Hệ lụy từ lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga của Mỹ?
Lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga của Mỹ sẽ đẩy Moscow xích lại gần Bắc Kinh và tăng cường sức mạnh cho Trung Quốc. Điều mà nước Mỹ có thể không lường trước…
>>>Điều gì xảy ra nếu Mỹ cấm nhập khẩu dầu từ Nga?
“Tính quá hóa vụng”…
Động lực của Nga để mở rộng quan hệ kinh tế với Trung Quốc đã tăng lên vào thứ Ba, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố cấm nhập khẩu dầu và các sản phẩm dầu của Nga, nước Anh đã nhanh chóng làm theo sau đó.
Động thái này được kỳ vọng là đòn thắt chặt thòng lọng kinh tế quanh cổ nước Nga của Mỹ và đồng minh châu Âu. Nhưng, hậu quả nhãn tiền là nó đã đẩy giá dầu tăng cao kỷ lục khi trong một phiên giao dịch tại London gần đây, giá dầu thô Brent tiêu chuẩn quốc tế, đã có giá 131 USD/thùng, tăng 93% trong một năm. Và có thể còn cao hơn nữa…
Tương lai, Nga không thể bán dầu và khí đốt tự nhiên của mình cho Mỹ và châu Âu, chắc chắn họ sẽ chuyển hướng sang phía Đông và bán chúng cho Trung Quốc. Và có vẻ như một quá trình chuyển đổi thị trường đang được tiến hành.
Đây có thể sẽ là một bài test nặng ký cho khả năng chịu đựng của EU. Sai lầm của EU là phụ thuộc quá nhiều vào năng lượng của Nga, khiến lúc này họ không thể tự chủ. Đó là lý do tại sao Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Ý Mario Draghi, và một số các nhà lãnh đạo châu Âu khác, đã vận động để năng lượng của Nga được miễn trừ khỏi các lệnh trừng phạt của châu Âu.
Mặc dù EU đã tìm cách tự chủ bằng cách mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ và Qatar, tăng cường nỗ lực năng lượng tái tạo, xây dựng lại các lò phản ứng hạt nhân cũ, khởi động lò phản ứng mới, và có thể tiếp tục thực hiện theo kế hoạch các lò đốt than còn lại của họ. Nhưng, đó phải là một quá trình dài hơi, mất hàng vài năm chứ không phải ngay lúc này.
>>>Mỹ cấm nhập dầu từ Nga, giá dầu tiếp tục lên cao
>>>Giá dầu leo cao có thể tác động đến suy thoái kinh tế
“Dưỡng hổ di họa”…
Các nhà quan sát cho rằng, Trung Quốc và Nga đã mở rộng quan hệ kinh tế trong những năm gần đây và các lệnh trừng phạt chống lại Nga, mà Trung Quốc không ủng hộ, sẽ chỉ khiến họ xích lại gần nhau hơn.
Theo dữ liệu chính thức của Trung Quốc, thương mại giữa hai nước đã tăng 36% vào năm ngoái lên gần 147 tỷ USD và tăng đều đặn kể từ năm 2014, khi Nga bị đưa vào danh sách trừng phạt. Trung Quốc hiện là điểm đến xuất khẩu số 1 của Nga. Thị trường Trung Quốc tràn ngập các mặt hàng từ nông nghiệp cho đến hydrocacbon của Nga.
Có một điều chắc chắn, bất kỳ loại dầu nào mà Nga không thể bán cho phương Tây sẽ được Trung Quốc mua vui vẻ, và hơn thế nữa vì dầu thô Urals chuẩn của Nga đang được giao dịch với mức chiết khấu mạnh - thấp hơn tới 30 USD/thùng so với dầu Brent trong những ngày gần đây. Mà dầu thì luôn có tính di động, các tàu chở dầu nếu không đi về hướng tây, đơn giản là sẽ quay đầu lại và đi về hướng đông.
Có thể với khí đốt, điều này là chưa thực tế vì nó thường được vận chuyển bằng đường ống. Trung Quốc muốn mua thêm khí đốt của Nga nhưng không thể, ít nhất là không phải ngay lập tức.
Tuy nhiên theo thời gian, Nga sẽ mở rộng mạng lưới đường ống dẫn khí đốt sang Trung Quốc, tất nhiên điều đó sẽ mất nhiều năm. Trong khi đó, có vẻ như Nga sẽ tiếp tục xuất khẩu khí đốt sang châu Âu vì châu Âu không có giải pháp thay thế khí đốt của Nga và sẵn sàng trả rất nhiều tiền cho nó.
Có thể thấy điều này sẽ dẫn đến cái gì?
Thời gian tới, Nga sẽ không chỉ bán nhiều dầu khí và các mặt hàng khác cho Trung Quốc, mà họ sẽ nhập khẩu nhiều công nghệ của nước này hơn nữa và sử dụng nguồn tài chính đó để đầu tư vào các dự án hydrocacbon. Đã có tin đồn rằng các công ty Trung Quốc có thể mua cổ phần trong các tập đoàn năng lượng của Nga đang bị các công ty phương Tây bỏ rơi. Đầu tiên là 20% cổ phần của BP trong công ty dầu mỏ khổng lồ Rosneft.
Có thể còn nhiều hơn nữa. Trung Quốc và Nga sẽ bắt tay nhau để tạo ra hệ thống thanh toán liên ngân hàng của riêng họ ngay bây giờ khi các ngân hàng Nga đang bị cấm tham gia mạng SWIFT. Họ cũng sẽ cố gắng thúc đẩy hồ sơ và sự chấp nhận tiền tệ quốc gia của họ, một quá trình sẽ không nhanh chóng, bởi vì đồng đô la Mỹ hoàn toàn chi phối các thỏa thuận thương mại quốc tế. Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc sẽ đẩy mạnh phi đô la hóa các giao dịch nước ngoài của họ.
Về lý thuyết, Mỹ và các đồng minh châu Âu đang nỗ lực để cô lập và trừng phạt Nga. Nhưng khi làm như vậy, họ chỉ có thể đẩy Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn, khiến Trung Quốc trở nên mạnh mẽ hơn.
"Dưỡng hổ di họa", ngạn ngữ Trung Quốc vẫn nói vậy. Một Trung Quốc mạnh hơn và có khả năng bành trướng sẽ là “cơn đau đầu” tiếp theo của Tổng thống Mỹ.
Có thể bạn quan tâm
Chiến sự Nga - Ukraine và nghịch lý cấm vận
04:30, 09/03/2022
Xung đột Nga - Ukraine đang đẩy ngành ô tô vào cuộc khủng hoảng mới
16:22, 08/03/2022
Chiến sự Nga - Ukraine, thế giới nơm nớp lo cái ăn
16:00, 07/03/2022
Chiến sự Nga - Ukraine, lộ toan tính của nước lớn
08:43, 03/03/2022
Xung đột Nga - Ukraine: Ngân hàng Trung ương Nga đối diện áp lực trừng phạt
16:00, 02/03/2022
Chiến sự Nga - Ukraine: Kịch bản nào cho ông Putin?
15:02, 01/03/2022