Vụ rò rỉ tài liệu mật "phơi bày" thế khó của quân đội Ukraine
Đánh giá của tình báo Mỹ trong một tài liệu mật bị rò rỉ đã tiết lộ những nghi ngại của Washington về thực trạng cuộc chiến tại Ukraine.
>>Chiến sự Nga- Ukraine: Lộ diện điểm yếu của Nga
Cụ thể, những thách thức của Ukraine trong việc tập trung quân đội, đạn dược và trang thiết bị có thể khiến quân đội của họ không đạt được mục tiêu đã đề ra trong cuộc phản công sắp tới nhằm chiếm lại các khu vực do Nga chiếm đóng.
Bản đánh giá ảm đạm từ đầu tháng 2 đã cảnh báo về “sự thiếu hụt đáng kể trong việc tạo ra và duy trì lực lượng” và khả năng điều này sẽ chỉ dẫn đến “những lợi ích khiêm tốn”. Đó là một sự khác biệt rõ rệt so với những tuyên bố công khai của chính quyền Tổng thống Biden về năng lực của quân đội Ukraine.
Vụ rò rỉ tài liệu mật đã tạo ra những hiểu biết sâu sắc đáng chú ý về các hoạt động tình báo của Mỹ trên toàn thế giới, nhưng những tiết lộ của nó về chiến sự Nga- Ukraine có nhiều thông tin đắt giá. Chẳng hạn, tài liệu đã tiết lộ nơi các quan chức Mỹ đã phát hiện ra những điểm yếu nghiêm trọng trong hệ thống phòng không và khả năng tiếp cận đạn dược của Ukraine, đồng thời chỉ ra những thiếu sót đáng kể trong quân đội Nga.
Tài liệu cũng cho thấy chiến lược của Kiev xoay quanh việc giành lại các khu vực tranh chấp ở phía Đông trong khi tiến về phía Nam nhằm cắt đứt cây cầu trên đất liền của Nga tới Crimea, bán đảo mà Moscow đã sáp nhập vào năm 2014 và hiện sử dụng làm tuyến đường tiếp tế cho các lực lượng của nước này trong cuộc chiến ở Ukraine.
"Khả năng phòng thủ kiên cố của Nga cùng với những thiếu sót kéo dài của Ukraine trong huấn luyện và hạn chế về nguồn cung cấp đạn dược có thể sẽ cản trở tiến trình và làm trầm trọng thêm thương vong trong cuộc tấn công của nước này” tài liệu viết.
>>Chiến sự Nga- Ukraine: Hé lộ vụ rò rỉ tài liệu mật gây bất lợi cho Ukraine
Ngoài tài liệu bị rò rỉ, các quan chức Mỹ cho biết triển vọng về một kết quả khiêm tốn của cuộc phản công sắp tới của Ukraine cũng được lưu ý trong một đánh giá mật của Hội đồng Tình báo Quốc gia. Đánh giá đó cho thấy rằng Ukraine khó có thể chiếm lại nhiều phần lãnh thổ như quân đội nước này đã làm được trong các cuộc phản công vào mùa thu năm ngoái.
Washington Post trích dẫn nguồn tin giấu tên từ Nhà Trắng cho biết, trong những tuần tài liệu được soạn thảo, các quan chức Mỹ đã tổ chức các cuộc đàm phán với các nhà lãnh đạo Ukraine để đảm bảo rằng tham vọng tấn công của Kiev phù hợp với khả năng của họ. Trong đó, một cuộc trao đổi cấp cao được cho là đã diễn ra vào giữa tháng 3 giữa Tướng Mark A. Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân mỹ; ông Jake Sullivan, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống; Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin; và các đối tác Ukraine.
Thậm chí, các quan chức Mỹ cũng đã tổ chức các cuộc thảo luận với các nhà lãnh đạo quân đội Ukraine để chứng minh các kịch bản tấn công khác nhau có thể diễn ra như thế nào và hậu quả của việc dàn trải lực lượng quá mỏng. Điều này có thể kéo dài các đường tiếp tế, gây khó khăn cho việc giữ lãnh thổ đã chiếm lại được trong khi cố gắng tiến sâu hơn vào các khu vực bị chiếm đóng.
Ông Samuel Bendett, nhà phân tích quân sự tại tổ chức nghiên cứu chiến lược CNA nhận định, các nước phương Tây đã gửi cho Ukraine nhiều vũ khí và thiết bị quân sự trị giá hàng chục tỷ đô la. Nhưng tài liệu mật bị rò rỉ báo hiệu điều mà nhiều chỉ huy và quân đội đã biết: cuộc chiến chống lại Nga đã làm cạn kiệt binh lính và khí tài của Ukraine, khiến mỗi ngày trôi qua đều kéo lợi thế nghiêng dần về phía quân đội Nga.
Thông tin từ Kiev cho biết, các quân nhân trên chiến trường gần đây đã phàn nàn rằng những binh sĩ mới được huy động đến tiền tuyến được huấn luyện kém. Nhưng tình hình trên chiến trường hiện nay có thể không phản ánh bức tranh toàn cảnh về các lực lượng của Ukraine, bởi vì Kiev được cho là đang huấn luyện quân đội cho cuộc phản công sắp tới một cách riêng biệt khi cố tình tách họ khỏi cuộc giao tranh hiện tại, bao gồm cả việc phòng thủ tại Bakhmut.
Tuy nhiên, giới quan sát lo ngại việc rót hàng tỷ USD vào một thế bế tắc quân sự với những lợi ích hạn chế có thể làm suy yếu quyết tâm của những người ủng hộ Kiev ở châu Âu và Mỹ. Nhưng việc mở các cuộc đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể là rủi ro đối với Tổng thống Volodymyr Zelensky, do sự thù địch sâu sắc của người dân Ukraine đối với Điện Kremlin.
Có thể bạn quan tâm