Chiến sự Nga - Ukraine: Phương Tây "chơi tất tay" hỗ trợ Ukraine

CẨM ANH 15/01/2023 04:00

Dù kho vũ khí đã giảm mạnh và phải đối mặt với việc thiếu hụt năng lượng, nhưng các quốc gia Châu Âu vẫn dốc toàn lực viện trợ vũ khí cho Ukraine để đối phó với Nga.

>>Chiến sự Nga- Ukraine: Điều gì giúp Ukraine xoay chuyển cục diện?

Xe tăng Leopard 2A của quân đội Ba Lan.

Xe tăng Leopard 2A của quân đội Ba Lan.

Pháp, Ba Lan và Vương quốc Anh đã cam kết sẽ sớm gửi xe tăng cho quân đội Ukraine sử dụng để đối phó với quân đội Nga. Ngoài ra, Vương quốc Anh cũng có kế hoạch gửi hàng chục xe tăng Challenger 2 và các hệ thống pháo bổ sung như một phần trong nỗ lực tăng cường hỗ trợ cho Ukraine.

Người phát ngôn của Thủ tướng Anh Max Blain cho biết Thủ tướng Rishi Sunak đã yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace làm việc với các đối tác trong những tuần tới để gia tăng sự hỗ trợ cho Ukraine, bao gồm cả việc cung cấp xe tăng.

Trong khi đó, phát biểu cùng với Tổng thống Ukraine Zelensky tại Kiev, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết, Warsaw sẽ chuyển giao xe tăng do Đức sản xuất cho Ukraine. Ông Duda cũng bày tỏ hy vọng các xe tăng chiến đấu từ các nước phương Tây sẽ có thể tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine.

Trong một cuộc họp báo tuần trước, bà Laura K. Cooper, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết: “Chúng tôi hoàn toàn đồng ý rằng Ukraine cần xe tăng. Đây là thời điểm thích hợp để Ukraine tận dụng khả năng của mình, nhằm thay đổi cục diện trên chiến trường”.

Các quan chức phương Tây nói với CNN rằng các quốc gia thuộc NATO đã dành nhiều tuần gần đây để thảo luận chi tiết về những quốc gia nào phù hợp nhất để cung cấp các loại hỗ trợ cụ thể, có thể là thiết bị quân sự hoặc tiền bạc. Một nhà ngoại giao cấp cao của phương Tây đã tiết lộ với CNN rằng nhiều quốc gia có thể tăng mức hỗ trợ quân sự trong những tuần tới khi cuộc chiến bước vào một giai đoạn mới.

>>Chiến sự Nga- Ukraine: Nga đã kiểm soát Soledar?

Xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2. Ảnh: Getty Images

Xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2. Ảnh: Getty Images

Do lo ngại leo thang căng thẳng với Nga, Đức vẫn đang chần chừ trong việc gửi xe tăng viện trợ cho Ukraine. Theo nhóm chuyên gia tư vấn của Hội đồng Đối ngoại châu Âu, sự hỗ trợ của Đức được coi là rất quan trọng. Bởi vì 13 quốc gia châu Âu, bao gồm Ba Lan và Phần Lan, đang sở hữu xe tăng Leopard 2 hiện đại của Đức, được giới thiệu vào năm 1979 và đã được nâng cấp nhiều lần kể từ thời điểm đó.

Do đó, việc viện trợ xe tăng của các quốc gia này thường cần có sự chấp thuận của chính phủ Đức. Tuy nhiên, Berlin đã gợi ý rằng họ sẽ không ngăn cản việc chuyển giao xe tăng của họ tới Kiev.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số loại vũ khí chưa được các nước phương Tây đưa ra xem xét, bao gồm máy bay chiến đấu và tên lửa tầm xa có thể tấn công Crimea và lãnh thổ Nga – điều mà phương Tây coi là “cấm kỵ”. Chính quyền Tổng thống Biden cũng chưa muốn cung cấp cho Ukraine xe tăng M1 Abrams, loại xe tăng cần được bảo dưỡng liên tục và sử dụng nhiên liệu đặc. Các quan chức Mỹ cho rằng loại xe tăng này hiện nay tương đối khan hiếm và không muốn để mất chúng trên chiến trường Ukraine.

Theo một cuộc thăm dò gần đây của Eurobarometer, công dân châu Âu vẫn ủng hộ mạnh mẽ việc cung cấp hỗ trợ cho Ukraine. Điều này có nghĩa nếu Đức quyết định hành động như Pháp, Anh và Ba Lan, thì Berlin cũng có "vỏ bọc" là sự ủng hộ của người dân.

Dự kiến, Anh và Pháp sẽ tiếp tục gây áp lực buộc Đức phải tham gia cùng họ trong nỗ lực viện trợ cho Ukraine trong những ngày tới. Nếu họ thành công, điều đó có nghĩa là ba cường quốc lớn của châu Âu sẽ sát cánh cùng nhau trong việc dốc toàn lực hỗ trợ Ukraine.

Nhiều chuyên gia nhận định, việc nhiều quốc gia Châu Âu đoàn kết, dốc lực ủng hộ cho Ukraine, thì cục diện chiến sự Nga- Ukraine có thể sẽ sớm thay đổi, có lợi cho Ukraine.

Có thể bạn quan tâm

  • Chiến sự Nga- Ukraine: Nga đã kiểm soát Soledar?

    Chiến sự Nga- Ukraine: Nga đã kiểm soát Soledar?

    03:30, 14/01/2023

  • Thay tướng, ông Putin sắp tung chiến thuật mới ở Ukraine

    Thay tướng, ông Putin sắp tung chiến thuật mới ở Ukraine

    04:30, 13/01/2023

  • Chiến sự Nga- Ukraine: Sục sôi

    Chiến sự Nga- Ukraine: Sục sôi "chảo lửa" Bakhmut và Soledar

    05:40, 12/01/2023

  • Chiến sự Nga- Ukraine: Thách thức an ninh Châu Âu

    Chiến sự Nga- Ukraine: Thách thức an ninh Châu Âu

    04:30, 11/01/2023

  • Chiến sự Nga- Ukraine: Điều gì giúp Ukraine xoay chuyển cục diện?

    Chiến sự Nga- Ukraine: Điều gì giúp Ukraine xoay chuyển cục diện?

    04:00, 11/01/2023

CẨM ANH