Sự hiện diện của Mỹ trong các hiệp định khí hậu, quan hệ thương mại và xuất khẩu khí đốt sẽ là chìa khóa thúc đẩy Đông Nam Á chuyển đổi năng lượng.
Nhu cầu năng lượng ở Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng vọt trong thập kỷ tới, và khu vực này có khả năng phải đối mặt với những tác động lan tỏa từ những thay đổi trong chính sách khí hậu của Mỹ dưới thời Tổng thống Trump.
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã cam kết sẽ đảo ngược các chính sách về khí hậu, báo hiệu một cách tiếp cận mang tính giao dịch hơn. Điều này làm dấy lên sự không chắc chắn về hỗ trợ của Hoa Kỳ đối với lĩnh vực công nghệ sạch toàn cầu và cách ông Trump sẽ giải quyết tính cạnh tranh của lĩnh vực này, đặc biệt là liên quan đến Trung Quốc.
Nhiều ý kiến cho rằng, Tổng thống Mỹ sắp tới có thể tác động đến quá trình chuyển đổi năng lượng của Đông Nam Á bằng cách thay đổi sự hiện diện của quốc gia này trên trường quốc tế về khí hậu, thông qua quan hệ kinh doanh và thương mại.
Ông Trump có thể một lần nữa rút Hoa Kỳ khỏi các thỏa thuận khí hậu quốc tế như Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, như ông đã làm trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình.
Nếu không có sự lãnh đạo về khí hậu từ nền kinh tế lớn nhất thế giới, các quốc gia Đông Nam Á mới nổi có thể cảm thấy ít áp lực hơn trong việc giảm thiểu khí thải. Trên thực tế, tiến trình chuyển đổi năng lượng của khu vực dường như ít phụ thuộc vào sự tham gia của Mỹ.
Theo nhóm nghiên cứu Ember, từ năm 2015 đến năm 2022, việc sử dụng năng lượng điện mặt trời và điện gió đã tăng hơn 40% hàng năm trên khắp Đông Nam Á, trong đó Việt Nam dẫn đầu. Xu hướng này làm nổi bật tốc độ chuyển đổi đa dạng trên khắp khu vực.
Việc Hoa Kỳ rút khỏi các thỏa thuận toàn cầu cũng có thể tác động đến việc tài trợ cho quá trình chuyển đổi xanh, vì quốc gia này là một phần không thể thiếu trong các sáng kiến quốc tế như Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) tại Indonesia và Việt Nam. Nếu Mỹ rút khỏi JETP, quan hệ đối tác này có thể cần những bên khác như Liên minh châu Âu tham gia.
Đặc biệt, vai trò của Trung Quốc sẽ lớn hơn, với hơn 30% đầu tư sản xuất điện ở nước ngoài của quốc gia này hướng đến Đông Nam Á, chủ yếu là nhiệt điện và thủy điện. Viện Lowy cũng báo cáo rằng Trung Quốc là nhà tài trợ năng lượng tái tạo lớn nhất Đông Nam Á.
Trong lĩnh vực vận tải, việc Đông Nam Á tập trung vào việc áp dụng xe điện (EV) có thể giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu. Việc áp dụng EV có khả năng tăng tốc với Trung Quốc là đối tác tự nhiên, xét đến sự thống trị của nước này trong sản xuất EV giá cả phải chăng.
Về quan hệ kinh doanh và thương mại, theo Putra Adhiguna, Giám đốc điều hành của Viện Energy Shift, một tổ chức tư vấn tài chính năng lượng tập trung vào quá trình chuyển đổi xanh của Châu Á, cách tiếp cận "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump có khả năng sẽ làm tăng rào cản thương mại đối với lĩnh vực công nghệ sạch của Đông Nam Á.
Ông Adhiguna chỉ ra, Trung Quốc hiện kiểm soát hơn 80% chuỗi cung ứng tấm pin mặt trời toàn cầu và hơn 80% thị trường pin. Kể từ khi Đạo luật Giảm lạm phát của Hoa Kỳ được ban hành, đầu tư sản xuất công nghệ sạch trong nước đã tăng nhanh chóng, đặc biệt là với pin, EV, năng lượng mặt trời và khoáng sản quan trọng. Đây là các lĩnh vực mà Đông Nam Á quan tâm.
Mỹ là nước nhập khẩu thiết bị năng lượng mặt trời lớn, với hơn ba phần tư lượng nhập khẩu đến từ Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Campuchia, phần lớn do các công ty Trung Quốc sản xuất.
Thuế quan đối với các sản phẩm năng lượng mặt trời của Trung Quốc, được áp dụng dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama và được gia hạn bởi các chính quyền Mỹ sau này đã thúc đẩy các nhà sản xuất năng lượng mặt trời Trung Quốc chuyển sang Đông Nam Á. Việc chính quyền Trump muốn giảm nhập khẩu liên quan đến Trung Quốc có thể sẽ đẩy nhanh xu hướng này.
"Ông Trump có thể cởi mở với các công ty Trung Quốc gia tăng việc làm tại Hoa Kỳ thông qua việc thành lập các cơ sở sản xuất, điều này có thể chuyển hướng một số khoản đầu tư của Trung Quốc từ Đông Nam Á sang Hoa Kỳ", ông Adhiguna phân tích.
Trong khi đó, việc sản xuất năng lượng mặt trời trong khu vực về mặt kỹ thuật lẽ ra phải thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng của Đông Nam Á, nhưng kết quả lại không đồng đều.
Sự phát triển vượt bậc của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng mặt trời chủ yếu được thúc đẩy bởi cơ chế giá mua điện (FIT), trong khi các quốc gia khác ở Đông Nam Á tiến triển chậm hơn. Điều này nhấn mạnh tính chất hướng đến xuất khẩu của ngành sản xuất năng lượng mặt trời trong khu vực.
Với tổng lượng nhập khẩu năng lượng mặt trời của Hoa Kỳ là 30 gigawatt đến 50 GW hàng năm, công suất năng lượng mặt trời lắp đặt của riêng Đông Nam Á đã đạt khoảng 26 GW vào năm ngoái. Do đó, các rào cản thương mại gia tăng của Mỹ có thể làm giảm động lực sản xuất năng lượng mặt trời trong khu vực, gây nguy cơ đóng cửa các cơ sở và nỗ lực nội địa hóa sản xuất công nghệ sạch, trừ khi có nhu cầu mới để duy trì ngành này.
Trong lĩnh vực pin, các rào cản thậm chí có thể cao hơn, vì gần 70% các khoản đầu tư công nghệ sạch của Hoa Kỳ nhắm vào sản xuất pin, nhấn mạnh tham vọng cạnh tranh với Trung Quốc trên các loại pin, xe điện và khoáng sản quan trọng.
Tuy nhiên, điều cần thiết là phải phân biệt giữa các chính sách của Hoa Kỳ và các hành động của khu vực tư nhân. Các công ty lớn, bao gồm Google và Tesla vạch ra các con đường khác nhau trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Các công ty Hoa Kỳ mở rộng sang các thị trường Đông Nam Á có khả năng sẽ tiếp tục đầu tư vào năng lượng sạch, đặc biệt là trong các lĩnh vực có nhu cầu cao như trung tâm dữ liệu và trung tâm công nghệ, những lĩnh vực có mục tiêu khí hậu mạnh mẽ và có thể giúp thúc đẩy việc áp dụng năng lượng sạch trong khu vực.
Trong khi sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể thúc đẩy tiến trình chuyển đổi năng lượng, Trung Quốc có khả năng sẽ duy trì ảnh hưởng đáng kể đến quá trình này của Đông Nam Á.
Quá trình chuyển đổi năng lượng hiện nay nghiêng về việc đảm bảo lợi thế cạnh tranh, chứ không chỉ đơn thuần là giảm phát thải, với dòng vốn chảy vào năng lượng sạch với tốc độ nhanh hơn nhiên liệu hóa thạch.
Theo các chuyên gia, Đông Nam Á sẽ hoan nghênh sự hỗ trợ lớn từ Mỹ trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng. Tuy nhiên, trong bối cảnh thiếu sự hậu thuẫn của chính phủ, các doanh nghiệp Mỹ có thể lấp đầy khoảng trống trong việc thúc đẩy các mục tiêu năng lượng của Đông Nam Á, ít nhất là hiện tại.