Chiến sự Nga- Ukraine: "Giải mã" quan hệ Nga- Trung

NHI NGUYỄN 12/03/2023 04:30

Chiến sự Nga- Ukraine có thắt chặt hơn nữa quan hệ Mỹ- Trung hay không đang nhận được sự quan tâm của nhiều người.

Hai nhà lãnh đạo Nga - Trung Quốc gặp mặt ở Bắc Kinh hồi tháng 4/2022. Ảnh: Tân Hoa Xã

Hai nhà lãnh đạo Nga - Trung Quốc gặp mặt ở Bắc Kinh hồi tháng 4/2022. Ảnh: Tân Hoa Xã

>> Chiến sự Nga- Ukraine: Lộ diện "tham vọng" của Trung Quốc

Vài tuần trước khi xảy ra chiến sự Nga - Ukraine, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp đón Tổng thống Nga, V. Putin tại Bắc Kinh. Sau cuộc hội đàm, hai bên đã đưa ra một tuyên bố chung rằng: quan hệ đối tác song phương giữa Trung Quốc và Nga lớn hơn một liên minh truyền thống và tình hữu nghị của họ sẽ “không có giới hạn”. Đây là đỉnh điểm của cả một quá trình ngoại giao từ đầu thập niên 1990 giữa hai quốc gia này.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng Nga và Trung Quốc là những đối tác chặt chẽ, thân thiết của nhau nhưng không bị "ràng buộc" để phải can thiệp giúp đỡ nhau nếu như quyền lợi của mình bị trực tiếp đe dọa. Nga và Trung Quốc chỉ chính thức trở thành liên minh chính trị - quân sự nếu cả hai buộc phải đối phó quân sự với Mỹ.

Theo bà Patricia M. Kim, Chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc tại Viện Brookings, Trung Quốc đã ngỡ ngàng về mức độ tàn khốc của chiến sự Nga- Ukraine và lại càng bất ngờ trước những thất bại quân sự của Nga trên chiến trường Ukraine. Ngoài ra, dù Nga đã biết trước về bản chất của Bắc Kinh nhưng cũng có phần thất vọng về hỗ trợ của Trung Quốc, ít nhất là trên hai khía cạnh.

Thứ nhất, Trung Quốc không hy sinh các quyền lợi ngoại giao, kinh tế để cứu Nga khỏi lệnh trừng phạt quốc tế, mà hưởng lợi từ các lệnh trừng phạt này, như thỏa thuận mua dầu khí, khoáng sản của Nga với giá rẻ khi mà các nhà sản xuất Nga cần tìm kiếm thị trường lấp vào chỗ trống do Châu Âu, Mỹ để lại.

Thứ hai là ở bề ngoài, cả Nga và Trung Quốc cố gắng giữ vẻ thuận hòa, bày tỏ đoàn kết trước một mặt trận chung là Mỹ và phương Tây, nhưng ngoài những hợp tác chặt chẽ trong khuôn khổ Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, những chương trình hợp tác cụ thể là rất hiếm. Chẳng hạn, tại Thượng đỉnh Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải Samarkand hồi tháng 9/2022, ông Putin đã tuyên bố rằng về xung đột ở Ukraine, Nga sẽ giải thích lập trường của mình sau. Điều này thể hiện Nga và Trung Quốc thiếu sự hợp tác.

Vậy kể từ khi ra tuyên bố chung, Nga và Trung Quốc đã có những thay đổi gì trong quan hệ song phương? Bà Patricia M. Kim cho rằng, đối tác chiến lược toàn diện sẽ tránh lôi kéo các bên vào những lĩnh vực ngoài ý muốn. Bắc Kinh muốn được bảo đảm rằng Moscow không “thọc gậy bánh xe” trong khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương, từ vấn đề Đài Loan đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Hơn thế nữa, Nga có thể gây sức ép với Nhật và Ấn Độ- hai quốc gia đang có tranh chấp với Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng cần dầu khí và tài nguyên của Nga và cần đẩy mạnh hợp tác quân sự với Nga. Ngoài ra, Trung Quốc thừa biết rằng để Nga suy sụp về kinh tế là “thất sách”, bởi khi đó, Mỹ sẽ tập trung vào kiềm chế Bắc Kinh.

>> Chiến sự Nga - Ukraine: Thế khó liên minh Nga - Trung

Chiến sự Nga- Ukraine trong một năm qua cho thấy, trên sân khấu địa chính trị, Nga và Trung Quốc độc lập và có những tính toán chiến lược riêng. Theo bà Patricia M. Kim, sau chiến sự Nga- Ukraine, Nga sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc hơn bao giờ hết trong lịch sử. Nhưng sẽ là một sai lầm lớn nếu nghĩ rằng nước Nga sẽ làm theo ý Trung Quốc.  

“Moscow và Bắc Kinh cũng có những tính toán rất thực dụng trong lúc phương Tây phạm phải hai sai lầm. Một mặt họ tin rằng Nga và Trung Quốc cùng "suy nghĩ như nhau". Mặt khác, phương Tây vừa muốn trục Nga -Trung tan rã, lại vừa muốn Nga trong thế yếu sẽ phải sớm chấm dứt chiến sự ở Ukraine”, bà Patricia M. Kim nhận định.

Trung Quốc đang mua lượng lớn dầu giá rẻ của Nga

Trung Quốc đang mua lượng lớn dầu giá rẻ của Nga

Trên thực tế, Moscow vẫn có tham vọng đưa Liên Bang Nga trở lại với ngôi vị một cường quốc trên thế giới. Ngày nào mà chưa đạt được mục tiêu này thì ông Putin sẽ không bao giờ lùi bước. Hơn thế nữa như nhà nghiên cứu về quan hệ quốc tế của viện IFRI ghi nhận: "Trung Quốc là một đối tác không thể thiếu của nước Nga, nhưng không là đối tác duy nhất. Bất chấp chiến tranh, Nga liên tục mở rộng và đẩy mạnh những đối tác khác”.

“Việc ông Tập Cận Bình coi ông Putin là đồng minh chủ chốt trong nỗ lực thúc đẩy một thế giới giảm vai trò của phương Tây cuối cùng đã cản trở chính họ. Sự liên kết của Trung Quốc với Nga chỉ thu hút thêm sự chú ý đến thái độ hung hăng của chính nước này với các vấn đề toàn cầu”, bà Patricia M. Kim nhấn mạnh.

Trong khi đó, nhận thức về liên minh Trung Quốc- Nga ngày càng mạnh mẽ đã củng cố mối quan hệ chặt chẽ giữa Mỹ và các đồng minh. Ví dụ như toàn châu Âu mau chóng đạt được đồng thuận tăng chi tiêu quốc phòng sau khi chiến sự Nga- Ukraine diễn ra; một loạt sáng kiến hợp tác an ninh, quốc phòng ra đời…

“Cả Bắc Kinh và Moscow cùng ý thức được đây là một mối quan hệ quá quan trọng và không bên nào được phép làm phật lòng đối phương. Song cũng phải nhìn nhận rằng, hợp tác Nga -Trung không sâu và không suôn sẻ như đôi bên cùng thể hiện với phần còn lại của thế giới”, bà Patricia M. Kim nhận định.

Có thể bạn quan tâm

  • Vì sao Bakhmut quan trọng trong chiến sự Nga - Ukraine?

    Vì sao Bakhmut quan trọng trong chiến sự Nga - Ukraine?

    04:30, 11/03/2023

  • Tại sao Nga muốn kéo dài chiến sự Nga - Ukraine?

    Tại sao Nga muốn kéo dài chiến sự Nga - Ukraine?

    04:30, 10/03/2023

  • Chiến sự Nga- Ukraine: Kinh tế Nga

    Chiến sự Nga- Ukraine: Kinh tế Nga "ngấm đòn" nặng sau năm 2023

    15:23, 09/03/2023

  • Chiến sự Nga - Ukraine: Sắp có màn đọ vũ khí tối tân

    Chiến sự Nga - Ukraine: Sắp có màn đọ vũ khí tối tân

    04:30, 09/03/2023

NHI NGUYỄN