Chiếm Severodonetsk, Nga sẽ tiến quân về hướng nào?
Severodonetsk và Lysychansk vẫn đang là tâm điểm mục tiêu pháo kích không ngừng của lực lượng Nga, trong đó Severodonetsk có nguy cơ bị thất thủ sớm.
>>"Bơm" vũ lực cho Ukraine chống Nga, phương Tây đã sai lầm?
Hai thành phố ở hai bên bờ sông Donets đã trở thành "rốn hỏa lực" trong nhiều tuần giao tranh dữ dội ở chiến trường miền Đông Ukraine. Với ưu thế pháo binh của mình, lực lượng Nga đang tận dụng vũ khí này để tìm cách đè bẹp sức kháng cự của quân đội Ukraine. Tổng thống Volodymyr Zelensky gần đây gọi chúng là "thành phố chết".
Giới chức Ukraine cho rằng mục tiêu của Nga rất rõ ràng: kiểm soát hai thành phố Severodonetsk và Lysychansk bằng mọi giá, ngay cả khi phải san phẳng chúng thành bình địa, để có thể tiếp tục tiến quân về hướng Tây.
Một trong những thành phố khác là Bakhmut cũng đang ghi nhận cuộc đối đầu giữa Nga và Ukraine ngày càng gia tăng trong những tuần gần đây. Bakhmut nằm bên con đường chính dẫn đến hai thành phố Lysychansk và Severodonetsk. Trong nhiều tuần, các lực lượng Nga đã bắn phá các khu vực Bakhmut nhằm chia cắt hai thành phố này khỏi phần còn lại của lãnh thổ do Ukraine kiểm soát.
Trong khi đó, về phía Ukraine, chiến lược phòng thủ của quân đội nước này lại chưa rõ ràng, thậm chí rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan giữa lựa chọn cố thủ hay rút lui khỏi Severodonetsk. Giới phân tích cho rằng Severodonetsk giờ đây không còn nhiều ý nghĩa về mặt quân sự và việc lực lượng Ukraine cố thủ ở đây có nguy cơ tạo ra một Mariupol thứ hai.
>>Cuộc chiến Nga - Ukraine: "Đô tranh, Rúp đấu"
Trước đó, Tổng thống Zelensky không loại trừ phương án rút quân khỏi Severodonetsk. Nhưng đến tối 8/6, ông lại nhấn mạnh tầm quan trọng của thành phố này, cho rằng đây là nơi định đoạt xung đột ở miền Đông Ukraine.
Có thể thấy, Nga đang dành được nhiều lợi thế hơn và được trang bị vũ khí tốt hơn, nhờ đó, quân đội quốc gia này đang đạt được những bước tiến chậm mà chắc. Cố vấn Tổng thống Ukraine cũng cho biết thêm, hiện tại, khoảng 90% tổn thất trong chiến đấu của phía Ukraine là do pháo binh Nga gây ra. Lực lượng của đối phương vượt trội hơn hẳn so với Ukraine.
"Đặc biệt, pháo kích hiệu quả sẽ tạo ra những tác động mang tính quyết định ngày một rõ trong tình thế chiến đấu giằng co ở phía Đông Ukraine", các chuyên gia tại ISW đánh giá.
Theo nhận định từ Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) của Mỹ, kho vũ khí và đạn dược thời Liên Xô trong biên chế quân đội Ukraine sắp cạn kiệt hoặc bị phá hủy gần hết sau hơn ba tháng giao tranh, khiến Kiev chỉ còn trông cậy được vào khí tài do phương Tây viện trợ.
Hiện nay, Ukraine vẫn đang nỗ lực kêu gọi phương Tây đẩy mạnh hỗ trợ vũ khí. Cố vấn Tổng thống Ukraine, ông Mikhail Podolyak cho biết, Kiev muốn các nước phương Tây chuyển thêm khoảng 300 hệ thống phóng rocket đa nòng.
Số vũ khí mà phương Tây cam kết cung cấp cho Ukraine ngày càng tăng, nhưng không thể nhanh chóng đưa tới chiến trường. Tuy nhiên, không rõ bao nhiêu trong số vũ khí phương Tây vận chuyển đã đến được tay những người lính Ukraine ở chiến trường và liệu chúng có đủ hay không.
Tổng thống Ukraine Zelensky cũng đã ký luật thông qua việc điều động các quân nhân thuộc Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ của Ukraine tới các khu vực chiến đấu, không chỉ tại những khu vực giao tranh hiện tại mà còn cả tại những khu vực Ukraine coi là lãnh thổ bị chiếm đóng.
Có thể bạn quan tâm
Thủ tướng Nhật Bản: "Đông Á ngày mai có thể giống Ukraine hôm nay"
04:35, 12/06/2022
Mất Severodonetsk, Ukraine có nguy cơ "vỡ trận"
05:13, 11/06/2022
"Bơm" vũ lực cho Ukraine chống Nga, phương Tây đã sai lầm?
05:15, 10/06/2022
Cuộc chiến Nga - Ukraine: "Đô tranh, Rúp đấu"
05:00, 10/06/2022
Sắp thất bại ở Severodonetsk, vì sao Ukraine vẫn cố bảo vệ thành phố này?
03:27, 09/06/2022