Hệ lụy từ chiến sự Nga-Ukraine (Kỳ II): Cảnh báo cho Việt Nam

TS. BÙI NGỌC SƠN, Chuyên gia kinh tế độc lập 24/03/2022 02:00

Tác động trực tiếp của xung đột Nga-Ukraine đến Việt Nam không lớn. Tuy nhiên, tác động gián tiếp có thể là đáng kể.

>>Vai trò dầu mỏ với chiến sự Nga - Ukraine

Việt Nam vẫn được hưởng lợi từ sự phân bố lại chuỗi cung ứng, nhưng đó chỉ là những phần không quan trọng của chuỗi cung ứng có giá trị gia tăng thấp và dễ bị thay thế.

 Quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Nga và Ukraine chỉ chiếm 1,2% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam năm 2021.

Quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Nga và Ukraine chỉ chiếm 1,2% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam năm 2021.

Phân bổ lại các chuỗi cung ứng

Xung đột Nga-Ukraine tiếp tục tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới theo hướng làm trầm trọng thêm sự đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, kéo theo khủng hoảng lương thực toàn cầu và các NHTW chịu áp lực phải nâng lãi suất. Thậm chí, Golman Sachs còn cho rằng nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới đang tăng lên tới mức 35%. Ngân hàng này cho rằng EU quá lệ thuộc vào dầu lửa và khí gas nhập khẩu. Khi giá các mặt hàng này tăng, các hộ gia đình sẽ phải cắt giảm chi tiêu, làm giảm tăng trưởng. Mỹ ít bị ảnh hưởng hơn nhưng cũng khó tránh được hiệu ứng này vì kinh tế Mỹ quý 1/2022 có thể tăng trưởng rất thấp.

Hiện tại, còn quá sớm để đưa ra khẳng định về việc liệu nền kinh tế thế giới có rơi vào tình trạng lạm phát đình đốn hay không. Vì cuộc xung đột Nga-Ukraine mới xảy ra và đang tiếp tục, cũng như các NHTW vẫn cho rằng có thể giải quyết các mất cân bằng vĩ mô.

Về dài hạn, cuộc xung đột này cho thấy sự căng thẳng về địa chính trị và địa kinh tế giữa một bên là Mỹ và phương Tây với một bên là Trung Quốc và Nga sẽ gia tăng. Điều này sẽ làm tăng nhanh quá trình phân bố lại các chuỗi cung ứng toàn cầu bắt đầu từ thời Tổng thống Trump và sau đó được thúc đẩy bởi COVID-19.

Các nhà đầu tư buộc phải tính toán lại việc phân bố các chuỗi cung ứng của họ sao cho an toàn trong bối cảnh địa chính trị và địa kinh tế thế giới đang có khuynh hướng bất ổn hơn. Điều này sẽ dẫn đến sự thay đổi cấu trúc kinh tế, dòng chảy thương mại và đầu tư trên toàn cầu. Các chuỗi có tầm chiến lược về an ninh sẽ có khuynh hướng rút về chính quốc và/hoặc gần nhà và/hoặc các đồng minh tin cậy. Các chuỗi còn lại có thể vẫn theo mô hình Trung Quốc + 1, theo đó Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam là một lựa chọn tốt bên cạnh Trung Quốc nhờ có vị trí gần Trung Quốc và là các nền kinh tế năng động của thế giới.

>>Hệ lụy từ chiến sự Nga-Ukraine (Kỳ I): Nguy cơ lạm phát đình đốn

>>Khủng hoảng Nga-Ukraine và nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu

Tác động đến Việt Nam

Quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Nga và Ukraine chỉ chiếm 1,2% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam năm 2021 nên tác động trực tiếp của xung đột Nga-Ukraine đến Việt Nam là không lớn. Tuy nhiên, tác động gián tiếp có thể rất đáng kể, có thể dễ dàng nhận thấy thông qua giá hàng nguyên liệu, đặc biệt là dầu thô và lương thực. Giá xăng dầu tại Việt Nam hiện đã tăng cao nhất trong lịch sử, khiến áp lực lạm phát tăng cao. Về mặt giá lương thực, Việt Nam là nước xuất khẩu lương thực lớn, nên áp lực từ sự khan hiếm là không đáng kể. Tuy nhiên, Việt Nam lại lệ thuộc vào nhập khẩu phân bón, nên giá phân bón tăng có thể khiến giá lương thực và thực phẩm tăng theo. Lưu ý, giá lương thực và thực phẩm cùng với giá xăng có tỷ trọng lớn trong rổ tính toán chỉ số CPI của Việt Nam.

Điều quan trọng, khi FED nâng lãi suất sẽ khiến VND mất giá, càng làm áp lực lạm phát tăng cao hơn nữa vì giá hàng nhập khẩu tăng mạnh. Cả hai tác động kể trên sẽ tạo áp lực lớn đến lạm phát ở Việt Nam trong năm 2022.

Ngoài ra, tình trạng đình công đòi nâng lương lan rộng cũng sẽ gây áp lực lên lạm phát khi các doanh nghiệp phải chấp nhận tăng lương để duy trì lực lượng lao động. Nếu không có hành động thích hợp, lạm phát sẽ khó kiểm soát hơn.

Trong bối cảnh nêu trên, NHNN cần theo dõi sát diễn biễn của giá cả và lạm phát để có can thiệp kịp thời. Nếu cần phải nâng lãi suất để chống lạm phát nhằm ổn định vĩ mô dù phải hy sinh phục hồi tăng trưởng phần nào, cũng vẫn nên làm.

Về dài hạn, sự phân rã giữa Mỹ và phương Tây với Trung Quốc (có thể là thêm Nga) có thể đem lại lợi ích cho Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn lệ thuộc vào Trung Quốc về một số mặt, nên vẫn chưa thể được xem là nơi thực sự an toàn cho sự dịch chuyển các chuỗi cung ứng quan trọng có giá trị cao.

Hơn nữa, Việt Nam còn thiếu nhiều điều kiện để các công ty nước ngoài đủ tin tưởng phân bố chuỗi cung ứng sang Việt Nam như: môi trường kinh doanh chưa tốt, nạn tham nhũng còn cao; cơ sở hạ tầng không đủ tốt, Việt Nam chưa có cảng biển và/hay sân bay lớn; logistics yếu kém và đắt đỏ; nguồn nhân lực kỹ năng cao không đủ đáp ứng, không có nền công nghiệp hỗ trợ đủ tốt…

Trong khi đó, các nước như Indonesia, Thái Lan, Malaysia đang ráo riết thay đổi để nâng mức cạnh tranh thu hút dòng vốn và công nghệ từ sự phân bố lại chuỗi cung ứng toàn cầu.

Doanh nghiệp cần lưu ý gì?

Để có thể thu hút được các chuỗi cung ứng có giá trị cao, Việt Nam cần đưa ra được một chiến lược và một kế hoạch rõ ràng nhằm khắc phục những thiếu sót nêu trên.

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, cần lưu ý các điểm gợi ý sau:

Thứ nhất, sự bất ổn từ cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ kéo dài, dù cuộc xung đột có thể sớm chấm dứt vì các lệnh trừng phạt và trả đũa lẫn nhau còn kéo dài.

Thứ hai, các doanh nghiệp chỉ nên thực hiện những dự án nào được đánh giá là có độ tin cậy cao. Đối với những dự án chưa có độ chắc chắn, doanh nghiệp nên tạm ngừng để xem xét.

Thứ ba, khi thực hiện một dự án nào, doanh nghiệp cần lưu ý để dự phòng rủi ro, đặc biệt là rủi ro thanh toán và rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng.

Thứ tư, cách đề phòng tốt nhất là nên mua bảo hiểm rủi ro tài chính đối với rủi ro thanh toán. Còn đối với rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng thì doanh nghiệp cần tăng lượng tồn kho, đồng thời cần đặt hàng và đặt hàng vận chuyển sớm hơn để đảm bảo hoạt động sản xuất được liên tục.

Có thể bạn quan tâm

  • Vai trò dầu mỏ với chiến sự Nga - Ukraine

    05:12, 23/03/2022

  • Thế “chân vạc” sau chiến sự Nga - Ukraine

    06:15, 21/03/2022

  • Giá vàng tuần tới: Chiến sự Nga-Ukraine sẽ “lấn át” dư âm của FED

    05:30, 20/03/2022

  • Hệ lụy từ chiến sự Nga-Ukraine (Kỳ I): Nguy cơ lạm phát đình đốn

    02:47, 20/03/2022

  • Putin có thể “giã từ vũ khí” tại Ukraine?

    05:30, 17/03/2022

  • Tòa án Công lý Quốc tế yêu cầu Nga chấm dứt chiến dịch tại Ukraine

    04:15, 17/03/2022

  • Chiến sự Nga - Ukraine: Nước mắt Việt kiều ngày trở về

    03:30, 17/03/2022

  • Chiến sự Nga - Ukraine: Tương lai nào cho Việt kiều Ukraine?

    03:00, 17/03/2022

  • Khủng hoảng Nga-Ukraine và nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu

    01:56, 17/03/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hệ lụy từ chiến sự Nga-Ukraine (Kỳ II): Cảnh báo cho Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO