Khủng hoảng chính trị Italy đe dọa Châu Âu
Khủng hoảng chính trị trầm trọng ở Italy do tác động của chiến sự Nga- Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây với Nga đang đe dọa sự ổn định của khu vực Châu Âu.
>>Ukraine tự quyết vận mệnh, vì sao Châu Âu lại "rạn nứt"?
Không tham chiến cũng không phải là quốc gia ủng hộ nhiệt tình cho Ukraine nhưng Italy vẫn không thể tránh khỏi tác động cực lớn làm chao đảo chính trường, chiếc ghế Thủ tướng của ông Mario Draghi và hệ thống chính trị nước này đang sụp xuống!
“Phong trào 5 sao” (M5S) đã rút lui khỏi liên minh cầm quyền, Thủ tướng Italy đã đệ đơn từ chức, Tổng thống Sergio Mattarella chấp thuận và giải tán Quốc hội mở đường cho kỳ bầu cử mới.
Nước Italy dày dặn, thành Rome cổ kính, kinh đô Milan hiện thân cho cái mới - những biểu tượng sức mạnh châu Âu một thời giờ mang thể trạng yếu ớt, thậm chí khủng hoảng chính trị là đặc trưng vốn có sau 7 thập kỷ có tới 65 đời chính phủ tham gia điều hành đất nước.
Chiến sự Nga - Ukraine gây ra cú sốc quá lớn, đập thẳng vào những yếu kém cố hữu của nền kinh tế lớn thứ 3 EU - những khối u ác tính sẵn sàng bục phát như: nợ công kỷ lục, suy giảm tăng trưởng, thui chột sáng tạo, mất tính năng động.
Thật khó tin khi nền kinh tế thuộc nhóm G7 đối diện với nguy cơ khủng hoảng thiếu lương thực từ mùa thu năm nay. Nguyên nhân chính do thiếu hụt nguồn cung từ Đông Âu và thời tiết khô nóng bất thường làm giảm sút 50% sản lượng.
Đau đầu hơn là cuộc khủng hoảng thiếu năng lượng, trầm trọng đến mức giá xăng, khí đốt tăng gần 50% so với năm ngoái. Thủ phạm không gì khác ngoài xung đột vũ trang ở Đông Âu. Rome chịu liên đới vì căng thẳng phát sinh giữa Moscow và Brussels.
Lạm phát ở Italy trong tháng 6/2022 đã tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu mức tăng lạm phát hàng tháng cao nhất trong 36 năm qua. Giá năng lượng đẩy giá thực phẩm chế biến lên cao với mức tăng 8,2% trong tháng 6, thực phẩm không chế biến tăng 9,6%, dịch vụ giải trí và chăm sóc cá nhân tăng 5,0%, vận tải tăng 7,2% và các dịch vụ chung tăng 3,4%.
Thủ tướng Draghi đã làm hết sức mình, ông đã cùng các đồng nghiệp Đức và Pháp sang Ukraine hồi tháng trước hy vọng có thể dàn xếp cuộc chiến bằng con đường ngoại giao, nhưng nỗ lực bất thành. Lãnh đạo M5S không muốn bị “mang tiếng” với dân chúng trong bối cảnh khó khăn cùng cực; bất lực trước khủng hoảng nên rút lui, kéo theo ông Draghi ra đi.
Khủng hoảng chính trị ở Italy nói riêng và Châu Âu nói chung xuất phát từ chiến sự Nga - Ukraine. Do đó, khi và chỉ khi chiến sự này kết thúc, Nga - EU “hòa thuận” mới có thể giải quyết dứt điểm cội nguồn rắc rối. Vậy nhưng bản thân châu Âu ở tình thế “cưỡi lưng hổ”, không thể đảo ngược tình thế - chẳng khác gì trao cho Putin thêm uy quyền tuyên bố chiến thắng.
Tác động từ Mỹ là yếu tố chủ đạo khiến EU đi đến thống nhất cấm vận dầu thô Nga, thế mà bản thân Washington không cách gì lấp đầy khoảng trống năng lượng khi Moscow ngưng cung cấp. OPEC, Trung Đông và thế giới Ả rập vốn không ưa gì phương Tây nên thật khó để họ hy sinh lợi ích cứu “lục địa già”.
Nền dân chủ phương Tây vốn hình thành trên nền tảng tôn sùng và bảo vệ tự do cá nhân - ở đó, người dân có thực quyền “đánh giá” chính trị gia. Thủ lĩnh đảng đối lập có thể phát động phong trào biểu tình đòi “thay máu” hệ thống chính trị nếu lợi ích bị xâm phạm.
Khủng hoảng chính trị ở Italy có nguy cơ lan rộng ra toàn châu Âu, cuộc khủng hoảng này phơi bày điểm yếu của châu lục này - hệ thống chính trị vô cùng “nhạy cảm”, lệ thuộc năng lượng, lương thực trong khi nhiều nền kinh tế chủ chốt đã già cỗi không đủ sức tái sinh mau lẹ như thời kỳ sau thế chiến II.
Điều đó gián tiếp chứng minh vì sao ông Putin tự tin vào “vũ khí năng lượng” đến như vậy. Không chỉ Italy mà ở Đức, Pháp cũng đối mặt với biến cố chính trị do cấm vận Nga.
Có thể bạn quan tâm
"Vén màn" trật tự thế giới mới hậu chiến sự Nga - Ukraine
05:10, 19/07/2022
Chiến sự Nga - Ukraine: Nga sẽ bớt đi một đối thủ lớn?
05:00, 17/07/2022
Trật tự kinh tế thế giới mới (Kỳ II): Cục diện hậu chiến sự Nga - Ukraine
12:00, 10/07/2022
Chiến sự Nga - Ukraine: Phần thắng sẽ thuộc về ai?
05:10, 06/07/2022
Chiến sự Nga - Ukraine: Nhớ “cỗ máy đàm phán” Merkel
05:13, 22/06/2022
"Giật mình" với những toan tính địa chính trị trong chiến sự Nga - Ukraine
05:14, 21/06/2022
Chiến sự Nga - Ukraine và mối nguy vũ khí hạt nhân
05:10, 14/06/2022
Donbass- “vật tế thần” trong chiến sự Nga - Ukraine?
05:10, 08/06/2022