Chiến sự Nga- Ukraine: Ukraine sắp "cạn kiệt" vũ khí viện trợ

CẨM ANH 15/08/2022 14:43

Bất chấp việc Mỹ và phương Tây đang tiếp tục viện trợ cho Ukraine, nhưng nhiều chuyên gia lo ngại kho vũ khí của các quốc gia phương Tây đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt.

>>Chiến sự Nga- Ukraine: "Nóng bỏng" tác chiến điện tử

Hệ thống xe phóng đạn HIMARS được Mỹ cung cấp cho Ukraine có khả năng cạn kiệt

Hệ thống xe phóng đạn HIMARS được Mỹ cung cấp cho Ukraine 

Mới đây, Mỹ đã chuyển giao tên lửa chống bức xạ cho lực lượng không quân Ukraine nhằm mục tiêu phá hủy những hệ thống vũ khí nguy hiểm nhất của Nga. Được biết, đây chỉ là một phần trong chiến lược nhằm đẩy lùi quân đội Nga khỏi lãnh thổ Ukraine và giúp quân đội nước này có khả năng chiến đấu hiệu quả hơn.

Mặc dù các quan chức thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ chưa xác nhận cụ thể về loại tên lửa chống bức xạ hay số lượng tên lửa được chuyển cho Ukraine nhưng CNN đưa tin, đó là các tên lửa chống bức xạ tốc độ cao AGM-88, có thể nhắm trúng mục tiêu cách xa gần 50 km với chi phí rất cao.

Trước đó, Lầu Năm Góc cũng cho biết cơ quan này đang chuẩn bị tăng cường mức độ hợp tác với Không quân Ukraine, trong đó bao gồm việc các lực lượng của Mỹ sẽ bắt đầu huấn luyện cho các phi công Ukraine điều khiển những máy bay chiến đấu tiên tiến của Mỹ.

Giới quan sát cho rằng, trong thời gian qua, giới chức Ukraine được cho là đã đề nghị phương Tây cung cấp những loại vũ khí có tầm bắn xa hơn nhằm tấn công cơ sở hậu cần của Nga nằm sâu phía sau tiền tuyến. Trong khi từ chối cung cấp những vũ khí như vậy vì lo ngại đối đầu với Nga, một số nước đã hỗ trợ Ukraine hoàn thiện các hệ thống vũ khí của chính nước này phát triển nhằm tấn công mục tiêu Nga.

Truyền thông quốc tế đưa tin, cựu Cố vấn Bộ Nội vụ Ukraine Victor Andrusiv gần đây tuyên bố nước này sở hữu các tên lửa với tầm bắn từ 200 - 300 km. Phát biểu trên Reuters, phát ngôn viên Natalia Humeniuk của Bộ Chỉ huy miền Nam quân đội Ukraine nói Kiev có thể tấn công gần như toàn bộ tuyến đường tiếp tế của Nga tại miền Nam Ukraine.

>>Chiến sự Nga- Ukraine: Nga ngày càng phụ thuộc Trung Quốc

F-16 mang các tên lửa AIM-120 AMRAAM (trên), AIM-9 Sidewinder (giữa) và AGM-88 HARM. Ảnh: Wikipedia

Máy bay F-16 mang các tên lửa AIM-120 AMRAAM (trên), AIM-9 Sidewinder (giữa) và AGM-88 HARM. Nguồn: Wikipedia

Tuy nhiên, với tình hình trên thực địa cho thấy khả năng cuộc chiến sẽ còn kéo dài, ông Mark Cancian, chuyên gia CSIS dự đoán, Ukraine có thể cạn kho vũ khí trong 3-4 tháng tới với tốc độ khai hỏa như hiện nay và nguồn viện trợ giảm dần từ Mỹ và các nước phương Tây.

Cụ thể, đại tá Cancian cho biết, Ukraine chỉ có đủ đạn cho hệ thống HIMARS trong một tháng. Lầu Năm Góc có thể phải cắt giảm lượng đạn HIMARS viện trợ cho Ukraine khi kho dự trữ của Mỹ cũng đang cạn dần.

Tương tự, Pháp đã chuyển giao cho Ukraine 18 lựu pháo hạng nặng Caesar, chiếm một phần tư kho dự trữ lựu pháo công nghệ cao của nước này. Trong khi Nexter, nhà sản xuất vũ khí của Pháp, cho biết cần đến 18 tháng để sản xuất một khẩu pháo tương tự. Điều này đồng nghĩa với việc nếu các loại vũ khí này tại Ukraine bị phá hủy hoặc sử dụng không hiệu quả, thì quốc gia này sẽ rất khó để nhận viện trợ từ phương Tây trong thời gian sớm nhất.

Trên thực tế, các kho dự trữ quốc phòng của các nước phương Tây đang ở trong tình trạng cạn kiệt dần. Bởi các quốc gia này đang thiếu lao động và gặp khó khăn do dứt gãy chuỗi cung toàn cầu, đặc biệt là chip máy tính. Điều này đồng nghĩa với việc cần một khoảng thời gian dài để có thể bổ sung những linh kiện bị thiếu.

Chắc chắn một điều rằng phương Tây sẽ không dốc cạn kiệt kho vũ khí cơ bản của mình để cung cấp cho Ukraine dù các quan chức phương Tây cho biết hầu hết các thiết bị cung cấp cho Ukraine vẫn có sẵn hoặc có thể tìm được loại vũ khí tương đương.

Ông Jamie Shea, cựu Giám đốc hoạch định chính sách của NATO, hiện là cộng sự tại Chatham House, Vương quốc Anh nhận định, sự khan hiếm khí tài quân sự có thể cản trở khả năng của phương Tây trong việc hỗ trợ Kiev. Điều này sẽ khiến Ukraine gặp nhiều thách thức trong việc thay đổi cục diện chiến sự Nga- Ukraine.

Có thể bạn quan tâm

  • Dầu mỏ -

    Dầu mỏ - "vũ khí" gây sát thương mạnh của Nga

    04:00, 12/08/2022

  • Nga

    Nga "vũ khí hóa" khí đốt, EU xoay xở ra sao?

    04:30, 27/07/2022

  • Chiến sự Nga- Ukraine: Vũ khí Mỹ sẽ làm thay đổi cục diện?

    Chiến sự Nga- Ukraine: Vũ khí Mỹ sẽ làm thay đổi cục diện?

    04:30, 26/07/2022

  • Loại vũ khí nào giúp Ukraine thay đổi cục diện chiến sự với Nga?

    Loại vũ khí nào giúp Ukraine thay đổi cục diện chiến sự với Nga?

    04:30, 17/07/2022

  • Đối đầu vũ khí tối tân mới, Nga sẽ “lép vế” trước Ukraine?

    Đối đầu vũ khí tối tân mới, Nga sẽ “lép vế” trước Ukraine?

    04:30, 16/07/2022

CẨM ANH