Mỹ có trở thành nhà cung cấp năng lượng cho châu Âu thay Nga?

CẨM ANH 27/03/2022 04:01

Liên minh châu Âu vẫn gặp khó trong việc giảm sự phụ thuộc vào nguồn khí đốt Nga dù Mỹ sẽ trợ giúp trong thời gian tới.

>>Thị trường dầu mỏ đứng trước khủng hoảng nguồn cung lớn nhất trong nhiều thập kỷ

Chủ tịch Ủy ban châu Âu

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Tổng thống Mỹ Joe Biden trong buổi họp báo chung

Mới đây, Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã thông báo Mỹ và EC sẽ thành lập một lực lượng đặc nhiệm chung để giúp Liên minh châu Âu (EU) thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.

Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố rằng lực lượng đặc nhiệm sẽ “làm việc nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho Ukraine và EU để chuẩn bị cho mùa đông tới và những mùa đông tiếp theo”. Đồng thời, lực lượng đặc nhiệm này cũng hỗ trợ mục tiêu của EU là chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga cũng như không làm tổn hại đến các chính sách khí hậu của cả hai bên.

Dự kiến Mỹ sẽ làm việc với các đối tác quốc tế để cung cấp thêm ít nhất 15 tỉ mét khối khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho châu Âu trong năm nay. Mục tiêu dài hạn hơn của thỏa thuận là đảm bảo khoảng 50 tỷ mét khối khí tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ tới EU mỗi năm, ít nhất là tới năm 2030.

Có thể thấy, chiến sự tại Ukraine đã tạo động lực thúc đẩy cho các quốc gia châu Âu tìm cách giảm phụ thuộc nguồn nguyên liệu từ Nga. Với những lời kêu gọi ngày càng tăng đối với châu Âu để chặn nhập khẩu năng lượng của Nga, các chính phủ hiện đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp thay thế nhằm cắt giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu của khối từ Nga trong năm tới.

Các mốc thời gian của Đức là một bước ngoặt đáng chú ý của nền kinh tế lớn nhất châu Âu, vốn từ lâu đã phụ thuộc nhiều vào Nga về năng lượng khi mới chỉ vài tháng trước, Đức vẫn đang nhắm đến việc mua nhiều khí đốt tự nhiên hơn nữa từ Moscow thông qua một đường ống mới có tên Nord Stream 2.

Các giám đốc công ty dầu mỏ và khí đốt đã tỏ ra bất ngờ khi được kêu gọi giúp các đồng minh châu Âu thoát khỏi năng lượng Nga. "Tôi không biết châu Âu sẽ làm điều này như thế nào, nhưng tôi không muốn chỉ trích họ, bởi đây là lần đầu tiên họ cố gắng làm điều đúng đắn", Charif Souki, chủ tịch Tellurian, nhà sản xuất khí đốt của Mỹ đang có kế hoạch xây một kho lưu trữ xuất khẩu ở Louisiana, nói.

>>Vai trò dầu mỏ với chiến sự Nga - Ukraine

tàu chờ khí hóa lỏng của Nga, tại cảng Bilbao, Tây Ban Nha

Tàu chờ khí hóa lỏng của Nga, tại cảng Bilbao, Tây Ban Nha

Tuy nhiên, khi các nhà hoạch định chính sách chuẩn bị cho tình trạng thiếu khí đốt và tìm các nguồn cung khác ngoài Nga, các chuyên gia cho rằng, châu Âu phải đối mặt với một số câu hỏi hóc búa về an ninh năng lượng.

Không thể loại trừ một cú sốc năng lượng sẽ xảy ra trong thời gian tới. Ba Lan đã thúc giục EU cấm tất cả các hoạt động nhập khẩu năng lượng của Nga, trong khi Moscow đe dọa cắt nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu để trả đũa các lệnh trừng phạt. Nhưng trong khi Đức đình chỉ Dự án đường ống Nord Stream 2, nước này đã phản đối các lời kêu gọi cấm vận toàn bộ đối với nhập khẩu năng lượng Nga và Thủ tướng Đức Olaf Scholz gọi việc tiếp tục là “cần thiết”.

Gerhard Mangott, giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Innsbruck, cho biết: "Tôi nghĩ châu Âu sẽ cắt nguồn cung dầu từ Nga, nhưng tôi nghi ngờ họ sẽ không cắt nguồn cung khí đốt. Và Moscow cũng có thể trả đũa bằng cách dừng việc cung cấp này".

Mặt khác, việc xây dựng các kho dự trữ LNG khá tốn kém. Mỗi kho dự trữ LNG xuất khẩu yêu cầu khoản đầu tư lên tới 10 tỷ USD, trong khi những kho nhập khẩu mất khoảng một tỷ USD. Mỹ có 7 kho xuất khẩu nhưng có khoảng hơn 10 kho dự trữ xuất khẩu của Mỹ đã được phê duyệt nhưng cần kinh phí để xây dựng.

Trong khi đó, 10 kho dự trữ LNG nhập khẩu của châu Âu cũng đang được thi công. Tuy nhiên, các công ty dầu khí Mỹ phàn nàn rằng quá trình xin giấy phép cho các đường ống dẫn khí và kho dự trữ LNG xuất khẩu mất nhiều thời gian hơn là xây dựng chúng.

Theo Kelly Sheehan, nhà vận động môi trường tại Sierra Club nhận định "Đây là cơ hội để các nước châu Âu giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Đồng thời tự bảo vệ mình trước bất ổn địa chính trị và lòng tham của các nhà sản xuất năng lượng".

Đồng quan điểm, Charlie Riedl, giám đốc điều hành tại Trung tâm Khí tự nhiên hóa lỏng, tin rằng Mỹ có thể dễ dàng đạt mục tiêu xuất khẩu thêm 15 tỷ mét khối LNG cho châu Âu. "Rõ ràng đó là dấu hiệu tích cực cho thấy châu Âu đang nỗ lực loại bỏ khí đốt Nga", ông Riedl nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Hệ lụy từ chiến sự Nga-Ukraine (Kỳ II): Cảnh báo cho Việt Nam

    Hệ lụy từ chiến sự Nga-Ukraine (Kỳ II): Cảnh báo cho Việt Nam

    02:00, 24/03/2022

  • Vai trò dầu mỏ với chiến sự Nga - Ukraine

    Vai trò dầu mỏ với chiến sự Nga - Ukraine

    05:12, 23/03/2022

  • Cấm vận dầu từ Nga có thể đẩy giá dầu lên 300 USD/thùng

    Cấm vận dầu từ Nga có thể đẩy giá dầu lên 300 USD/thùng

    04:30, 23/03/2022

  • Các “gã khổng lồ” dầu mỏ đang kiếm bộn tiền!

    Các “gã khổng lồ” dầu mỏ đang kiếm bộn tiền!

    04:00, 22/03/2022

  • Tổng thống Nga: Còn quá sớm để giao dịch dầu mỏ bằng tiền điện tử

    Tổng thống Nga: Còn quá sớm để giao dịch dầu mỏ bằng tiền điện tử

    12:21, 18/10/2021

CẨM ANH