Mặc dù Chủ tịch Ủy ban châu Âu tuyên bố mạnh mẽ, nhưng cách phản ứng của EU vẫn rời rạc với vấn đề thuế nhôm và thép nhập khẩu vào Mỹ.
Vì sao Tổng thống Trump quyết định đánh thuế 25% với nhôm và thép nhập khẩu vào Mỹ? Lý do là ngành luyện nhôm, thép của nước này khá khiêm tốn, khoảng 1,73% tổng công suất toàn cầu.
Từ lâu nay, Canada, Mexico, Brazil, Hàn Quốc và Trung Quốc chia nhau làm chủ thị trường khổng lồ này. Và bây giờ, ông Trump muốn mọi thứ phải được sản xuất tại Mỹ để tạo công ăn việc làm, giảm thâm hụt thương mại, xa hơn là đảm bảo an ninh quốc gia.
Cựu Tổng thống Joe Biden đã đạt được thỏa thuận với các nhà lãnh đạo châu Âu vào năm 2021 cho phép một số lượng thép và nhôm nhất định được nhập khẩu vào Mỹ mà không phải chịu thuế. Thỏa thuận này đã được gia hạn vào năm 2023 và có hiệu lực cho đến cuối năm nay. Nhưng ông Trump đã bác bỏ điều này.
Trong khi mức thuế 25% nhận được "tràng pháo tay" của các nhà sản xuất bên trong nước Mỹ, cổ phiếu ngành thép, nhôm bật tăng - thì khắp nơi trên thế giới rốt ráo tìm cách ứng phó. Với Liên minh châu Âu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố “sẽ kích hoạt các biện pháp đối phó cứng rắn và tương xứng”.
Bà Ursula Von der Leyen gọi thuế quan là “có hại cho doanh nghiệp, tệ hơn cho người tiêu dùng”. Châu Âu không đơn độc trong việc phản đối thuế quan của Washington. Tuần trước, Trung Quốc đã công bố mức thuế mới đối với một số mặt hàng nhập khẩu của Mỹ.
Các quan chức châu Âu đã kêu gọi sự đoàn kết. Ủy viên EU Rudi Kennes đặt câu hỏi mỉa mai “Chúng ta phải chịu đựng bao nhiêu sự khiêu khích nữa trước khi các nhà lãnh đạo Mỹ thức tỉnh?”
Đại biểu nghị viện châu Âu Jorgen Warborn quả quyết: “Quan trọng hơn, cần có phản ứng cứng rắn và quyết đoán vì sự phân mảnh làm chúng ta suy yếu”. Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu đề xuất “phản ứng theo sự tuân thủ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Nếu không, nó sẽ tạo ra nhiều bất ổn hơn nữa”.
Những người theo chủ nghĩa xã hội (S&D), Đảng Tự do (Renew) và Đảng Xanh có vẻ hiếu chiến hơn, kêu gọi cứng rắn và áp dụng thuế quan đối phó. Nghị sĩ châu Âu Stefano Bonaccini cũng tin rằng “khi đối mặt với mối đe dọa từ vũ khí bảo hộ, chúng ta sẽ phải cùng nhau phản ứng mà không do dự”.
Anna Cavazzini của đảng Xanh cũng thúc giục ban điều hành EU phản ứng: “Liên minh châu Âu không thể bị tống tiền. Cách duy nhất để giải quyết thách thức mới này là phải có cách tiếp cận công bằng”.
Maros Sefcovic, đại diện của EU, Ủy viên phụ trách an ninh thương mại và kinh tế, đã nói với các thành viên của Nghị viện châu Âu rằng, mức thuế quan mới của ông Trump là một “kịch bản thua-thua’, đồng thời “đã đến lúc chúng ta phải có phản ứng”.
Từ khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine, kinh tế châu Âu lộ rõ “gót chân Achilles”, họ phụ thuộc an ninh quốc phòng vào Mỹ, phụ thuộc năng lượng hóa thạch của Nga và nhiều nguồn cung nguyên liệu chiến lược khác từ Trung Quốc.
Các nhà phân tích địa chính trị - kinh tế cho rằng, châu Âu khó lòng đạt được sự đồng thuận về mức thuế để có thể trả đũa Mỹ. Bởi vì, lợi ích kinh tế của các nước thành viên EU không giống nhau, hiện một số thành viên đứng đầu EU chưa thể cân bằng quan hệ với Trung quốc và Mỹ, trong khi các thành viên nhỏ hơn không muốn làm lớn chuyện.