EU giáng thêm đòn trừng phạt mới, kinh tế Nga sẽ "điêu đứng"?
Hội nghị các Ngoại trưởng EU đã nhất trí thông qua gói trừng phạt mới chống lại Nga bao gồm các biện pháp trừng phạt vào các tổ chức, cá nhân cũng như lệnh cấm vận đối vàng của Nga.
>>Mỹ và phương Tây sẽ bít “cửa thoát” cuối cùng của Nga?
Theo đó, 48 công dân, bao gồm một Phó Thủ tướng, một số người đứng đầu các khu vực, và 9 công ty của Nga bị áp đặt các hạn chế. Gói trừng phạt mới của EU đối với Nga cũng yêu cầu Sberbank thực hiện nghĩa vụ đối với các khách hàng cũ ở Hungary.
Bên cạnh đó, EU sẽ áp đặt lệnh cấm vận đối với vàng và thắt chặt thương mại hàng hóa lưỡng dụng, hạn chế hơn nữa việc mua sắm của chính phủ Nga và tiếp nhận tiền gửi, cấm cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán và tư vấn thuế. Đồng thời, các hạn chế mới không ảnh hưởng đến nguồn cung cấp năng lượng và ngân hàng Gazprombank, mà Châu Âu thanh toán khí đốt cho Nga.
Gói trừng phạt mới cũng tái khẳng định EU không nhắm vào các hoạt động giao dịch nông sản giữa các nước thứ ba và Nga, nhằm bác bỏ tuyên bố của Nga rằng lệnh trừng phạt của EU khiến giá lương thực toàn cầu tăng vọt.
Bộ trưởng Ngoại giao Séc Lipavský cho biết, EU cần xác định lại mối quan hệ với Nga sau cuộc xung đột hiện tại ở Ukraine. Cụ thể Bộ trưởng Lipavský nói: "Trước những hành động gần đây của Nga, các nguyên tắc và cách tiếp cận của EU đối với Nga dựa trên cơ sở cũ không còn được áp dụng nữa, EU cần xem xét một chiến lược dài hạn trong việc đối phó với Moscow".
Tuy nhiên, gói trừng phạt mới này không cấm nhập khẩu khí đốt và cũng không có các biện pháp trừng phạt bổ sung với dầu mỏ của Nga. Đồng thời EU cũng quyết định tái phân bổ 500 triệu euro từ Quỹ Hòa bình để tài trợ cho Ukraine nhằm tăng cường khả năng bảo vệ của nước này trong chiến sự Nga- Ukraine.
Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell thông tin, lệnh cấm đối với vàng của Nga là biện pháp quan trọng nhất trong kế hoạch mới nhất, chủ yếu tập trung vào việc “cải thiện việc thực hiện các lệnh trừng phạt hiện có”.
>>"Vén màn" trật tự thế giới mới hậu chiến sự Nga - Ukraine
Theo các chuyên gia, gói trừng phạt này sẽ gây ra một số tác động nhất định với Nga, nhưng điều này cũng cho thấy nỗi lo ngày càng lớn của EU về cách đối phó với Nga mà không gây những tác động tiêu cực cho chính nền kinh tế của khối.
Mặc dù hầu hết các quốc gia thành viên EU cho rằng các biện pháp trừng phạt đang phát huy tác dụng, nhưng sẽ cần nhiều thời gian để nền kinh tế Nga "ngấm đòn" trừng phạt. Nhưng thực tế cho thấy, một số nhà lãnh đạo EU và các nhà ngoại giao ở Brussels đang cảnh giác về áp lực lạm phát gia tăng, tác động đến sự thống nhất của khối trong việc đưa ra các lệnh trừng phạt đối với Nga và dấy lên nhiều hoài nghi về nỗ lực hỗ trợ Ukraine của châu Âu trong tương lai.
Theo ông Janis Kluge, chuyên gia về kinh tế Nga tại Viện Các vấn đề Quốc tế và An ninh Đức, Nga không thể “cầm cự” trong thời gian dài và sẽ hứng chịu một cuộc suy thoái sâu vào cuối năm nay. Song, tốc độ trừng phạt chậm và những nỗ lực của Moscow trong việc ổn định nền kinh tế đang giúp nước này chống chọi tốt hơn.
"Bất chấp những đòn trừng phạt liên tiếp từ phương Tây trong gần 5 tháng qua, Nga vẫn tiếp tục thu về hàng tỷ USD từ xuất khẩu năng lượng, trong khi chiến dịch quân sự ở miền Đông Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc. Điều này cho thấy các biện pháp trừng phạt kinh tế đang gây ra tác động mạnh mẽ đến cả Nga và châu Âu", chuyên gia Janis Kluge chỉ ra.
Các chuyên gia của Viện Tài chính Quốc tế (IIF) có trụ sở ở thủ đô Washington của Mỹ dự báo nền kinh tế Nga sẽ giảm 15% trong năm nay và thêm 3% nữa vào năm sau do các lệnh trừng phạt.
Có thể bạn quan tâm
Chiến sự Nga- Ukraine đánh thức "gã khổng lồ" châu Âu
12:10, 16/07/2022
Châu Âu nếm "trái đắng" khi cấm vận dầu mỏ của Nga
04:30, 17/06/2022
"NATO hóa” Châu Âu, thêm phép tính sai của Putin!
05:30, 02/05/2022
Nghịch lý lệnh trừng phạt của châu Âu với Nga
05:00, 01/05/2022
Châu Âu có thể chống đỡ trong cuộc chiến khí đốt với Nga?
04:30, 29/04/2022