Châu Âu đã từ bỏ hẳn năng lượng Nga, chuyển sang mua năng lượng Mỹ. Liệu đây có phải là "nước cờ" đúng của châu Âu?
Sự kiện chấm dứt vai trò của khí đốt Nga tại châu Âu làm hằn sâu hơn vết nứt trong quan hệ ngoại giao kinh tế, thương mại quan trọng nhất “lục địa già” - đại diện cho tính bất định trong thế giới ngày nay.
Động thái này đánh dấu sự kết thúc của thỏa thuận trung chuyển khí đốt kéo dài 5 năm giữa Nga và Ukraine, khi không bên nào muốn đạt được thỏa thuận mới trong bối cảnh chiến tranh đang diễn ra.
Quá nhiều quan điểm trái ngược xung quanh vấn đề này. Bộ trưởng Năng lượng Ukraine Herman Galushchenko mô tả việc ngừng cung cấp khí đốt của Nga qua lãnh thổ là một sự kiện lịch sử. “Nga đang mất thị trường, họ sẽ phải chịu tổn thất tài chính”, Herman Galushchenko nhấn mạnh.
Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Radek Sikorski ca ngợi sự phát triển này là một chiến thắng chính trị, cáo buộc ông Putin của đã cố gắng gây sức ép với Đông Âu bằng mối đe dọa cắt nguồn cung cấp khí đốt.
Trong khi Thủ tướng Slovakia, Robert Fico, cảnh báo rằng việc Ukraine chấm dứt thỏa thuận quá cảnh khí đốt sẽ có tác động mạnh mẽ đến EU, mà không gây hại cho Nga. Ông Fico cũng đe dọa sẽ cắt nguồn cung cấp điện cho nước láng giềng Ukraine.
Nga đã vận chuyển khí đốt tới châu Âu qua đường ống của Ukraine kể từ năm 1991. Thiệt hại kinh tế trực tiếp không chỉ là khoản tiền 1 tỷ đô la Mỹ của Ukraine và 5 tỷ đô la Mỹ của tập đoàn Gazprom.
Vào năm 2024, Slovakia nhập khẩu khoảng 3,2 tỷ m3, Áo nhận được 5,7 tỷ m3 và Moldova nhận được 2 tỷ m3. Đây là những quốc gia có nguy cơ bị ảnh hưởng nhiều nhất nếu không có dòng khí đốt Nga. Tháng trước, Moldova, quốc gia không phải là thành viên của EU, đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong 60 ngày vì lo ngại về an ninh năng lượng.
Mọi thứ chỉ mới khởi đầu, rất nhiều mối đe dọa tiềm tàng với châu Âu còn phía trước khi các kho dự trữ cạn dần và mùa đông khắc nghiệt. Giờ đây, giá khí đốt sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào chiến sự Nga - Ukraine và thời tiết mùa đông.
Năng lượng luôn là vấn đề cốt tử với kinh tế châu Âu và là đầu vào phổ biến trong mọi ngành công nghiệp. Hơn thế nữa, dầu mỏ và khí đốt Nga bán sang châu Âu với giá rất cạnh tranh nhờ hệ thống hạ tầng hoàn thiện, đa dạng, vị trí địa lý thuận lợi.
Có thể nói năng lượng Nga là một trong những động lực giúp châu Âu thịnh vượng suốt nhiều thập kỷ. Chẳng vì thế mà cựu Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel nhất quyết duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Moscow; bà cũng là kiến trúc sư trưởng của đường ống dẫn dầu “Phương Bắc 2” nối trực tiếp với Đức.
Người Mỹ không đồng tình với công trình dẫn dầu nối Nga và Đức, là nguyên nhân khiến đường ống này “chết” khi hoàn thành tới 98% tiến độ. Và rất trùng hợp, sau ngày 24/2/2022, khí hóa lỏng Mỹ lên ngôi tại châu Âu.
Bây giờ, châu Âu càng cần năng lượng Mỹ và một số nước Tây Á - khi khối này quyết tâm đến cùng từ bỏ năng lượng Nga. Vậy, đây chẳng khác gì bài toán có tổng bằng 0 với Brussels!