Chuyên đề

Giá dầu phân hoá giữa ngắn hạn và trung hạn

Diễm Ngọc 15/02/2025 04:00

Triển vọng giá dầu trong năm 2025 cho thấy sự phân hóa giữa ngắn hạn và trung hạn, với những yếu tố hỗ trợ giá trong quý I nhưng lại tạo áp lực giảm giá vào các quý tiếp theo.

Theo Sở Giao dịch hàng hoá (MXV), gần đây thị trường năng lượng toàn cầu đã trải qua nhiều biến động, đặc biệt trong phiên giao dịch ngày 12/2. Giá dầu Brent giảm 2,36% còn 75,18 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI giảm 2,66% xuống mức 71,37 USD/thùng, kết thúc chuỗi ba phiên tăng liên tiếp.

Ảnh màn hình 2025-02-14 lúc 18.44.29
Giá dầu thô trong năm 2025 sẽ tiếp tục gây ra nhiều bất ngờ cho thị trường

Sự kiện nổi bật tác động đến vấn đề này là Tổng thống Mỹ cùng các nhà lãnh đạo Nga và Ukraine đã điện đàm để thảo luận về khả năng kết thúc chiến tranh. Nếu đàm phán thành công, dầu Nga sẽ chính thức quay trở lại chuỗi cung ứng toàn cầu, làm tăng nguồn cung và gây áp lực giảm giá.

Cùng thời điểm, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cũng đưa ra nhận định tích cực về nền kinh tế Mỹ, đồng thời cho biết Fed sẽ thận trọng trong việc cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, dữ liệu lạm phát cao hơn dự kiến đã làm dấy lên lo ngại rằng chính sách thắt chặt tiền tệ có thể kéo dài, ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ dầu thô.

Báo cáo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng dầu thô của Mỹ dự kiến đạt 13,59 triệu thùng/ngày vào năm 2025, cao hơn so với mức dự báo trước đó là 13,55 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng thêm 1,45 triệu thùng/ngày vào năm 2025 và 1,43 triệu thùng/ngày vào năm 2026, giữ nguyên so với dự báo trước đó.

“Với tính chất khó lường của tình hình địa chính trị toàn cầu, cũng như sự không chắc chắn về chính sách sản lượng của OPEC+, tôi cho rằng giá dầu thô trong năm 2025 sẽ tiếp tục gây ra nhiều bất ngờ cho thị trường”, ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam nhận định.

Nhóm chuyên gia tại công ty chứng khoán VCBS cũng phân tích, giá dầu trong năm 2025 được dự báo sẽ duy trì xu hướng ổn định trong ngắn hạn. Dù vậy, bất kỳ yếu tố nào gây xáo trộn trạng thái cân bằng hiện tại đều có thể dẫn đến biến động đáng kể trên thị trường năng lượng toàn cầu.

Nhìn lại thị trường thời điểm cuối năm 2024, giá dầu Brent trung bình trong quý IV đạt 74,6 USD/thùng, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước (84 USD/thùng) và giảm 7% so với quý III/2024 (80 USD/thùng). Sự suy giảm này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân chính như: Căng thẳng địa chính trị; Sự suy giảm nhu cầu từ Trung Quốc; Nguồn cung từ các nước ngoài OPEC tăng mạnh; Chính sách của OPEC+; và Tăng trưởng kinh tế toàn cầu khả quan.

VBSC đánh giá, triển vọng giá dầu trong năm 2025 cho thấy sự phân hóa rõ rệt giữa ngắn hạn và trung hạn, với những yếu tố hỗ trợ giá trong quý I nhưng lại tạo áp lực giảm giá vào các quý tiếp theo. Có thể, giá dầu sẽ tăng nhẹ trong quý I/2025 trước khi quay đầu giảm trong trung và dài hạn.

Trong đó, những yếu tố thúc đẩy giá dầu trong ngắn hạn sẽ đến từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ mới đối với dầu Nga tiếp tục được thắt chặt trong quý I/2025, làm gián đoạn một phần chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này có thể khiến nguồn cung dầu từ Nga giảm, đẩy giá dầu tăng. Tuy nhiên, sự phục hồi của sản lượng dầu tại Nga thông qua các kênh không chính thức hoặc thị trường “chợ đen” sẽ làm giảm tác động lâu dài của lệnh trừng phạt này.

Cùng với đó, OPEC+ đã quyết định kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng dầu ít nhất đến hết quý I/2025. Việc này sẽ làm giảm áp lực dư cung trong ngắn hạn, hỗ trợ giá dầu ở mức cân bằng. Theo OPEC+, việc cắt giảm này không chỉ giúp giữ giá dầu ở ngưỡng an toàn cho ngân sách của các nước thành viên, mà còn ngăn chặn sự sụt giảm mạnh mẽ của giá dầu dưới áp lực tăng sản lượng từ các nước ngoài OPEC.

Ngoài ra, triển vọng kinh tế toàn cầu khởi sắc, cùng với các gói kích thích tài chính và việc giảm lãi suất từ các ngân hàng trung ương sẽ là những yếu tố hỗ trợ tích cực cho giá dầu. Nhu cầu dầu trong các ngành công nghiệp, vận tải và sản xuất có thể tăng trở lại sau thời gian trầm lắng, đặc biệt ở các nước phát triển như Mỹ và châu Âu.

Trong nước, tại quý IV/2024, giá xăng dầu trong nước giảm theo xu hướng thế giới, với mức giảm trung bình 10% so với cùng kỳ năm trước. Bộ Tài chính đã điều chỉnh giá xăng dầu 13 lần ở quý III/2024, gồm 6 lần tăng và 7 lần giảm. Mặc dù giá có sự biến động, song nguồn cung trong nước vẫn ổn định và đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ.

“Giá xăng dầu trong nước sẽ tăng nhẹ trong quý I năm nay nhưng vẫn bám sát diễn biến giá dầu thế giới. Những chính sách bình ổn thị trường từ cơ quan quản lý sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát mức tăng này”, nhóm chuyên gia tại VBSC dự báo.

Đối với Việt Nam, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, giữ vai trò then chốt trong bảo đảm an ninh năng lượng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu tiêu dùng. Mọi biến động giá cả hay nguồn cung đều ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và an sinh xã hội. Do đó, việc duy trì nguồn cung ổn định và kiểm soát giá xăng dầu là nhiệm vụ quan trọng, không chỉ trong năm 2025 mà cả trong dài hạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giá dầu phân hoá giữa ngắn hạn và trung hạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO