Nhịp sống thế giới từ ngày 27/6- 2/7
Indonesia nỗ lực trở thành cầu nối giữa Nga và Ukraine; NATO thúc đẩy kết nạp Phần Lan, Thụy Điển; Kinh tế Canada bất ngờ suy yếu.. là những tin đáng chú ý trong tuần nay.
>>Nhịp sống thế giới từ ngày 20- 25/6
1. Thâm hụt thương mại của Hàn Quốc cao nhất trong vòng 25 năm
Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc (MOTIE) vừa công bố số liệu xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2022, trong đó ghi nhận cán cân thương mại thâm hụt 10,3 tỷ USD. Đây là mức thâm hụt 6 tháng đầu năm cao nhất được Hàn Quốc ghi nhận kể từ mức thâm hụt 9,16 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 1997.
2. Lạm phát tại Eurozone tăng lên mức kỷ lục mới
Theo số liệu Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), lạm phát tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 6 vừa qua đã tăng lên mức kỷ lục mới, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tại Ukraine tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế khu vực. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng tại 19 nước thành viên Eurozone trong tháng 6 tăng 8,6%, vượt mức kỷ lục trước đó là 8,1% ghi nhận trong tháng 5.
3. Lạm phát của Malaysia ở mức thấp nhất thế giới
Bộ trưởng Truyền thông và Đa phương tiện Malaysia, Trưởng ban đặc nhiệm chống lạm phát Annuar Musa cho biết, tỷ lệ lạm phát của Malaysia vẫn nằm trong số nước thấp nhất trên thế giới do chính phủ đã thực thi các biện pháp kiểm soát giá hàng hóa và nhu yếu phẩm, đồng thời chính phủ cam kết tiếp tục duy trì ổn định giá tiêu dùng vì đời sống của người dân. Malaysia đã giữ được tỷ lệ lạm phát ở mức 2,8%. Đây là mức thấp nhất trong ASEAN và thấp hơn nhiều so với các nước phát triển.
4. Kinh tế Canada bất ngờ suy yếu
Theo dữ liệu sơ bộ từ Cơ quan Thống kê Canada (Statscan), nền kinh tế Canada bất ngờ đi xuống trong tháng 5/2022. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Canada trong tháng 5/2022 đã giảm 0,2% so với tháng 4/2022, với sự sụt giảm sản lượng trong các lĩnh vực khai mỏ, năng lượng, sản xuất và xây dựng.
5. OPEC+ bám sát kế hoạch tăng sản lượng trong tháng 7- 8/2022
Nhóm OPEC+ cho biết họ sẽ bám sát kế hoạch tăng sản lượng dầu vào tháng 8 tới. Trước đó, OPEC+ đã quyết định tăng sản lượng mỗi tháng thêm 648.000 thùng/ngày vào tháng 7 và tháng 8/2022, tăng so với kế hoạch trước đó là tăng thêm 432.000 thùng/tháng.
>>Nhịp sống thế giới từ ngày 13-18/6
6. Nga áp dụng luật nhập khẩu song song
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành luật về "nhập khẩu song song" trong nước nhằm bình ổn giá cả trong bối cảnh Nga đang phải ứng phó với các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây. Theo luật này, các công ty Nga được phép nhập khẩu danh mục hàng hóa hiện hành mà không cần được sự đồng ý của chủ thể có quyền sở hữu công nghiệp. Hoạt động nhập khẩu này được miễn truy cứu trách nhiệm về dân sự, hành chính và hình sự. Luật cũng cho phép Chính phủ Nga đưa ra danh mục hàng hóa được hưởng lợi theo luật mới.
7. Mỹ bắt đầu đàm phán vấn đề áp giá trần năng lượng Nga
Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, Mỹ đã bắt đầu đàm phán với Ấn Độ về cơ chế áp giá trần với dầu mỏ nhập khẩu từ Nga cũng như những tác động nếu có. Dự kiến, các cuộc thảo luận về việc áp giá trần với dầu mỏ của Nga sẽ sớm được tiến hành với các quốc gia tiêu thụ dầu ít hơn ở châu Phi và Mỹ Latinh, cũng như với các công ty năng lượng trên toàn cầu.
8. G7 nhất trí đầu tư vào khí đốt tự nhiên
Nhóm các quốc gia công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tán thành các khoản đầu tư vào khí đốt tự nhiên trong bối cảnh nhiều nước muốn giảm phụ thuộc vào nhiên liệu của Nga. Các quốc gia G7 nói rõ rằng trong một số trường hợp, đầu tư của chính phủ vào lĩnh vực khí đốt có thể “thích hợp như một phản ứng tạm thời”.
9. NATO thúc đẩy việc kết nạp Phần Lan, Thụy Điển
Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg thông báo, Nghị định thư gia nhập liên minh quân sự này của Phần Lan và Thụy Điển sẽ được ký vào ngày 5/7 tới. Tuy nhiên, quyết định kết nạp Phần Lan và Thụy Điển cần được quốc hội của 30 nước thành viên NATO thông qua. Tổng Thư ký Stoltenberg cho biết, quá trình này sẽ được đẩy nhanh hơn thông thường.
10. Indonesia nỗ lực trở thành cầu nối giữa Nga và Ukraine
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã có chuyến thăm tới Ukraine và Nga. Nhà lãnh đạo Indonesia hy vọng với những nỗ lực của mình, Nga và Ukraine sẽ đạt được một lệnh ngừng bắn và thậm chí nguyên thủ hai nước có thể đối thoại trực tiếp với nhau.
Có thể bạn quan tâm