Nga khó "miễn nhiễm" lệnh cấm vận của Mỹ và EU
Nhiều chỉ số vĩ mô cho thấy nền kinh tế Nga không bình thường, ngoại trừ xuất khẩu năng lượng, nhập khẩu song song. Nga còn trụ được bao lâu?
>>Kinh tế Nga, dầu thô, cấm vận và nguy cơ vỡ nợ
Ảnh hưởng từ các lệnh cấm vận của Mỹ và EU đến kinh tế Nga chưa thực sự rõ ràng về mặt thông tin, bởi lẽ tất cả các báo cáo trước khi đi đến công chúng phải qua kiểm duyệt của Điện Kremlin. Do đó, không ngoại trừ khả năng nhiều thông tin bất lợi bị lọc bỏ.
Nhìn bề ngoài có vẻ như Tổng thống Putin vẫn lèo lái kinh tế Nga trụ vững trước 8.000 lệnh cấm vận ngặt nghèo! Dẫu vậy, một số chỉ số kinh tế vĩ mô cho phép các nhà phân tích “bắt mạch sức khỏe” kinh tế Nga.
Bộ đôi tác giả Jeffrey Sonnenfeld và Steven Tian từ Đại học Yale (Mỹ) là tác giả bài xã luận trên trang ForeignPolicy.com với tựa đề “Actually, the Russian Economy Is Imploding” - cùng đưa ra nhận xét: “Trong tương lai, Nga sẽ không có đường thoát khỏi sụp đổ kinh tế, bởi vì Mỹ và các nước đồng minh vẫn đoàn kết để duy trì và gia tăng áp lực trừng phạt chống lại Nga”.
Khoảng 1.000 công ty lớn đã dừng hoạt động hoặc rời khỏi Nga là thông tin hoàn toàn có cơ sở. Vấn đề không phải thị trường Nga có vấn đề mà lệnh cấm vận của EU và Mỹ ngăn cản họ hoạt động, không thể thực hiện giao dịch quốc tế, nhập nguyên liệu, xuất khẩu thành phẩm.
Ví dụ, Nga bị tước bỏ tối huệ quốc tế trong thương mại khiến hàng hóa xuất đi từ Nga không được hưởng ưu đãi thuế quan, thậm chí bị đánh thuế “vô tội vạ”. Hiện tượng “thị trường xám” đã xuất hiện với quy mô nhiều tỷ USD trong cán cân ngoại thương Nga.
Nhiều ngành công nghiệp mũi nhọn của Nga như ô tô, máy móc, thiết bị, cơ khí chính xác bị thiếu linh kiện trầm trọng, ví dụ dòng xe hơi Granta của hãng Lada không có điều hòa không khí, thiếu hệ thống chống bó cứng phanh ABS cũng như túi khí an toàn,…
Khi công ty lớn rời đi nghiễm nhiên kéo theo 40% tổng sản phẩm quốc nội của nền kinh tế Nga; khoảng nửa triệu việc làm bị mất, sự tháo chạy của dòng vốn không hẹn ngày trở lại mới là vấn đề nghiêm trọng.
Trong quan hệ kinh tế từ sau thế chiến thứ II đến nay, chưa ghi nhận quốc gia nào bị “chảy máu” FDI mạnh như Nga, kể cả khi Mỹ tuyên chiến thương mại với Trung Quốc, dịch bệnh COVID-19 cũng không thể xảy ra kịch bản tháo chạy dòng vốn FDI đồng loạt như vậy. Điều này cho thấy Nga sẽ khó "miễn nhiễm" các lệnh cấm vận của Mỹ và EU, do đó, nước này sẽ khó trụ lâu nếu đối phương gia tăng thêm các lệnh trừng phạt.
Khi chiến sự Nga - Ukraine xảy ra, nhiều đồn đoán Trung Quốc sẽ kề vai sát cánh với “bạn tốt”, song trên thực tế Bắc Kinh tranh thủ nhiều hơn khi dòng dầu, khí đốt đổi hướng rời khỏi châu Âu.
Rõ ràng, lợi ích của Trung Quốc tại thị trường Nga không sánh bằng chủ trương giữ hòa khí với phương Tây. Nếu bị trừng phạt, Trung Quốc sẽ chịu thiệt hại nặng hơn Nga. Bằng chứng là xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga đã giảm hơn 50% từ đầu năm đến tháng 4, giảm từ hơn 8,1 tỷ USD hàng tháng xuống còn 3,8 tỷ USD.
Bù lại, cách quản trị nhà nước và xã hội Nga dưới thời ông Putin hạn chế tối đa quan điểm đối lập, Kremlin rất dễ dàng đạt được đồng thuận thực thi những chính sách “đặc biệt”. Ví như đạo luật buộc doanh nghiệp sản xuất cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho quân đội và đạo luật buộc người lao động làm việc trong mọi điều kiện bất kể giờ giấc và không có ngày nghỉ phép.
Thêm nữa, nếu Nga suy kiệt thì châu Âu khó yên bình. Mùa đông đang đến và tình hình khí đốt khan hiếm là nỗi ám ảnh với quan chức châu Âu. Ông Keir Giles, thành viên tư vấn cấp cao tại tổ chức Chatham House nói rằng: “Tổng thống Ukraine Zelensky muốn kết thúc chiến sự Nga- Ukraine trước giáng sinh năm nay, bởi ông lo lắng châu Âu khó giữ cam kết với Ukraine”.
Đây không phải là cuộc chiến dẫn đến kết quả bên nào thắng, bên nào bại, mà là cuộc chiến cầm cự, tiêu hao và chịu đựng hệ quả ngày một lớn dần.
Có thể bạn quan tâm
Chiến sự Nga - Ukraine: Đòn đánh quyết định tại Kherson
04:00, 07/08/2022
"Vén màn" trật tự thế giới mới hậu chiến sự Nga - Ukraine
05:10, 19/07/2022
Chiến sự Nga - Ukraine: Nga sẽ bớt đi một đối thủ lớn?
05:00, 17/07/2022
Chiến sự Nga - Ukraine: Phần thắng sẽ thuộc về ai?
05:10, 06/07/2022
Chiến sự Nga - Ukraine: Nhớ “cỗ máy đàm phán” Merkel
05:13, 22/06/2022
"Giật mình" với những toan tính địa chính trị trong chiến sự Nga - Ukraine
05:14, 21/06/2022
Chiến sự Nga - Ukraine và mối nguy vũ khí hạt nhân
05:10, 14/06/2022
Donbass- “vật tế thần” trong chiến sự Nga - Ukraine?
05:10, 08/06/2022