Giá dầu giảm mạnh trong hai ngày liên tiếp sau cú sốc kép từ thuế quan của Mỹ và việc tăng sản lượng bất ngờ của OPEC có thể làm thay đổi bức tranh năng lượng toàn cầu.
Chính sách gây sốc
Trong hai ngày liên tiếp 3-4/4, thị trường dầu mỏ toàn cầu đã chứng kiến một cú sốc chưa từng có kể từ đầu năm khi giá dầu Brent giảm 13% xuống mức hơn 66 USD/thùng. Sự sụt giảm nhanh chóng này không chỉ là phản ứng tức thời của thị trường trước các biến động chính trị - kinh tế, mà còn cho thấy xu hướng điều chỉnh sâu rộng trong cấu trúc năng lượng toàn cầu, với những hệ lụy dài hạn cho cả các nước sản xuất và tiêu dùng năng lượng.
Nguyên nhân khởi đầu cho sự sụt giảm đến từ 2 chính sách bao gồm động thái áp thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump và việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) bất ngờ tuyên bố tăng mạnh sản lượng. Hai sự kiện này xảy ra gần như đồng thời, khiến giá dầu lao dốc và gây ra làn sóng hoang mang trên khắp các sàn giao dịch năng lượng lớn.
Theo Bloomberg, tại Mỹ, sự kiện này là đòn giáng mạnh vào tham vọng “thống trị năng lượng” mà Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nhiều lần nhấn mạnh. Giá dầu tương lai của Mỹ ổn định ở mức gần 61 USD/thùng vào cuối tuần, mức thấp hơn đáng kể so với ngưỡng 65 USD/thùng – mức giá mà theo khảo sát mới nhất từ Ngân hàng Dự trữ Liên bang Dallas thì nhiều công ty dầu khí tại Texas và các bang lân cận cần để có lãi khi khoan giếng mới.
Cùng lúc, chi phí sản xuất tại Mỹ tăng lên vì ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại, đặc biệt sau khi Trump áp thuế 25% đối với thép, làm đội giá thiết bị khoan và đường ống lên khoảng 30%. Kết hợp giữa giá dầu thấp và chi phí cao có nguy cơ làm chệch hướng toàn bộ kế hoạch mở rộng sản lượng của các công ty dầu đá phiến Mỹ.
Không chỉ các nhà sản xuất, thị trường tài chính cũng chịu ảnh hưởng tức thì. Chỉ số năng lượng S&P 500 đã giảm tới 16% trong hai ngày, với các công ty như APA Corp., Diamondback Energy Inc. và Baker Hughes Co. mất hơn 20% giá trị. Đây là tín hiệu rõ ràng về mức độ bất an mà giới đầu tư đang cảm nhận.
Về phía OPEC, quyết định tăng gấp ba sản lượng dự kiến ban đầu trong tháng 5 không chỉ đơn thuần là để kiểm soát giá, mà còn mang tính chất địa chính trị. Ả Rập Xê Út - đầu tàu của OPEC đã thúc đẩy tăng gấp ba lần sản lượng dự kiến ban đầu vào tháng 5, nhằm trừng phạt một số thành viên của nhóm bao gồm Kazakhstan và Iraq - những nước liên tục vi phạm hạn ngạch sản lượng của họ.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhìn nhận đây là con dao hai lưỡi. Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính Ả Rập Xê Út cần mức giá trên 90 USD/thùng để cân đối ngân sách và tài trợ cho các dự án trong chương trình cải cách kinh tế. Tương tự, Iraq cũng cần mức giá này để duy trì chi tiêu công, trong khi Kazakhstan cần tới hơn 115 USD/thùng. Việc giá dầu lao dốc đang gây áp lực tài chính lớn, đặc biệt trong bối cảnh các quốc gia này đã và đang phải cắt giảm đầu tư công để đối phó.
Các tổ chức cắt giảm dự báo
Ông Al Salazar, Giám đốc nghiên cứu dầu khí vĩ mô tại Enverus cho biết: “Ngay khi Tổng thống Trump áp dụng mức thuế quan giáng mạnh vào Canada cách đây gần hai tháng, chúng tôi đã hạ dự báo của mình. Thời điểm công bố của OPEC giống như họ đang đổ thêm dầu vào lửa”.
Các tổ chức tài chính lớn cũng đã phản ứng nhanh chóng. Goldman Sachs cắt giảm dự báo giá dầu Brent cuối năm xuống còn 66 USD/thùng – giảm 5 USD so với trước đó. UBS điều chỉnh giảm kỳ vọng tăng trưởng nhu cầu dầu thô toàn cầu xuống gần 50% so với dự báo ban đầu là 1,1 triệu thùng/ngày. Enverus thậm chí còn cắt giảm hơn một phần ba trong mô hình tăng trưởng nhu cầu của mình.
Tuy vậy, không phải khu vực nào cũng chịu tác động tiêu cực. Tại châu Âu, giá năng lượng giảm được xem là tin mừng trong bối cảnh giá khí đốt đã tăng cao sau cuộc khủng hoảng năng lượng hậu xung đột Nga - Ukraine. Việc giá khí đốt giảm xuống mức thấp nhất trong sáu tháng giúp các quốc gia trong khu vực giảm bớt gánh nặng tài chính, đặc biệt là trong việc dự trữ khí cho mùa đông tới. Đức là một ví dụ điển hình, quốc gia này cần tích trữ một lượng lớn khí để sẵn sàng cho mùa tiêu thụ cao điểm. Giá thấp giúp ngành công nghiệp nước này, vốn đang gặp khó khăn, có thêm dư địa phục hồi.
Một điểm đáng chú ý là nếu kinh tế Trung Quốc chậm lại, châu Âu sẽ bớt áp lực cạnh tranh trong việc mua LNG (khí tự nhiên hóa lỏng) từ Mỹ và các nước khác. Nhưng ngược lại, nếu căng thẳng thương mại lan rộng, thị trường năng lượng toàn cầu có thể tiếp tục biến động khôn lường.
Josh Silverstein, chuyên gia phân tích tại UBS đã tóm tắt tình thế mới bằng một nhận định không thể thẳng thắn hơn rằng động thái này của OPEC là động lực thúc đẩy mọi người thực sự phải nghĩ đến mức giá dưới 60 USD/thùng. Rõ ràng, sự kiện giá dầu lao dốc lần này không đơn giản là biến động kỹ thuật ngắn hạn. Nó cho thấy một sự tái cấu trúc ngầm đang diễn ra trong chuỗi cung ứng và thị trường năng lượng toàn cầu. Cân bằng quyền lực đang dịch chuyển, các liên minh năng lượng cũng điều chỉnh chiến lược và các nhà đầu tư buộc phải thích nghi với một thực tế nơi giá dầu không còn an toàn trong biên độ cao.
Trong bối cảnh đó, những kỳ vọng lạc quan về năng lượng giá rẻ, nguồn cung dồi dào và sự độc lập năng lượng có thể sẽ phải được nhìn nhận lại một cách cẩn trọng hơn. Sự sụt giảm 13% chỉ trong hai ngày không chỉ là một hiện tượng thị trường mà như một lời cảnh báo. Khi lợi ích kinh tế, chính trị và chiến lược quốc gia đan xen nhau trong một thị trường năng lượng toàn cầu hóa, mọi cú sốc dù chỉ kéo dài trong vài ngày đều có khả năng tạo ra hiệu ứng dây chuyền vượt khỏi dự đoán ban đầu.