Cuộc chiến khí đốt của Nga đã làm dấy lên mối đe dọa đến chính sách khí hậu, nền kinh tế và sự ổn định chính trị của Liên minh châu Âu (EU).
>>Châu Âu có thể chống đỡ trong cuộc chiến khí đốt với Nga?
Mới đây, Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga thông báo sẽ cắt giảm lượng khí đốt cung cấp hàng ngày qua đường ống Nord Stream 1 tới châu Âu xuống còn 33 triệu mét khối, tương đương 20% công suất đường ống. Quyết định này được cho là phép thử từ Moscow về sức chịu đựng của châu Âu khi thiếu khí đốt Nga.
Nguyên nhân liên tục cắt giảm công suất chuyển khí đốt cho châu Âu được Gazprom nêu ra là do "vấn đề kỹ thuật" liên quan đến tuabin tại trạm nén khí Portovaya.
Tuy nhiên, giới chức châu Âu bác bỏ lời giải thích từ phía Gazprom, cho rằng Nga chỉ đang muốn "vũ khí hóa khí đốt" để gây áp lực lên phương Tây. "Dựa trên thông tin của chúng tôi, không có lý do kỹ thuật nào dẫn đến việc giảm lưu lượng nguồn cung khí đốt cung cấp cho Châu Âu", Bộ Kinh tế Đức cho hay.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tuần trước nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ muốn "gây sức ép lên chúng ta trước mùa Đông này", khi bà đề xuất các nước thành viên EU lập tức cắt giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt nhằm ưu tiên làm đầy kho dự trữ và chuẩn bị tốt hơn cho kịch bản Nga siết nguồn cung khí đốt.
Trong khi đó, Bộ trưởng Cộng hòa Czech Jozef Sikela tố cáo Nga tống tiền về nguồn cung khí đốt và kêu gọi EU giảm sử dụng khí đốt Nga trong mùa Đông này. "Việc Gazprom cắt giảm lượng khí đốt chỉ là bằng chứng bổ sung cho thấy chúng ta phải nắm thế trận trong tay và phải giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga càng sớm càng tốt", ông Jozef Sikela nói thêm.
>>EU xoay xở giải “bài toán khí đốt”
Các chuyên gia nhận định, việc Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt sẽ gây áp lực chính trị to lớn lên các chính phủ thuộc EU, khiến người dân châu Âu có khả năng rơi vào tình trạng đóng băng trong mùa Đông năm nay, đồng thời đi ngược lại mục tiêu giảm tình trạng biến đổi khí hậu của EU. Thậm chí, hành động này có thể đẩy EU rơi vào suy thoái kinh tế nghiêm trọng.
Sự gián đoạn nguồn cung năng lượng và khả năng thay thế ngay lập tức nguồn cung cấp khí đốt từ Nga có thể sẽ đòi hỏi các chính phủ châu Âu cần có những chính sách phân bổ lại các nguồn lực, trong đó có việc cắt giảm hoạt động sản xuất trong khu vực đồng euro, đặc biệt là trong các lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng.
Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol nhận định, "Nga sẽ rất dễ dàng tìm ra lý do để cắt giảm thêm khí đốt cung cấp cho Châu Âu. Thậm chí, quốc gia này có thể quyết định từ bỏ doanh thu mà họ có được từ việc xuất khẩu khí đốt sang châu Âu để đạt được đòn bẩy chính trị".
Hiện nay, các nước châu Âu đang chạy đua để đảm bảo nguồn cung năng lượng thay thế, với việc các lãnh đạo Italy, Pháp và EU đã ký một số thỏa thuận khí đốt cùng các đối tác của họ ở Algeria, Azerbaijan và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất.
Ông Christopher Granville, Giám đốc điều hành EMEA và nghiên cứu chính trị toàn cầu tại TS Lombard, cho biết Ủy ban Châu Âu đặt mục tiêu thay thế khí đốt của Gazprom trong năm nay. Tỷ lệ nhập khẩu khí đốt của EU từ Nga đã giảm từ 45% vào tháng 4 năm 2021 xuống 31% vào tháng 4 năm 2022, và dự kiến tiếp tục giảm xuống 26% vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, tổng lượng khí đốt nhập khẩu của EU đã đạt mức kỷ lục, với 12,6 tỷ mét khối khí đốt được nhập khẩu tính riêng trong tháng 4/2022, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái mặc dù lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga đã giảm mạnh. Điều này cho thấy nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung khí đốt của Châu Âu đang bắt đầu có kết quả.
Dù vậy, IEA vẫn khuyến cáo các nước châu Âu nên tăng cường vận động người dân tiết kiệm năng lượng tại nhà hết mức và có kế hoạch chia sẻ khí đốt trong trường hợp khẩn cấp.
Ông Karolina Siemieniuk, Chuyên gia phân tích của Công ty Tư vấn Rystad Energy, cho biết: “Toàn bộ hệ thống năng lượng của châu Âu đang trải qua một cuộc khủng hoảng. Và ngay cả khi Nord Stream 1 được khởi động lại, khu vực này cũng đang ở trong tình thế đối mặt với nguy cơ khủng hoảng năng lượng”.
Có thể bạn quan tâm
EU xoay xở giải “bài toán khí đốt”
07:00, 22/05/2022
Châu Âu có thể chống đỡ trong cuộc chiến khí đốt với Nga?
04:30, 29/04/2022
“Đông tiến” sẽ là mục tiêu chiến lược của dầu và khí đốt Nga?
05:10, 21/04/2022
Châu Âu sẽ ra sao nếu không thanh toán khí đốt bằng đồng Rúp?
05:00, 03/04/2022
Mỹ ra kế hoạch mới “ghìm cương” giá khí đốt
13:00, 31/03/2022