Toan tính của phương Tây khi nhằm vào giới tài phiệt Nga
Mỹ và các đồng minh phương Tây đã áp đặt lệnh trừng phạt với các tỷ phú Nga nhằm đáp trả chiến dịch quân sự tại Ukraine. Đằng sau đó có thể là những toan tính gì?
>>>Chiêu “đánh vào tài phiệt Nga” liệu có dễ?
Mới đây, Mỹ thông báo sẽ mở rộng danh sách các nhà tài phiệt Nga phải chịu các lệnh trừng phạt ngăn chặn hoàn toàn, “mức hạn chế cao nhất” đối với các nhà tài phiệt Nga, cùng các thành viên trong gia đình và cộng sự của họ. Chưa đầy 1 giờ sau, Vương quốc Anh cũng công bố lệnh trừng phạt riêng rẽ đối với 2 tỷ phú Nga là Alisher Usmanov và Igor Shuvalov, những người được cho là nắm giữ tổng tài sản trị giá lên tới 19 tỷ USD.
“Nước Mỹ sẽ không chỉ dừng lại ở việc đóng băng tài sản của những mục tiêu này, mà sẽ thu giữ chúng”, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông báo trong bài phát biểu tại State of the Union.
Chịu trách nhiệm kiểm soát những tài sản này sẽ là KleptoCapture, một lực lượng đặc nhiệm của Bộ tư pháp Mỹ mới được công bố, với sự hỗ trợ từ Bộ ngân khố, FBI, IRS và các cơ quan liên bang khác.
Tuy nhiên, những nhà tài phiệt này là ai, mối quan hệ của họ với Tổng thống Vladimir Putin thế nào? Và quan trọng hơn, liệu sự trừng phạt từ Mỹ và phương Tây có thể thay đổi tiến trình chiến tranh ở Ukraine?
Giới tài phiệt Nga dưới thời Putin
Trong những năm 1990, các nhà tài phiệt có thế thượng phong với Điện Kremlin và thậm chí đôi khi có thể đưa ra chính sách. Dưới thời của Boris Nikolaevich Yeltsin, nhiều nhà tài phiệt đảm nhận các vị trí chính thức trong chính phủ.
Nhưng kể từ những năm 2000, dưới thời của Tổng thống Putin đã có sự khác biệt. Về cơ bản, ông Putin đã đề xuất một thỏa thuận: Các nhà tài phiệt sẽ đứng ngoài các hoạt động chính trị, còn Điện Kremlin sẽ đứng ngoài hoạt động kinh doanh của họ và để yên cho những khoản thu lợi, kể cả bất hợp pháp của họ.
Điện Kremlin của ông Putin đã áp dụng sức ép chính trị đối với các nhà tài phiệt trong các ngành chiến lược như truyền thông và tài nguyên thiên nhiên để bán lại cổ phần kiểm soát cho nhà nước.
Bên cạnh đó, chính quyền của Tổng thống Putin cũng thông qua luật ưu đãi cho các tập đoàn nhà nước. Những động thái này đã đảm bảo quyền kiểm soát của Điện Kremlin đối với nền kinh tế và cả đối với các nhà tài phiệt.
>>>Toan tính sai lầm của Putin
>>>Chiến sự Nga - Ukraine, lộ toan tính của nước lớn
"Ba sắc thái" của giới tài phiệt Nga
Nước Nga hiện tại, theo các nhà quan sát, đang có ba sắc thái chính của giới tài phiệt xung quanh Tổng thống Putin.
Đầu tiên là những người bạn của Putin, những người có quan hệ cá nhân với tổng thống. Nhiều người bạn thân của Putin - đặc biệt là những người từ những ngày còn ở St.Petersburg và KGB. Một vài người bạn gần gũi nhất của Putin ở St.Petersburg là Yuri Kovalchuk, thường được gọi là “chủ ngân hàng cá nhân” của Putin; Gennady Timchenko, người có tài sản quan trọng là công ty kinh doanh năng lượng Gunvor; và hai anh em Arkady và Boris Rotenberg, những người sở hữu tài sản trong lĩnh vực xây dựng, điện và đường ống.
Hiện tại, tất cả các cá nhân này đều đã bị Mỹ hoặc châu Âu ra lệnh trừng phạt, phong tỏa tài sản.
Nhóm thứ hai bao gồm các nhà lãnh đạo của các cơ quan an ninh của Nga, cảnh sát và quân đội - được gọi là "siloviki". Một số được gọi là "silovarchs", những cựu KGB, và bây giờ là FSB, các sĩ quan tình báo đã để mắt đến quyền lực và sự giàu có dưới thời Putin. Người đàn ông được cho là lãnh đạo không chính thức của siloviki là Igor Sechin, chủ tịch tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Rosneft, được nhiều người coi là người quyền lực thứ hai ở Nga.
Cuối cùng, số lượng lớn nhất là những người bên ngoài không có mối liên hệ cá nhân với Putin, quân đội hoặc FSB. Một số người hiện tại là những nhà tài phiệt của thời kỳ những năm 1990. Mặc dù Tổng thống Putin đã đè bẹp các nhân vật cản trở ông về mặt chính trị một cách có chọn lọc sau khi lên nắm quyền, nhưng ông đã không tìm cách loại bỏ hoàn toàn các nhà tài phiệt. Ví dụ, các nhà tài phiệt như Vladimir Potanin và Oleg Deripaska, những người đã tích lũy tài sản của mình trong những năm 1990, thường xuyên góp mặt trong danh sách những người Nga giàu nhất hiện nay.
Và toan tính của phương Tây?
Các chuyên gia cho rằng, việc thực thi biện pháp trừng phạt đối với giới tài phiệt khó có thể diễn ra nhanh chóng hoặc dễ dàng. Bởi nhiều người đã che giấu tài sản của họ thông qua các công ty vỏ bọc hoặc những nhân vật thân cận.
Alison Jimenez, Chủ tịch của công ty tư vấn tố tụng Dynamic Securities Analytics cho rằng: “Nếu bạn là một nhà tài phiệt người Nga và đang lênh đên trên du thuyền ở Ấn Độ Dương thì hầu hết tài sản của bạn sẽ không mang tên bạn. Bạn sẽ có những công ty bình phong hoặc những người khác đứng tên thay cho bạn”.
Rõ ràng, điều này có thể khiến một số biện pháp trừng phạt của phương Tây bị giảm tác dụng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, những biện pháp trừng phạt cá nhân này có thể là một đòn đánh vào tâm lý của các nhà tài phiệt Nga, làm suy giảm sự giàu có và có thể khiến họ quay lưng lại với Putin và góp phần thay đổi tiến trình chiến tranh.
Một số nhà tài phiệt đã lên tiếng phản đối chiến tranh, chẳng hạn như Chủ tịch Tập đoàn Alfa Mikhail Fridman và ông trùm kim loại Oleg Deripaska - cả hai đều đã bị phương Tây trừng phạt. Lukoil cũng kêu gọi kết thúc chiến tranh. Mặc dù Lukoil hiện không bị trừng phạt trực tiếp, nhưng các nhà kinh doanh dầu đã tránh xa các sản phẩm của họ để đề phòng.
Nhưng, có lẽ ở nước Nga hiện tại, quyền lực của Tổng thống Putin chứ không phải giới tài phiệt mới là thứ quan trọng nhất. Ngày nào ông Putin vẫn còn giữ được quyền kiểm soát Siloviki, thì giới tài phiệt nước này sẽ không có nhiều tiếng nói.
Có thể bạn quan tâm
Căng thẳng Nga - Ukraine mở rộng tác động trên nhiều lĩnh vực
04:05, 04/03/2022
Chiến sự Nga - Ukraine, lộ toan tính của nước lớn
08:43, 03/03/2022
Xung đột Nga - Ukraine: Ngân hàng Trung ương Nga đối diện áp lực trừng phạt
16:00, 02/03/2022
Chiến sự Nga - Ukraine: Kịch bản nào cho ông Putin?
15:02, 01/03/2022
Chiến tranh Nga - Ukraine, một tiền lệ nguy hiểm
05:30, 01/03/2022
Những công ty nào có thể bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine?
11:25, 28/02/2022