Mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn nhất trong nhiều năm trở lại đây đang cho thấy Bắc Kinh thực sự sẽ phải đối mặt với những bài toán kinh tế khó giải trong 2023.
>>Hé lộ lý do "núi nợ" ở Trung Quốc phình to
Sau cuộc họp thường niên của Quốc hội ngày 5/3 ở Bắc Kinh, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã thống nhất đặt mục tiêu tăng trưởng GDP chỉ 5% cho năm 2023 - mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua.
Ông Tang Yao, Phó giáo sư kinh tế học ứng dụng tại Đại học Bắc Kinh, cho biết: “Chính phủ đang thực hiện một cách tiếp cận rất thận trọng khi đối mặt với một loạt những điều không chắc chắn. Trong đó, sự bất ổn trong môi trường quốc tế đứng đầu danh sách các mối quan tâm của Bắc Kinh.
Bất chấp những lạc quan rằng Trung Quốc có thể đóng vai trò lực đẩy cho nền kinh tế toàn cầu đang bên bờ suy thoái, động thái mới nhất đã cho thấy Bắc Kinh gián tiếp thừa nhận những bài toán kinh tế khó giải. Năm 2021, Trung Quốc trở thành động lực quan trọng cho kinh tế thế giới giữa lúc Covid-19 hoành hành. Giữa thời điểm dịch bệnh nghiêm trọng nhất, GDP của Trung Quốc vẫn tăng 8,1%.
Thế nhưng vào năm 2022, nền kinh tế Trung Quốc chỉ đạt mức tăng trưởng 3%, phần lớn do các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt tại các thành phố lớn đã cản trở phát triển kinh tế và làm giảm tiêu dùng.
Lạm phát và lãi suất tăng cao trên khắp toàn cầu đang làm giảm nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tại nhiều nước trên thế giới. Điều này chắc chắn sẽ thu hẹp quy mô xuất khẩu của của Trung Quốc – công xưởng hàng hóa của cả thế giới.
Ông Dan Wang, Chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Hang Seng Bank China, cho biết mục tiêu tăng trưởng GDP thấp của Trung Quốc chủ yếu phản ánh xuất khẩu giảm sút, xét đến tỷ lệ tăng trưởng của nước này trong những năm gần đây.
Chưa kể, sự khó dự đoán trong chính sách chống Covid của Trung Quốc khiến các doanh nghiệp trong nước e dè trong tái đầu tư mạnh mẽ vào nền sản xuất và dịch vụ. Sự mất niềm tin vào tính bền vững trong chính sách của Trung Quốc thể hiện qua việc các doanh nghiệp nước ngoài đang ồ ạt dịch chuyển sản xuất sang các quốc gia cận biên như Việt Nam hay Thái Lan. Bên cạnh đó, chính sách chấn chỉnh lại giới công nghệ Trung Quốc cũng khiến tâm lý nhà đầu tư bất ổn.
Mục tiêu tăng trưởng GDP thấp còn cho thấy Trung Quốc thừa nhận có nhiều vấn đề trong nội tại nền kinh tế, nhất là cuộc khủng hoảng bất động sản đang diễn ra khắp đất nước.
Mặc dù có một số tín hiệu phục hồi, nhưng các chỉ số quan trọng về bất động sản chỉ ra những thách thức to lớn hơn. Doanh số bán bất động sản đang giảm hàng năm, mặc dù với tốc độ chậm hơn so với cuối năm ngoái. Trong khi nhiều nhà phát triển bất động sản vẫn chịu áp lực phải cơ cấu lại các khoản nợ. Doanh số bán nhà ở tại Trung Quốc đã giảm kể từ giữa năm 2021 sau làn sóng vỡ nợ của các tập đoàn lớn như Evergrande, mặc dù tốc độ giảm đã chậm lại trong tháng 1 và tháng 2/2023.
Trước đây, mỗi khi nền kinh tế đối mặt suy thoái, các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường áp dụng các biện pháp kích thích tín dụng để kiềm chế đà suy giảm tăng trưởng kinh tế. Nhưng hiện nay, lựa chọn đó tồn tại quá nhiều rủi ro, khi các khoản nợ công khổng lồ đang có nguy cơ làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng bất động sản mà Bắc Kinh đang cố giải quyết.
Theo các chuyên gia, Bắc Kinh đang phải miễn cưỡng cho phép các chính quyền địa phương, vốn dựa vào việc bán đất để tạo thu nhập, được vay thêm và không tăng giới hạn về số tiền họ có thể huy động thông qua việc bán trái phiếu mới trong năm 2023.
Ngoài ra, các nhà phân tích cho rằng mức mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn của Trung Quốc cho thấy trọng tâm tăng trưởng kinh tế có thể giảm dần để nhường chỗ cho các động thái cải tổ sâu rộng trong chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Có thể bạn quan tâm
Lý do Mỹ khó giảm phụ thuộc chuỗi cung ứng của Trung Quốc
13:53, 03/03/2023
“Soán ngôi” Mỹ, Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam
04:45, 01/03/2023
Apple tiếp tục đẩy nhanh việc rời Trung Quốc
04:15, 02/03/2023
Chiến sự Nga- Ukraine: Thấy gì từ đề xuất 12 điểm của Trung Quốc?
04:00, 01/03/2023