ USD, chiếm khoảng 5% tổng dư nợ của BIDV… Những con số này đang cho thấy hướng đi chuẩn với tín dụng xanh của một ngân hàng lớn thuộc nhóm Big 4.

Tham gia ngay từ giai đoạn đầu khai mở xu hướng tín dụng xanh, bên cạnh một số ngân hàng thương mại lớn của Việt Nam như Vietcombank, Agribank, BIDV, ngân hàng SHB… cũng đã có những dấu ấn riêng với tín dụng xanh, không chỉ ở kết quả mà còn là những nền tảng điều kiện kỹ thuật, năng lực thẩm định và kết nối cho dòng chảy này với những tích lũy. Ngân hàng này cho biết từ năm 2018 đến nay, số dư tài trợ của SHB cho các dự án xanh đã tăng trưởng tới gần 150%; tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh tại SHB hiện đã chiếm gần 10% trên tổng dư nợ và có xu hướng tăng trưởng ngày càng nhanh. 

Triển khai cho vay với các dự án năng lượng tái tạo từ 2017, tại MB hiện dành tới 8%-10% tổng dư nợ để cho vay đối với các lĩnh vực tín dụng xanh. Ngân hàng này đồng thời đặt mục tiêu nâng tỷ trọng tín dụng xanh, tín dụng phục vụ chuyển đổi công nghệ lên 15% vào năm 2026...

Năm 2023, trong bối cảnh tín dụng nói chung từ đầu năm đến nay ghi nhận tăng trưởng yếu, tín dụng vẫn "chảy" với nỗ lực của nhiều TCTD. Vietcombank vào tháng 3/2023, cùng với Ngân hàng JBIC (Nhật Bản) đã ký kết hợp tác trị giá 300 triệu USD, thêm vốn hỗ trợ cho các dự án năng lượng tái tạo. Mới đây, Vietcombank vừa cấp khoản tín dụng trung và dài hạn 4.000 tỷ đồng cho Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam để tài trợ cho dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 trên địa bàn huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Với vị thế và nguồn vốn lớn, các dự án trọng điểm được khuyến nghị gắn với chuyển đổi xanh, vì tăng trưởng xanh của nền kinh tế, đang đặt hy vọng vào những ngân hàng có năng lực hỗ trợ, giải ngân tích cực như trường hợp Vietcombank.

Song song, những ngân hàng theo đuổi chiến lược "đo ni đóng giày" tín dụng cho nhóm SME, cũng triển khai nhiều chương trình tín dụng xanh khác nhau. Đơn cử như Viet Capital Bank sau gói tín dụng ưu đãi 300 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh, vừa dành thêm 500 tỷ đồng cho gói tín dụng xanh với lãi suất ưu đãi từ 8,9%/năm để cho khách hàng là cá nhân, doanh nghiệp vay phục vụ các hoạt động nuôi trồng có ứng dụng công nghệ hoặc mô hình theo hướng VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ…

Có thể thấy mặc dù tỷ trọng tín dụng xanh còn thấp, nhưng ghi nhận từ NHNN cho biết, tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt hơn 25%/năm, cao hơn tốc độ tăng bình quân tín dụng chung nền kinh tế, với sự tham gia của 39 tổ chức tín dụng. 

Chỉ ra nguyên nhân chính dẫn đến tín dụng xanh chưa được khơi dòng chảy mạnh, đến từ việc chưa có quy định chung của quốc gia về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành, lĩnh vực làm căn cứ để các tổ chức tín dụng xác định cấp tín dụng xanh; công tác giám sát, quản lý rủi ro khi cấp tín dụng xanh còn vướng mắc do thiếu quy định, tiêu chí đánh giá công cụ đo lường tác động đến môi trường… , đại diện NHNN cho biết hiện cơ quan quản lý đang xây dựng bộ quy chuẩn danh mục xanh phù hợp với thông lệ quốc tế và sẽ trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất. Các ngân hàng sẽ có cơ sở đối chiếu khi quyết định xét duyệt nguồn vốn xanh, còn các doanh nghiệp đa ngành nghề cũng có định hướng phát triển rõ ràng để tiếp cận được nguồn vốn vay cả trong nước và quốc tế.

Nhìn từ góc độ đại diện khối doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) chia sẻ về sự quan tâm của doanh nghiệp tài chính xanh và thị trường carbon.

Ông Hòa đồng thời cho rằng để chuyển đổi xanh, doanh nghiệp rất cần các chương trình tín dụng xanh. Hiện, đại bộ phận doanh nghiệp Việt Nam là nhỏ và vừa nên để tự thân mỗi doanh nghiệp đứng ra phát hành trái phiếu xanh là điều rất khó. Từ đó, ông Hòa đề xuất các định chế tài chính, cơ quan chức năng nên có cơ chế, giải pháp để các định chế tài chính có thể đứng ra phát hành trái phiếu xanh cho doanh nghiệp vay lại theo quá trình chuyển đổi của doanh nghiệp.

Với TPHCM, quá trình thực hiện Nghị quyết 98, kỳ họp HĐND TPHCM tháng 9 tới đây sẽ kích hoạt lại chương trình kích cầu đầu tư, dự thảo đã đưa nội dung có hỗ trợ về mặt vốn vay và lãi suất cho các dự án thực hiện quá trình chuyển đổi xanh.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Tín dụng xanh đang được các ngân hàng triển khai ra sao? tại chuyên mục DIỄN ĐÀN TÀI CHÍNH của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714383958 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714383958 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10