Chiến sự Nga- Ukraine: Lộ diện "tham vọng" của Trung Quốc
Sau khi đề xuất kế hoạch hòa bình 12 điểm, Trung Quốc dự đoán rằng chiến sự Nga- Ukraine có thể sẽ kết thúc vào mùa hè này.
>>Trung Quốc muốn chủ trì giải quyết chiến sự Nga- Ukraine?
Sau khi tránh can dự quá sâu vào chiến sự Nga- Ukraine trong năm qua, Trung Quốc bất ngờ đề xuất kế hoạch hòa bình 12 điểm vào ngày 24/2, đúng một năm kể từ ngày Nga tiến hành cuộc chiến tại Ukraine. Theo đó, đề xuất kêu gọi hai bên ngừng bắn sớm để bắt đầu lại các cuộc đàm phán hướng tới một giải pháp hòa bình.
Theo giới quan sát nhận định, bản đề xuất này đã góp phần tạo ấn tượng rằng Trung Quốc đang muốn thúc đẩy một vai trò tích cực hơn trong cuộc chiến. Trước đó, Bắc Kinh đã không lên án cuộc xâm lược của Nga, cũng như không tham gia vào các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây đối với Moscow.
Ông Michael A. Allen, Giáo sư Khoa học Chính trị, Đại học Bang Boise cho biết, mặc dù trước đây Trung Quốc đã kêu gọi ngừng bắn, nhưng giới lãnh đạo của nước này không sẵn sàng thực hiện bất kỳ hành động cụ thể nào. Lý do cho sự thay đổi đột ngột của Trung Quốc có thể bắt nguồn từ một báo cáo được đưa ra hai tháng trước đó bởi một tổ chức tư vấn hàng đầu ở Bắc Kinh.
Theo Nikkei Asia dẫn lời các nguồn tin thân cận với chính phủ Trung Quốc cho biết, vào tháng 12/2022, Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự Trung Quốc AMS đã hoàn thành một mô phỏng giả định về cuộc xung đột tại Ukraine, dẫn đến một phát hiện đáng kinh ngạc. Báo cáo từ mô phỏng này chỉ ra, chiến sự Nga- Ukraine sẽ kết thúc vào khoảng mùa hè năm 2023, với việc Nga chiếm thế thượng phong.
Bên cạnh đó, nền kinh tế Nga và Ukraine sẽ rơi vào tình trạng suy yếu và khó có thể duy trì cuộc chiến qua mùa hè, báo cáo của AMS cho biết. Dự đoán này cũng trùng hợp với việc gói viện trợ trị giá 45 tỷ USD của Mỹ được thông qua vào tháng 12 năm ngoái cũng sẽ hết hạn vào mùa hè này.
Giáo sư Allen chỉ ra, cho đến thời điểm hiện tại, Đảng Cộng hòa hiện chiếm đa số tại Hạ viện Mỹ, và một số đảng viên đang đặt dấu hỏi về khoản viện trợ hào phóng dành cho Ukraine. Washington cung cấp một nửa viện trợ vũ khí mà Kiev nhận được. Do đó, những lập luận cho rằng các cuộc đàm phán ngừng bắn sẽ được tiến hành trước khi đến kì hạn viện trợ không phải là không có cơ sở.
Chính vì vậy, sau khi nghe dự đoán của AMS, Bắc Kinh đã đưa ra một đề xuất hòa bình đúng vào dịp kỷ niệm một năm chiến sự Nga- Ukraine. Điều này nhằm đạt được ba mục tiêu, trong đó có việc khôi phục quan hệ với châu Âu.
Mặc dù sự cố khinh khí cầu giám sát của Trung Quốc đã gây ra những rạn nứt sâu sắc hơn trong quan hệ Trung-Mỹ, nhưng Bắc Kinh vẫn nhìn thấy cơ hội ở châu Âu. Và bất chấp việc các nước châu Âu đang mở rộng viện trợ vũ khí cho Ukraine, nhưng một số nước như Đức, Pháp... đang kêu gọi hai bên ngừng bắn sớm.
>>"Rạn nứt" đằng sau quan hệ thân mật Nga - Trung
Bắc Kinh tin rằng châu Âu vẫn sẵn sàng cho các khoản đầu tư trực tiếp và chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc, và mối quan hệ được cải thiện với khu vực này sẽ dẫn đến sự phục hồi kinh tế. Vì điều này, nhiều quan chức trong chính phủ Trung Quốc đang kêu gọi Bắc Kinh gia tăng tiếng nói trước khi bắt đầu các cuộc đàm phán ngừng bắn giữa Nga và Ukraine.
Mục tiêu thứ hai là duy trì quan hệ hữu nghị với Ukraine. Trung Quốc đã mua một tàu sân bay do Liên Xô sản xuất thông qua Ukraine và cải tiến con tàu này thành Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên của nước này.
Ngay cả khi hầu hết các quốc gia phương Tây tấn công Trung Quốc về các báo cáo vi phạm nhân quyền, Ukraine vẫn im lặng về chủ đề này. “Cùng với Nga, chúng tôi không thể để mất Ukraine”, một nguồn tin chính phủ Trung Quốc cho biết.
Đó chính là lý do vì sao kế hoạch hòa bình bao gồm một điều khoản phục hồi kinh tế, điều này cho thấy rằng Trung Quốc đã xem xét đến việc tham gia tài trợ để tái thiết Ukraine.
Một kịch bản tốt nhất sẽ là Nga và Ukraine bắt đầu đàm phán sau khi nhà lãnh đạo Trung Quốc trình bày kế hoạch hòa bình với Tổng thống Putin. Điều đó sẽ thể hiện vai trò của Trung Quốc như một cầu nối và đặt nước này vào một vị trí thuận lợi để kéo các nước Nam bán cầu về phía mình, đặc biệt là những nước đang giữ khoảng cách với cả Mỹ và Trung Quốc.
Mặc dù vậy, nhiều nhà phân tích tin rằng, con đường của Trung Quốc sẽ gặp nhiều rào cản khi cuộc chiến vẫn đang kéo dài vì Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy vẫn có ý định giành lại những lãnh thổ đã mất. Trong khi đó, các nước phương Tây ngày càng chỉ trích Trung Quốc vì cáo buộc cung cấp vũ khí cho Nga.
Có thể bạn quan tâm
Trung Quốc muốn chủ trì giải quyết chiến sự Nga- Ukraine?
04:30, 08/03/2023
"Ẩn số" đằng sau mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn của Trung Quốc
04:00, 08/03/2023
"Cơn gió ngược" với kinh tế Trung Quốc
03:00, 08/03/2023
Hé lộ lý do "núi nợ" ở Trung Quốc phình to
04:30, 07/03/2023
Trung Quốc khó đạt được mục tiêu áp dụng rộng rãi e-CNY
17:25, 06/03/2023